Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tuyển sinh 2018: Công bằng hơn cho thí sinh

Thứ hai, 06/08/2018 - 20:14

(Thanh tra)- Hôm nay (6/8), các trường đại học (ĐH) trên cả nước đã công bố điểm trúng tuyển hệ chính quy năm 2018. Bức tranh tổng thể cho thấy, điểm chuẩn của các trường “hot” giảm mạnh, độ chính xác đến 0,01 khiến sự phân hóa thí sinh rõ ràng hơn. Các em không gặp phải tình trạng “cao thì trượt mà thấp thì đỗ” trong câu chuyện làm tròn điểm. Vì thế rất công bằng.

Thí sinh nghe tư vấn tuyển sinh tại ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH, cao đẳng 2018. Ảnh: HH

Không đặt ra tiêu chí phụ

Mùa tuyển sinh năm nay chứng kiến sự giảm điểm mạnh của các trường top trên. Những trường “hot” khối kinh tế như ĐH Ngoại thương, Kinh tế quốc dân điểm trúng tuyển đều giảm mạnh có ngành giảm tới 3 điểm; khối kỹ thuật, ĐH Bách khoa Hà Nội điểm chuẩn ngành “hot” là Công nghệ thông tin cũng giảm gần 3 điểm (từ 28,25 xuống 25,35). Đặc biệt, ngành Y Đa khoa của ĐH Y Hà Nội giảm kỷ lục tới gần 5 điểm (năm 2017 là 29,25 năm nay còn 24,75).

Trong khi đó, bất ngờ nằm ở các trường top giữa, điểm giữ ở mức ổn định hơn, thậm chí tăng nhẹ. Đơn cử như Học viện Nông nghiệp Việt Nam điểm chuẩn năm nay từ 18 - 24 điểm, nhỉnh hơn so với năm 2017 từ 1 - 2,5 điểm ở tất cả các khối, ngành. ĐH Công đoàn điểm trúng tuyển thấp nhất là 15 và cao nhất 20,5 điểm, giảm nhẹ so với năm ngoái; ĐH Công nghiệp Hà Nội thấp nhất là 16 (năm 2017, con số này lần lượt là 17), ngành “hot” của trường là Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa giảm mạnh từ 24 xuống 20,45 điểm.

Theo lãnh đạo các trường ĐH, điểm chuẩn năm nay giảm, nhưng độ chính xác cao hơn. Nhiều trường không đặt ra tiêu chí phụ, điểm làm tròn tới 0,01 công bằng hơn với thí sinh.

Bà Lê Thị Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương chia sẻ: Nhà trường không dùng tới tiêu chí phụ vì sau khi chạy thử phần mềm xét tuyển cho kết quả tương đối ổn định, mức điểm trúng tuyển của thí sinh đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường. Với cách tính điểm năm nay chi tiết hơn tới 0,01 sẽ thuận lợi hơn cho các trường trong xét tuyển. Bắt đầu từ 7-12/8 trường nhận phiếu điểm của thí sinh. Trường dự kiến tuyển đủ chỉ tiêu của năm 2018 ngay trong đợt 1.

Tương tự, ông Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân khẳng định: Nhà trường hoàn toàn không sử dụng tiêu chí phụ nào. Áp dụng như vậy đảm bảo cho thí sinh cứ nhìn lên thấy điểm của mình đúng với điểm chuẩn trở lên là chắc chắn đỗ mà không phải lo mình có bị trượt về tiêu chí phụ hay không.

Ngoài ra, ông Triệu cho biết thêm: “Độ chính xác năm ngoái là 0,25, năm nay đến 0,01. Điều này khiến mức độ lẻ điểm sát nhau hơn, sự phân hóa thí sinh rõ ràng hơn. Các em không gặp phải tình trạng “cao thì trượt mà thấp thì đỗ” trong câu chuyện làm tròn điểm. Vì thế rất công bằng”.

Ông Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng cho rằng: Nếu điểm thi của thí sinh được làm tròn đến 0,25 thì sẽ xảy ra tình trạng bất hợp lý là có em có tổng điểm thực tế 3 môn cao hơn bạn khác nhưng lại trượt ĐH vì tiêu chí phụ. Còn năm nay, sẽ không xảy ra trường hợp như vậy nên những em có tổng điểm 3 môn lớn hơn sẽ đỗ ĐH trước. Sau đó, những em có tổng điểm 3 môn bằng nhau thì mới xét đến tiêu chí phụ. Đây là một sự công bằng cho những thí sinh có năng lực học tập tốt thực sự vào được ĐH, không phải dựa nhiều vào tiêu chí phụ. Việc không làm tròn điểm thi chắc chắn sẽ giúp cho các trường dễ dàng tuyển sinh hơn và chuyện thắc mắc sẽ không xảy ra hoặc ít xảy ra hơn.

Kiểm soát “đầu ra”

Trước những gian lận thi cử diễn ra ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình và nhiều tỉnh thành khác sau khi rà soát điểm số của hàng trăm thí sinh có sự chênh lệch so với ban đầu. Nhiều trường ĐH cho rằng, điều này không ảnh hưởng tới tuyển sinh của các trường và khẳng định sẽ kiểm soát ở “đầu ra”.

Ông Bùi Đức Triệu cho biết: Trường không có động thái gì để phân biệt tiêu cực điểm thi ở một số tỉnh. Quan trọng là các em phải đánh giá đúng năng lực của mình, “đầu vào” chỉ là 1 chuẩn, còn “đầu ra” nữa. Để vượt qua chương trình học tập 4 năm, sinh viên phải nỗ lực rất nhiều, không phải cứ “vào” là “ra”. Tỷ lệ sàng lọc toàn khóa của Trường ĐH Kinh tế quốc dân mỗi năm từ 5-7%. Tức cứ 1.000 sinh viên vào thì sau 4 năm tỷ lệ tốt nghiệp giảm 5-6 %. Hàng năm trường cho thôi học vì các lý do khác nhau khoảng 600-700 em.

Ông Phạm Quốc Khánh - Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng cũng khẳng định, trường không có kế hoạch kiểm tra bất ngờ “đầu vào” mà thực hiện các giải pháp về mặt đào tạo ngay từ những năm đầu để kiểm soát “đầu ra”, chẳng may có những em trúng không bằng thực lực của mình thì tự quá trình đào tạo sẽ có những đào thải tự nhiên.

Đó cũng là cách mà ĐH Ngoại thương lựa chọn. Bà Lê Thị Thủy thông tin: Kết quả kỳ thi THPT Quốc gia nhà trường vẫn tin tưởng để xét tuyển, trong quá trình học tập tại trường việc sàng lọc thí sinh sẽ thể hiện qua kết quả học tập của các em.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày hôm mai (7/8) đến trước 17 giờ ngày 12/8, thí sinh phải xác nhận nhập học đợt 1 ở các trường ĐH và từ ngày 22/8, các trường bắt đầu xét tuyển bổ sung nếu thiếu chỉ tiêu. Lãnh đạo nhiều trường ĐH khuyên, các trường sẽ tuyển bổ sung không nhiều. Vì thế, nếu đã đỗ trường nào đó trong đợt 1 thì thí sinh nên suy nghĩ để nhập học.

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm