Theo dõi Báo Thanh tra trên
PV
Thứ năm, 14/04/2022 - 20:46
(Thanh tra)- Chiều ngày 14/4, phiên họp thứ 10 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).Báo cáo Tờ trình tóm tắt Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sẽ có 6 nhóm chính sách được đề cập trong dự thảo Luật.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên báo cáo Tờ trình tóm tắt Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)
6 nhóm chính sách mới về dầu khí
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, qua thực tiễn đánh giá thi hành Luật Dầu khí được ban hành ngày 6/7/1993, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000 và năm 2008, Bộ Công Thương nhận thấy, Luật Dầu khí và các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí trong những năm qua đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động dầu khí cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập tập trung vào một số vấn đề thực tế phát sinh mang tính đặc thù của hoạt động dầu khí nhưng chưa được quy định cụ thể bởi Luật Dầu khí và các VBQPPL dưới Luật hoặc quy định chưa phù hợp với thực tiễn đã có những thay đổi.
Bên cạnh đó, là một số vấn đề được quy định trong Luật Dầu khí nhưng chưa đồng bộ với các quy định pháp luật khác. Một số vấn đề đang được quy định tại các văn bản dưới Luật cần được quy định trong Luật Dầu khí để nâng cao hiệu lực thi hành và đảm bảo tính đồng bộ, tương thích với các Luật khác có liên quan.
“Như vậy, xuất phát từ thực tiễn quản lý, thực trạng thi hành pháp luật và bối cảnh tình hình hiện nay, việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) để thay thế Luật Dầu khí năm 1993, năm 2000, năm 2008 là hết sức cần thiết, nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí” - Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, việc xây dựng dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) phải đáp ứng yêu cầu đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế nhất là về năng lượng.
Tại Nghị quyết số 17/2021/QH15 ngày 27/7/2021, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trong đó có dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) với kế hoạch trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022). |
Đồng thời, bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên, chủ quyền quốc gia bao gồm cả chủ quyền pháp lý, xây dựng thể chế hội nhập, khẳng định vị thế của Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế; tăng cường năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, tránh lợi ích cục bộ của các bộ, các ngành.
Thực hiện Nghị quyết số 17/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về nội dung của dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu, Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 9 Chương 56 điều. Theo đó, Luật Dầu khí (sửa đổi) kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Dầu khí hiện hành, bảo đảm tính ổn định, liên tục của các hợp đồng dầu khí, Hiệp định đã ký kết; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.
Nội dung của dự thảo Luật giải quyết 6 nhóm chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội thông qua (Nghị quyết số 17/2021/QH15). Cụ thể, thứ nhất, chính sách về bổ sung và hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí; thứ hai, chính sách quy định về điều tra cơ bản và dầu khí và trình tự, phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí, dự án dầu khí gồm các giai đoạn tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí.
Thứ ba, quy định khung cho việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý; thứ tư, chính sách về ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí theo lô dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí.
Thứ năm, chính sách quy định về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán và xử lý chi phí trong hoạt động dầu khí; thứ sáu, chính sách quy định khung việc cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí và nghĩa vụ chia sẻ công trình dầu khí, cơ sở hạ tầng sẵn có nhằm sử dụng tối ưu, hiệu quả hệ thống hạ tầng cơ sở sẵn có, tránh lãng phí trong đầu tư.
Rà soát kỹ lưỡng các quy định về điều kiện để áp dụng ưu đãi
Báo cáo tóm tắt thẩm tra dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi) để đáp ứng yêu cầu như Tờ trình của Chính phủ đã nêu.
Các nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo báo cáo thêm về việc nội luật hóa các quy định tại các điều ước quốc tế song phương trực tiếp điều chỉnh lĩnh vực dầu khí, bảo đảm đáp ứng yêu cầu quy định của Luật Điều ước quốc tế.
"Các tài liệu trong Hồ sơ cơ bản bảo đảm theo yêu cầu quy định tại Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Để có thêm cơ sở nghiên cứu, xem xét các quy định tại dự thảo Luật, đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung đánh giá tác động cụ thể đối với những quy định mới tại dự thảo Luật so với quy định hiện hành của pháp luật" - ông Vũ Hồng Thanh lưu ý.
Về đấu thầu lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí có quy định riêng tại Luật Dầu khí về đấu thầu lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí (nhà đầu tư dầu khí) với những đặc thù trong lựa chọn nhà đầu tư và đặc thù liên quan đến tài nguyên, quốc phòng - an ninh, chủ quyền biển đảo quốc gia.
Tuy nhiên, đề nghị có Chương riêng quy định về nội dung này; rà soát, bổ sung quy định bảo đảm tính toàn diện, tổng thể, rõ ràng, cụ thể. Rà soát các quy định về điều kiện đối với bên dự thầu, bảo đảm phù hợp với quy định của các luật có liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật Phá sản…
Về đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí, đề nghị Cơ quan soạn thảo báo cáo thêm về tình hình thực hiện quy định pháp luật hiện hành về việc lựa chọn nhà thầu trong lĩnh vực dầu khí thời gian qua và làm rõ: Các trường hợp lựa chọn nhà thầu trong lĩnh vực dầu khí được thực hiện theo Luật Đấu thầu; Luật Đấu thầu hay Luật Dầu khí điều chỉnh việc nhà đầu tư dầu khí lựa chọn nhà thầu cung cấp dầu khí; có sự phân biệt các nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí liên quan trực tiếp, gián tiếp đến hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí và việc lựa chọn các nhà thầu này hay không...
Đặc biệt, về ưu đãi trong hoạt động dầu khí (chương V dự thảo Luật), ông Vũ Hồng Thanh đề nghị xem xét, rà soát kỹ lưỡng các quy định về điều kiện để áp dụng ưu đãi, ưu đãi đặc biệt bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng, khả thi; không quy định tại khoản 4 Điều 40 về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến mức thuế suất. Nhất trí quy định tại dự thảo Luật về sửa đổi quy định tương ứng của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Bổ sung thuyết minh cụ thể hơn về mức độ đóng góp trở lại của các hoạt động này đối với nền kinh tế nếu được triển khai.
Ngoài ra, ông Vũ Hồng Thanh đề nghị tiếp tục nghiên cứu, quy định về các hình thức, cơ chế ưu đãi đầu tư khác, nhất là trong bối cảnh thời gian tới nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng mức thuế suất tối thiểu thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu.
Phát biểu về dự án Luật, ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội đánh cao công tác chuẩn bị dự án luật của cơ quan soạn thảo song phải có chương riêng qui định đối với nhà đầu tư, để tránh những rủi ro có thể xảy ra khi đầu tư ra nước ngoài. Đồng tình với 5 quan điểm sửa đổi Luật nhưng Ban soạn thảo cần làm sâu sắc thêm quan điểm dự thảo luật phải đảm bảo tính minh bạch rõ ràng, chặt chẽ, phòng ngừa được các sơ hở, có tác dụng phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Từ 1/1/2025, theo Thông tư số 59/2024 ngày 7/11/2024 của Bộ Công an, sẽ tiến hành thu thập ảnh chân dung, vân tay của công dân tại các cửa khẩu theo quy định của pháp luật.
PV
15:40 13/12/2024(Thanh tra) - Sáng nay (13/12), tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội nghị Đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2024 với cộng đồng doanh nghiệp phía Nam.
Trần Quý
15:21 13/12/2024Cảnh Nhật
12:51 13/12/2024Thái Hải
12:16 12/12/2024Thành Dương
22:33 10/12/2024Nam Dũng
21:51 10/12/2024Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền
Uyên Uyên
Hương Giang
Nam Dũng
Trần Quý
Lê Hữu Chính
Trần Quý