Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Tất cả vì tương lai con em chúng ta”

Chủ nhật, 03/03/2013 - 07:56

Nói như Frank Vogl (Waging War on Corruption), “tội ác của tham nhũng không phải là những vấn đề trừu tượng. Cứ mỗi khi một viên chức ăn cắp tiền từ chiếc ví công thì ai đó phải chịu đau khổ. Mỗi khi một viên chức hành xử như một kẻ côn đồ thì sẽ có một nạn nhân”.

Học sinh một trường tiểu học ở Trung Quốc - Ảnh: New York Times

>> "Quái vật" tham nhũng và những nạn nhân
>> Đất nước trong tay nhóm thiểu số

Tham nhũng gây tổn hại gần như toàn diện đối với đời sống chính trị, kinh tế và xã hội. Chẳng lĩnh vực nào có thể miễn trừ đối với tham nhũng, trong đó có giáo dục...

Nuôi cái miệng còn khó...

Trong buổi nói chuyện tại Washington vào tháng 6/2007, Ngozi Okonjo-Iweala (một trong những nhà hoạt động chống tham nhũng nổi tiếng thế giới, bộ trưởng tài chính Nigeria từ năm 2011) kể về một nạn nhân tên Rose ở nước mình (sinh viên đại học 21 tuổi).

Xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, Rose không thể mua giáo trình mà giảng viên bán. Chỉ mỗi “tội” đó thôi nhưng Rose đã bị đánh điểm thấp. Khi nghe Rose giải thích rằng bởi không có tiền và gia đình khốn khó phải chạy gạo từng bữa, tay giảng viên yêu cầu cô phải đền bằng những “thiện ý” khác. Rose từ chối. Hậu quả, Rose phải từ bỏ giảng đường, dập tắt mọi hi vọng mà cả gia đình trông mong hầu có thể thoát được cảnh khốn cùng bằng con đường học vấn...

Với trường hợp Nigeria, chính phủ nước này hoàn toàn có khả năng để nuôi dân nhưng Nigeria lại là một trong những điển hình của cái gọi là “quốc phú dân cùng” (nước thì giàu nhưng dân nghèo mạt). Theo Laurence Cockcroft (Global Corruption), từ năm 1980-2000 doanh thu dầu mỏ Nigeria đạt đến 600 tỉ USD, tức mỗi người dân có thể có được 300 USD/năm. Vậy mà từ năm 1975-2003, tăng trưởng GDP/đầu người/năm tại Nigeria chỉ đạt 0,5%. Hiện giờ có đến 70% dân số nước này (khoảng 80 triệu người) đang sống dưới chuẩn nghèo (thu nhập không đến 1 USD/ngày). Nuôi cái miệng còn khó, tiền đâu nuôi chữ?

Nigeria không phải là nước châu Phi duy nhất bị ảnh hưởng nặng nề của tham nhũng đối với giáo dục. Laurence Cockcroft cho biết năm 2007 có đến 72 triệu trẻ ở độ tuổi tiểu học tại châu Phi không thể đến trường chỉ bởi không có tiền lo phong bì cho thầy cô.

Năm 2009, một cuộc khảo sát bảy nước châu Phi cho thấy 44% phụ huynh nói rằng họ phải hối lộ cho giới chức giám hiệu để con mình được nhận vào trường. Một cách chính xác, không riêng gì châu Phi, có thể nói tại bất kỳ nước nào mà tham nhũng lộng hành, giáo dục luôn bị đối xử nghiệt ngã với vô số câu chuyện đau lòng mà “tại”, “bởi” hay “vì hoàn cảnh” là từ phổ biến nhất được dùng để giải thích.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây (26/7/2012) với đại diện văn phòng UNESCO tại Bangkok, Muriel Poisson (đặc trách viên chương trình của Viện Kế hoạch giáo dục quốc tế thuộc UNESCO) đã nhấn mạnh tình trạng tham nhũng trong giáo dục tại châu Á - Thái Bình Dương đang là những vấn đề nóng bỏng. Poisson tỏ ra am hiểu đặc biệt khi dẫn ra những chuyện liên quan chạy trường, hối lộ để được nâng điểm... Poisson cho biết tại một số nước khu vực, có đến hơn 25 loại phí khác nhau mà phụ huynh bắt buộc phải đóng, chưa kể nhiều kiểu hối lộ khác mà chẳng đặng đừng phải chi.

Để được đi học ở Trung Quốc...

Người Trung Quốc có câu: “Ấu bất học, lão hà vi” (nhỏ mà không học, già biết làm gì). Tuy nhiên, để cho con được ăn học đàng hoàng không phải là chuyện dễ và đặc biệt không dành cho người ít tiền lẫn những người không có nhiều mối quan hệ cần thiết.

Trong phóng sự đề tài này, Dan Levin (New York Times, 21/11/2012) cho biết gần như tất cả mọi thứ liên quan sự học tại Trung Quốc đều có giá của nó, từ chuyện lấy hồ sơ đăng ký, việc đặt chỗ trong những lớp điểm thuộc trường điểm đến cả vị trí lãnh đạo học sinh trong trường. Triệu Hoa, dân tỉnh nhập cư gốc Hà Bắc, cho biết bà buộc phải nộp cọc số tiền tương đương 4.800 USD để đăng ký cho con gái vào một trường tiểu học ở Bắc Kinh mà sau đó giới chức nhà trường buộc bà phải ký vào biên bản với nội dung khoản phí trên là một đóng góp tình nguyện.

Tiêu cực trong hệ thống giáo dục Trung Quốc thể hiện mọi nơi, từ đại học xuống tận mẫu giáo. Ngay từ những ngày đầu năm, Nhà trẻ sạch Trung Quốc (Thanh khiết Trung Quốc ấu nhi viện) thuộc hệ thống Đại học Thanh Hoa bắt đầu tiếp nhận hàng đống đơn đăng ký.

Chính thức thì nhà trẻ này chỉ nhận con em những người làm việc tại Thanh Hoa nhưng với khoảng 150.000 tệ (24.000 USD), một giáo sư Thanh Hoa có thể được thuyết phục để làm nhà bảo trợ cho một đơn xin. Tuy nhiên, không chỉ có tiền là giải quyết được vấn đề mà còn phải quen biết, phải nắm được đường dây, phải chạy đúng cửa...

Với trung học, báo chí Trung Quốc cho biết (dẫn lại từ Nytimes), giá để chạy vào một trung học có liên kết với Đại học Nhân dân Bắc Kinh là 80.000-130.000 USD. Trong báo cáo phát triển con người châu Á-Thái Bình Dương 2008 của LHQ, nhóm tác giả ghi nhận rằng năm 2003, một cuộc thanh tra gần 3.000 trường tiểu học và 1.500 trường trung học ở quận Giản Tây (Lạc Dương, Hà Nam) đã phát hiện 125 trường hợp thu phí bất hợp pháp với tổng cộng 2 triệu USD, và khắp Trung Quốc con số trên là hơn 20 triệu USD!

Còn nữa là chuyện mua bán văn bằng. Theo Yangtze Daily (22/10/2012), “công nghiệp” kinh doanh bằng dỏm, đặc biệt bằng tiến sĩ, hiện trị giá 180 triệu tệ (26,3 triệu USD) đến 540 triệu tệ (79 triệu USD) mỗi năm. Không khí kinh doanh náo nhiệt đến nỗi ngày càng có nhiều website mọc ra để đáp ứng nhu cầu mua bán luận án tiến sĩ, được “luộc” lại từ những công trình nghiên cứu đăng tải trên các chuyên san khoa học thế giới.

Website Taobao.com (Đào bảo võng) đang trở thành website số một về hoạt động mua bán văn bằng. Tại các website khác, “khách hàng” còn có thể được cung cấp nhiều dịch vụ liên quan, từ viết luận án thuê, dịch luận án, in luận án đến tìm kiếm luận án theo yêu cầu đề tài. Ngoài ra còn có nhan nhản văn phòng tại các thành phố lớn hoạt động gần như công khai phục vụ nhu cầu “làm luận án”.

Theo tờ Tài Kinh (15/2/2012), khảo sát của dự án hành động giáo dục vùng quê (REAP - với sự phối hợp của Đại học Stanford, Đại học Thanh Hoa, Viện Xã hội học Trung Quốc, Đại học Bắc Kinh và Đại học Tây Bắc-Tây An) cho thấy trong 62 quốc gia được xem xét, Trung Quốc là nơi có chi phí giáo dục cao nhất đối với các trường trung học vùng quê: 160 USD/học sinh/học kỳ (gần gấp ba so với nơi được xếp nhì là Indonesia)...

Tất cả những chuyện như vậy đang diễn ra ở một nước mà giáo dục được quy định miễn phí cho đến cấp trung học cơ sở và việc chọn trường bị cấm từ năm 2005!

Với giới “tinh hoa” chóp bu ở những quốc gia nhiễu nhương bởi tham nhũng, những chuyện bát nháo đại loại hay vô vàn câu chuyện đau lòng của các trường hợp con nhà nghèo không sắm nổi cái chữ mà báo chí đề cập hằng ngày gần như chẳng tác động gì đến họ. Việc giáo dục nước nhà bị tàn phá bởi tham nhũng dường như chẳng ăn nhập gì đến họ. Phản ứng duy nhất thường thấy trước những hồi chuông cảnh báo trong hệ thống giáo dục của giới chức là họ tiếp tục “kiên quyết lên án tham nhũng”, thề “bằng mọi giá phải làm trong sạch môi trường giáo dục”, tiếp tục khẳng định “giáo dục là nền tảng của phát triển”, “thế hệ trẻ là rường cột tương lai đất nước”...

Phần mình, họ đã chu đáo và ưu tiên hàng đầu lo cho con em ăn học ở nước ngoài bằng những đồng tiền ở đâu ra thì ai cũng hiểu. Thử nêu một điển hình. Vào thời mà bố Bạc Hi Lai còn “một bước lên xe xuống ngựa”, cậu ấm Bạc Qua Qua đã được đi du học từ nhỏ.

Trước khi sang Mỹ học ĐH Harvard năm 2000, khi 12 tuổi, Bạc Qua Qua được bố (lúc đó là thị trưởng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh) cho sang Anh học tiểu học tại Trường Papplewick (học phí chừng 35.000 USD/năm). Khoảng một năm sau, Bạc Qua Qua trở thành người Hoa lục đầu tiên học trường trung học danh tiếng Harrow (nơi chỉ nhận khoảng 850 nam sinh với học phí gần 49.000 USD/năm). Năm 2006, thời điểm Bạc Hi Lai được bổ nhiệm ghế bộ trưởng thương mại, Bạc Qua Qua chuyển sang Oxford, nơi cậu từng tổ chức đêm dạ tiệc Con đường tơ lụa với màn trình diễn của các sư Thiếu Lâm. Tiếp đó, Bạc Qua Qua học Trường Kennedy thuộc Viện đại học Harvard (nơi có học phí khoảng 70.000 USD/năm)...

Những người như Bạc Qua Qua rõ ràng là ở một cái thế giới khác, rất riêng biệt và rất cao...

(Tuổi trẻ)

Kỳ tới: Những khoản “thuế” không tên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024
Bồi dưỡng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cho cán bộ huyện Văn Yên và Trấn Yên

Bồi dưỡng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cho cán bộ huyện Văn Yên và Trấn Yên

(Thanh tra) - Ngày 3/12, tại Trung tâm Hội nghị huyện Văn Yên, Ban Nội chính Tỉnh ủy Yên Bái phối hợp với Huyện ủy Trấn Yên và Huyện ủy Văn Yên tổ chức lớp bồi dưỡng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp năm 2024. Đây là một hoạt động quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong các huyện của tỉnh Yên Bái, đồng thời, tạo ra những bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, và cải cách tư pháp.

Bùi Bình

17:18 03/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm