Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bài 2: Làm việc với đối tượng thanh tra trong giờ hành chính

Thân Giang

Thứ sáu, 15/10/2021 - 13:00

(Thanh tra) - Đó là một trong những nội dung về chuẩn bị thanh tra được quy định tại Chương III Thông tư số 06/2021/TT- TTCP quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn Thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra vừa được Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong ký ban hành và có hiệu lực từ ngày 15/11/2021.

Toàn cảnh cuộc họp lấy ý kiến về dự thảo thông tư. Ảnh: Thân Giang

Xây dựng và phê duyệt kế hoạch thanh tra không quá 5 ngày

Tại Điều 14, Thông tư quy định, trước khi ban hành quyết định thanh tra, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền quản lý Nhà nước của mình, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước, thủ trưởng cơ quan thanh tra Nhà nước, thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành chỉ đạo thu thập thông tin, tài liệu để phục vụ cho việc ban hành quyết định thanh tra trên cơ sở đề xuất của thủ trưởng cơ quan, đơn vị dự kiến chủ trì cuộc thanh tra.

Việc thu thập thông tin, tài liệu được thực hiện qua các bước như yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi thẩm quyền thanh tra báo cáo theo đề cương yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu theo mẫu.

Khi cần thiết và được người có thẩm quyền ra quyết định thanh tra đồng ý bằng văn bản thì người được giao thu thập thông tin, tài liệu làm việc trực tiếp với cơ quan, tổ chức, đơn vị dự kiến là đối tượng thanh tra.

Người được giao thu thập thông tin, tài liệu có trách nhiệm báo cáo kết quả thu thập thông tin, tài liệu bằng văn bản với thủ trưởng cơ quan, đơn vị mình và người có thẩm quyền ra quyết định thanh tra.

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì cuộc thanh tra có trách nhiệm đề xuất cụ thể nội dung, đối tượng, thời kỳ, thời hạn, thời gian tiến hành cuộc thanh tra, thành viên Đoàn Thanh tra và chuẩn bị dự thảo quyết định thanh tra.

Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm chủ trì xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra. Đồng thời, trình người ra quyết định thanh tra phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra. Thời gian xây dựng và phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định thanh tra. Trường hợp thanh tra đột xuất thì thời hạn không quá 3 ngày làm việc.

Căn cứ quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức xây dựng Đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo. Trước khi công bố quyết định thanh tra 5 ngày làm việc, Trưởng đoàn thanh tra có văn bản gửi đối tượng thanh tra kèm theo Đề cương yêu cầu báo cáo. Văn bản yêu cầu phải nêu rõ nội dung, hình thức báo cáo, thời hạn báo cáo.

Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến đối tượng thanh tra về việc công bố Quyết định thanh tra. Thông báo phải nêu rõ thời gian, địa điểm, thành phần tham dự. Trong trường hợp cần thiết, Trưởng đoàn thanh tra trình người ra quyết định thanh tra ký văn bản thông báo về việc công bố Quyết định thanh tra.

Đối với nội dung tổ chức thực hiện cuộc thanh tra, tại Chương IV Thông tư quy định, quyết định thanh tra phải được công bố theo quy định tại khoản 2 Điều 44 và khoản 2 Điều 52 của Luật Thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm công bố quyết định thanh tra. Trong trường hợp cần thiết thì người ra quyết định thanh tra chủ trì việc công bố hoặc ủy quyền cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì cuộc thanh tra thực hiện việc công bố quyết định thanh tra.

Về địa điểm, thời gian làm việc của Đoàn Thanh tra, Điều 20 Thông tư quy định, Đoàn Thanh tra làm việc tại trụ sở của cơ quan, tố chức, đơn vị là đối tượng thanh tra, trụ sở cơ quan thanh tra hoặc tại nơi tiến hành kiểm tra, xác minh theo kế hoạch tiến hành thanh tra.

Đoàn Thanh tra làm việc với đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong giờ hành chính. Trong trường hợp phải làm việc ngoài giờ hành chính thì Trưởng đoàn thanh tra quyết định về thời gian cụ thể, thông báo cho các bên có liên quan và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Trong quá trình thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn Thanh tra yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo theo đề cương; yêu cầu đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra.

