Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Xét tuyển tổ hợp "bất thường": Trường có thể bị thanh tra

Thứ sáu, 23/03/2018 - 15:36

(Thanh tra) - Tuyển sinh 2018, một số trường đại học (ĐH) "xé rào", xét tuyển một số tổ hợp chưa từng có trong lịch sử. Trước thực tế này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) khẳng định, sẽ yêu cầu nhà trường giải trình. Nếu không có căn cứ thuyết phục, có thể lựa chọn những trường có dấu hiệu tiêu cực để kiểm tra, thanh tra.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) tư vấn cho thí sinh tại Ngày Hội Tư vấn tuyển sinh 2018. Ảnh: HH

Xuất hiện tổ hợp "bất thường"

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, mùa tuyển sinh 2018, các trường ĐH được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh (trừ ngành đào tạo giáo viên). Cơ chế mở này tạo điều kiện cho nhiều trường bổ sung tổ hợp môn xét tuyển mới để thí sinh có thêm cơ hội lựa chọn ngành nghề. Tuy nhiên, cũng vì đó mà nhiều trường đã “xé rào” xét tuyển một số tổ hợp chưa từng có trong lịch sử.

Đơn cử như Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, các ngành khối kinh tế đòi hỏi có kiến thức sâu về toán như kế toán, tài chính ngân hàng… thì lại xét tuyển bằng tổ hợp Văn - Sử - Địa. Các ngành khối kỹ thuật như ôtô, kỹ thuật xây dựng, chế tạo máy, công nghệ thông tin - vốn đòi hỏi kiến thức cơ bản liên quan nhiều đến các thuật toán, giải tích… cũng đều tuyển sinh bằng khối C.

Ngoài ra, nhiều trường ĐH khác ở Huế, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ như Trường ĐH Nông lâm (ĐH Huế), Trường ĐH Bình Dương, ĐH Hùng Vương TP Hồ Chí Minh… cũng xuất hiện những chuyện lạ lùng này. 

Trường ĐH Bình Dương tuyển thêm tổ hợp Văn, Sử, Địa cho ngành kế toán, Tài chính ngân hàng. 

Trường ĐH Nam Cần Thơ cũng xét tuyển tổ hợp này cho khối ngành Kế toán, Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Bất động sản...

Mất nhiều hơn được

Trước hiện tượng trên, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho biết: Thực hiện quy định tại Điều 34 của Luật Giáo dục ĐH: “Cơ sở giáo dục ĐH tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh”, Quy chế tuyển sinh đã quy định các trường được “Sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài thi Toán, Ngữ văn để xét tuyển. Các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành”.

Như vậy, các trường được đảm bảo quyền tự chủ nhưng phải có trách nhiệm giải trình về việc các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển có gắn với yêu cầu của ngành đào tạo hay không và quy trình xác định tổ hợp tuyển sinh như thế nào? Thông thường, ít nhất phải có một hoặc hai môn thi trong tổ hợp được coi như là môn kiến thức nền tảng, môn tiên quyết để có thể vào học chương trình đào tạo. Quy trình xác định tổ hợp cho các ngành thường do hội đồng khoa học đào tạo hoặc hội đồng tuyển sinh tham mưu... Nhà trường phải giải trình được tính liên quan, tính hợp lý, tính cần thiết của tổ hợp đó đối với ngành đào tạo.

Mùa tuyển sinh 2018, nhiều trường ĐH "xé rào" xét tuyển nhiều tổ hợp bất thường. Ảnh Internet

Đối với những trường xác định những tổ hợp môn thi không liên quan, bà Phụng khẳng định: Trường sẽ bị bất lợi nhiều hơn, "mất nhiều hơn được". Trước hết là dư luận xã hội nghi ngờ chính sách chất lượng của trường và khối trường đang đào tạo cùng ngành sẽ đánh giá thấp những trường như thế; thí sinh tốt sẽ không chọn trường này, dẫn đến trường chỉ chọn được những thí sinh kém, không có tinh thần thực học thực nghiệp, học chỉ để kiếm bằng... 

Nếu có thí sinh chưa suy nghĩ chín chắn vào trường không phải bằng kiến thức nền tảng vững chắc thì cũng khó tiếp thu kiến thức, không hứng thú trong khi học và sau này, nếu có tốt nghiệp cũng khó xin việc làm, có xin được việc làm thì cũng khó trở thành công việc yêu thích, đam mê, để cống hiến và phát triển... Nhiều thí sinh bỏ học giữa chương trình thường rơi vào những trường hợp này, chấp nhận mất học phí, thời gian, công sức...

"Quan trọng hơn là chất lượng đào tạo và uy tín của nhà trường sẽ bị giảm sút khi thấy trường tuyển sinh bằng cách ”vơ bèo vạt tép”, người sử dụng lao động sẽ nghi ngờ chất lượng đào tạo của trường, không muốn nhận sinh viên của trường. Và như vậy, trường lại tiếp tục không thu hút được sinh viên giỏi, giảng viên giỏi... Nếu điều đó cứ tiếp diễn thì đó sẽ là quá trình "tự sát" vì trong điều kiện thông tin minh bạch như hiện nay, khó có thể "vàng thau lẫn lộn" - bà Phụng nhấn mạnh.

Trường phải công khai điểm sàn xét tuyển 

Bà Phụng chia sẻ: Những trường chọn tô hợp quá bất thường, chúng tôi sẽ trao đổi, yêu cầu nhà trường giải trình những nội dung trên. Nếu không có căn cứ thuyết phục, chúng tôi có thể lựa chọn những trường có dấu hiệu tiêu cực này để trước hết, kiểm tra, thanh tra về các điều kiện đảm bảo chất lượng, việc thực hiện các quy định về tuyển sinh, đào tạo, việc đảm bảo chuẩn đầu ra và việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp... Những trường chất lượng thấp sẽ bị cảnh báo; nếu có vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định, thậm chí đến dừng tuyển sinh và công khai cho xã hội biết để phòng ngừa chung.

Năm nay, các trường cũng được trao quyền tự chủ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (trừ các ngành đào tạo giáo viên). Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, bà Phung cho biết: Bộ đã yêu cầu sau khi có điểm thi, các trường phải công bố công khai điểm sàn nhận xét tuyển trước khi thí sinh thay đổi nguyện vọng và phải nhập lên cơ sở dữ liệu thi tuyển sinh để quản lý. 

Trên cơ sở đó, các phương tiện truyền thông hoặc Bộ GD&DT có thể lập danh sách điểm sàn của các trường (như một cách đơn giản xếp hạng chính sách chất lượng đầu vào của trường) để công khai, minh bạch thông tin cho thí sinh có sự lựa chọn phù hợp và để các trường phải giữ uy tín, xây dựng “thương hiệu” cho mình. 

Hải Hà


Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

(Thanh tra) - Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình, bị phê bình nhiều lần và trong năm học 2024 - 2025 đã có nhiều dư luận về chuyên môn cũng như tổ chức dạy học, thu chi, nhưng không biết có được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Bình đưa vào quyết định đã ban hành để kiểm tra hay không?

Nam Dũng

20:00 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm