Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 07/03/2013 - 13:42
(Thanh tra)- Tuần báo bóng đá uy tín hàng đầu của Pháp France Football hôm 29/1/2013 đã đăng tải điều tra 16 trang lật lại những ngờ vực trong việc Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) trao quyền cho Qatar đăng cai World Cup 2022.
Trang nhất Tuần báo France Football ra ngày 29/1/2013
Gọi tên vụ việc là “Qatargate”, France Football bắt đầu bằng nội dung một thư điện tử trong nội bộ FIFA, trong đó ông Jerome Valcke - Tổng Thư ký FIFA - đã thốt lên rằng: “Họ đã mua World Cup 2022”. Chưa hết, tuần báo thể thao danh tiếng của Pháp còn trích dẫn lời ông Guido Tognoni, người Thụy Sỹ, cựu Giám đốc Truyền thông của FIFA, bị mất chức từ năm 2003, nhận định có nhiều nghi vấn liên quan đến thanh danh của nhiều thành viên FIFA từng bỏ phiếu cho Qatar giành quyền đăng cai World Cup 2022.
Để chứng minh cho các nghi ngờ xung quanh vụ việc này, France Football đưa ra nhiều chi tiết cho thấy hồ sơ của Qatar đã nhận được sự hậu thuẫn thông qua nhiều quan chức lãnh đạo các liên đoàn của nhiều nước, chủ yếu ở khu vực Mỹ La tinh, đổi lại họ nhận được những khoản trợ giúp tài chính hào phóng của Tiểu Vương quốc Ả Rập.
Thậm chí, tuần báo này còn nhắc tới một “cuộc họp kín” tại Điện Elysee ngày 23/11/2010 - 10 ngày trước cuộc bỏ phiếu của FIFA (2/12/2010), giữa Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Thái tử Qatar Tamin bin Hamad al Thani, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) Michel Platini và đại diện Câu lạc bộ Bóng đá Paris Saint Germain, khi đó đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính. “Trong cuộc họp này, việc người Qatar mua lại câu lạc bộ của Paris và việc mở một kênh thể thao, cũng của người Qatar, để cạnh tranh với kênh Canal Plus của Pháp đã được đề cập đến. (Sau đó, kênh beIN Sport đã ra đời và gần như độc chiếm thị trường truyền hình bóng đá ở Pháp). Tất cả các vấn đề trên được đổi lại bằng hứa hẹn rằng, Michel Platini sẽ không bỏ phiếu cho hồ sơ xin đăng cai của Mỹ, như ông dự định, mà là cho Qatar”, theo Tuần báo France Football.
Tuy nhiên, sau đó Chủ tịch UEFA đã phủ nhận thông tin này và khẳng định sự lựa chọn Qatar của ông hoàn toàn độc lập. Đơn giản là ông muốn mở ra cơ hội cho những nước chưa hề được tổ chức sự kiện thể thao lớn như World Cup.
Chưa có những phản ứng trực tiếp, nhưng ngay sau khi vụ việc được công bố, ngày 30/1/2013, Tổng Thư ký FIFA Jerome Valcke tuyên bố Ủy ban Đạo đức của FIFA sẽ nghiên cứu và nếu cần thiết sẽ cho mở điều tra về những thông tin đã được Tuần báo France Football đăng tải (nếu thảo luận với Chủ tịch FIFA Sepp Blatter và được chấp nhận).
Trao đổi với RFI, ông Gerard Ejnes - Giám đốc Ban Biên tập France Football khẳng định: Chúng tôi hoàn toàn tin vào những thông tin của mình có được. Tất nhiên, chúng tôi không đưa ra những bằng chứng chính thức về chuyện tham nhũng trong hồ sơ Qatar... Về phần tham nhũng thì ông Michael Garcia sẽ chứng minh. Michael Garcia là một “siêu cảnh sát” người Mỹ, cựu Trưởng lý New York, cựu Phó Chủ tịch Intelpol (Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế) khu vực Bắc Mỹ...
Giám đốc Ban Biên tập France Football còn cho biết thêm: Đây là cuộc điều tra theo đề nghị của FIFA, từ Sepp Blatter, chính vì thế mà nó rất phức tạp, rất mâu thuẫn. Tức là, Sepp Platter đang bị vướng vào vụ trao quyền đăng cai cho Qatar, nổi bật nhất là cách làm của việc này như France Football đã đề cập. Cách bầu chọn này đã khiến nhiều thành viên của FIFA, đặc biệt là trong Ban Chấp hành, đã bị đình chỉ công việc. Một trong số họ đã bị loại vĩnh viễn ra khỏi các hoạt động bóng đá, đó là cựu Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) Mohammed Bin Hammam, người Qatar và cũng là cựu đối thủ của ông Sepp Blatter tranh chức Chủ tịch FIFA hồi năm 2011. Ông Mohammed Bin Hammam bị tố cáo tham nhũng, đưa hối lộ... Người ta đặt câu hỏi: Liệu những gì mà ông Mohammed Bin Hammam làm hồi năm 2011 từng được làm vào năm 209 hay năm 2010 khi vận động ủng hộ đơn xin ứng cử của Qatar? Chúng tôi đặt câu hỏi này và có quyền nghi ngờ.
Hồ sơ điều tra của France Football đã làm dày thêm những nghi vấn tham nhũng vốn không ít của FIFA.
Trước đó, hôm 20/10/2010, ông Amos Adamu, người Nigeria và ông Reynald Temarii, người Tahiti, đã bị Ủy ban Đạo đức của FIFA đình chỉ công tác vì các vụ tham nhũng liên quan đến chiến dịch tranh đăng cai World Cup 2018 và World Cup 2022.
Hai quan chức này nằm trong Ủy ban gồm 24 người (1 Chủ tịch, 8 Phó Chủ tịch và 15 Ủy viên) sẽ lựa chọn nước tổ chức World Cup 2018 và World Cup 2022 trong cuộc bỏ phiếu kín ngày 2/12/2010 ở Zurich, Thụy Sĩ. (Tham dự cuộc đua để giành quyền đăng cai World Cup 2018 có Anh, Nga và các cuộc vận động hỗn hợp của Bỉ - Hà Lan, Tây Ban Nha - Bồ Đào Nha. Các ứng cử viên của World Cup 2022 gồm Qatar, Australia, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc).
Theo cáo buộc hôm 17/10/2010 của Báo Sunday Times của Anh, khi phóng viên của họ giả làm người vận động cho các công ty tư nhân của Mỹ muốn đăng cai World Cup 2022 tại Mỹ, ông Amos Adamu, Ủy viên Ban Chấp hành FIFA, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Tây Phi, đã đòi phải được trả 500 nghìn bảng (khoảng 800 nghìn USD), một nửa số đó bằng tiền mặt ngay lập tức, để xây 4 sân cỏ nhân tạo ở Nigeria. Còn ông Reynald Temarii, Phó Chủ tịch FIFA, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Đại Dương, bị cáo buộc đòi 1,5 triệu bảng (khoảng 2,3 triệu USD) để xây 1 học viện thể thao cho khu vực của mình ở Auckland.
Ông Claudio Sulser - Chủ tịch Ủy ban Đạo đức của FIFA, tin rằng, cả 2 quan chức trên đã vi phạm nội qui của FIFA, đồng thời cũng vi phạm các qui định về đạo đức và kỷ luật.
Ngoài ông Amos Adamu và ông Reynald Temarii, 4 quan chức cấp thấp hơn gồm các ông: Slim Aloulou, người Tunisia; Amadou Diakite, người Mali; Ahongalu Fusimalohi, người Tonga và ông Ismail Bhamjee, người Bostwana, cũng bị ngưng chức bởi các cáo buộc cho rằng đã vi phạm các qui định tương tự.
Chưa hết, ngay cả Phó Chủ tịch FIFA, Chủ tịch CONCACAF (Liên đoàn Bóng đá Bắc - Trung Mỹ và vùng Caribbe) là Jack Warner, người Trinidad & Tobago, cũng bị buộc phải rời khỏi chức vụ hồi tháng 6/2011.
Ngoài ra là hàng loạt vụ tham nhũng, hối lộ và kiện tụng khác. Chẳng hạn, chỉ sau sự ra đi của ông Amos Adamu và ông Reynald Temarii 1 tháng, FIFA đã phải lên tiếng bác bỏ các cáo buộc hối lộ khác nhằm vào 3 giới chức cao cấp của họ gồm: Ông Issa Hayatou, quốc tịch Cameroon, Phó Chủ tịch FIFA, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Phi (CAF); ông Nicolas Leoz, người Paraguay, Ủy viên Ban Chấp hành FIFA, Chủ tịch Hiệp hội Bóng đá Nam Mỹ (CONMEBOL) và ông Ricardo Terra Teixeira, người Brazil, Ủy viên Ban Chấp hành FIFA, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Brazil (CBF). Tuy nhiên, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) vẫn tuyên bố sẽ xem xét vụ việc liên quan đến ông Issa Hayatou, bị cáo buộc nhận tiền hối lộ của một công ty trước đây làm công tác marketing (tiếp thị) cho FIFA vì ông này còn là Ủy viên của IOC.
Theo chương trình truyền hình Panorama (Toàn cảnh) của BBC, 3 giới chức FIFA, trong đó có ông Issa Hayarou, đã nhận tiền của ISL (International Sport and Leisure - Thể thao và Giải trí Quốc tế), công ty marketing của FIFA trong khoảng thời gian từ 1989 - 1999. (Công ty này giải tán năm 2001). Trong đó: Ông Nicolas Leoz, trước đã bị cáo buộc nhận các khoản hối lộ tổng trị giá 130.000 USD. Thế nhưng, theo tài liệu mật của ISL mà chương trình Panorama có trong tay, Chủ tịch CONMEBOL còn được trả thêm 600.000 USD trong 3 đợt, mỗi đợt 200.000 USD. Còn ông Ricardo Terra Teixeira, danh sách của ISL cho thấy, 1 công ty ở Liechtenstein có tên Sanud đã nhận 21 khoản tiền tổng trị giá 9,5 triệu USD. Theo một điều tra của Thượng viện Brazil năm 2001, ông Ricardo Terra Teixeira có liên quan mật thiết tới Công ty Sanud. Điều tra cho thấy, Sanud đã chuyển nhiều khoản tiền cho Chủ tịch CBF thông qua một trong các công ty của ông. Riêng ông Issa Hayatou, tài liệu của ISL mà Panorama có được cho thấy, khoảng 100.000 franc Pháp (12.900 bảng Anh) đã được chuyển cho Phó Chủ tịch FIFA, Chủ tịch CAF.
Về phía mình, FIFA khẳng định vụ việc đã kết thúc vì tòa án của Thụy Sĩ năm 2008 đã kết luận không có giới chức nào của FIFA phạm tội. Thông cáo của Chủ tịch FIFA Sepp Blatter còn nhấn mạnh rằng, “không có quan chức nào của FIFA bị cáo buộc hình sự trong quá trình tòa xét xử cả". Tuy nhiên, theo BBC, vào thời điểm ISL bị cáo buộc trả tiền hối lộ, hành động này chưa bị liệt vào danh sách tội phạm hình sự.
Ông Issa Hayarou, khi trả lời phỏng vấn Reuters cũng cho biết, số tiền 25.000 USD nhận được là hợp pháp để CAF tổ chức Giải Bóng đá châu Phi lần thứ 40 tại Ai Cập. Phó Chủ tịch FIFA nói đây là một phần trong hợp đồng tài trợ với Công ty ISL. Còn CAF thì phát đi thông cáo bày tỏ ủng hộ Chủ tịch Issa Hayarou: “Thông tin đưa ra trong chương trình không phản ánh sự thật” và nhấn mạnh thêm, Ban Quản trị CAF biết trước về khoản tài trợ của ISL và đã thông qua việc nhận tài trợ.
Ngoài ra, chương trình truyền hình Panorama của BBC còn cáo buộc ông Jack Warner, Phó Chủ tịch FIFA, Chủ tịch CONCACAF, thu lợi 84.000 USD từ việc bán vé World Cup 2010 ra thị trường chợ đen. Nhiều email cho thấy, các vé này, trong đó có 38 vé xem chung kết tại Johannesburg, Nam Phi, đáng ra đã được bán trên chợ đen, nhưng cuối cùng không thành vì các con buôn không chấp nhận giá chào bán.
Cần nói thêm, vào năm 2006, Panorama cũng tiết lộ rằng, ông Jack Warner đã bán vé cho các trận World Cup 2006 tại Đức. FIFA sau đó đã yêu cầu Simpaul Travel - công ty gia đình của ông Jack Warner, phải đóng góp 1 triệu USD cho các tổ chức từ thiện để bù vào tiền lãi thu được từ bán vé xem World Cup 2006.
Kỳ III: Bóng đá Indonesia “dột từ nóc”
Anh Vũ - Đức Tâm
(Tổng hợp)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".
Hoài Phương
12:46 11/12/2024(Thanh tra) - Ngày 3/12, tại Trung tâm Hội nghị huyện Văn Yên, Ban Nội chính Tỉnh ủy Yên Bái phối hợp với Huyện ủy Trấn Yên và Huyện ủy Văn Yên tổ chức lớp bồi dưỡng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp năm 2024. Đây là một hoạt động quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong các huyện của tỉnh Yên Bái, đồng thời, tạo ra những bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, và cải cách tư pháp.
Bùi Bình
17:18 03/12/2024Bùi Bình
09:05 29/11/2024Công Thắng - Phạm Hoa
21:13 11/11/2024Hương Giang
20:28 11/10/2024Lê Phương
10:00 23/08/2024Hương Trà
Lâm Ánh
Thu Huyền
Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình
Văn Thanh
Trần Kiên
Trung Hà