Đối với những hồ sơ, tài liệu không cần thu giữ thì người nhận hồ sơ, tài liệu trả lại cho đối tượng thanh tra, cơ quan, tố chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trước khi kết thúc việc thanh tra trực tiếp. Việc quản lý, khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu thanh tra thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra và pháp luật khác có liên quan.

Chuyển vụ việc sang Cơ quan Điều tra khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm

Về kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu, Điều 22 quy định, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn Thanh tra có trách nhiệm nghiên cứu các thông tin, tài liệu đã thu thập được; đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng thanh tra liên quan đên nội dung thanh tra; yêu cầu người có trách nhiệm, người có liên quan giải trình về những vấn đề chưa rõ; trường hợp cần làm việc trực tiếp với đối tượng thanh tra, người có liên quan thì thành viên Đoàn thanh tra báo cáo Trưởng đoàn thanh tra xem xét, quyết định.

Trong trường họp cần kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu hoặc làm rõ những vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra thì Trưởng đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra mời đối tượng thanh tra, đại diện cơ quan, tố chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến làm việc hoặc yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo.

Trường hợp cần kiểm tra, xác minh sự việc hoặc làm rõ những vấn đề liên quan đến sự việc đã và đang xảy ra thì Trưởng đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra có thể mời thêm đại diện UBND cấp xã nơi xảy ra sự việc hoặc người làm chứng khác.

Về xử lý sai phạm trong quá trình thanh tra, Điều 24 quy định, trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện có sai phạm thì Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn Thanh tra lập biên bản về việc sai phạm để làm cơ sở xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với hành vi vi phạm thuộc trường hợp phải xử phạt vi phạm hành chính thì Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn Thanh tra lập biên bản vi phạm hành chính để xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn Thanh tra phải thực hiện các quyền trong hoạt động thanh tra quy định tại các Điều 46, 48, 53 và Điều 55 của Luật Thanh tra để chấm dứt hành vi vi phạm, kịp thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân.

Trong trường hợp sai phạm của đối tượng thanh tra, của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan không thuộc thẩm quyền xử lý của mình thì Trưởng đoàn thanh tra kiến nghị Người ra quyết định thanh tra hoặc Thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý.

Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì Trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định chuyển thông tin, hồ sơ vụ việc sang Cơ quan Điều tra có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp này, người ra quyết định thanh tra chỉ đạo Đoàn Thanh tra tiếp tục thanh tra theo kế hoạch tiến hành thanh tra đã phê duyệt và ban hành Kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật.

Việc chuyển và bàn giao hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan Điều tra phải được lập thành văn bản và thực hiện theo Mẫu số 28, Mẫu số 29 ban hành kèm theo Thông tư này…

Về sửa đổi, bổ sung nội dung kế hoạch tiến hành thanh tra, gia hạn thời hạn thanh tra, chế độ báo cáo, sổ nhật ký Đoàn Thanh tra và kết thúc viêc thanh tra tại nơi được thanh tra được quy định tại Điều 25, 26, 27 và 28 của Thông tư.

Trước khi kết thúc việc tiến hành thanh tra tại nơi được thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra báo cáo người ra quyết định thanh tra và thông báo bằng văn bản cho đối tượng thanh tra về việc kết thúc thanh tra trực tiếp. Trường hợp cần thiết, Trưởng đoàn thanh tra tổ chức buổi làm việc với đối tượng thanh tra để thông báo việc kết thúc thanh tra trực tiếp.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phú Thọ: Cử tri phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường

Phú Thọ: Cử tri phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường

(Thanh tra) - Tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, ngày 10/12, nhiều vấn đề được cử tri quan tâm liên quan đến chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở ngoài công lập; tình trạng kê thuốc không có đơn của bác sỹ; ô nhiễm môi trường... đã được các sở, ngành giải trình làm rõ tại hội trường.

Nam Dũng

21:51 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm