Theo dõi Báo Thanh tra trên
Trần Thắng
Thứ tư, 06/12/2023 - 11:48
(Thanh tra)- Huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái là một trong những huyện nghèo, khó khăn nhất của cả nước, chủ yếu là dân tộc Mông (chiếm 79%), còn lại là dân tộc thiểu số khác. Thế nhưng, ở cái huyện “vùi trong mây” ấy, rất ít học sinh bỏ trường, bỏ lớp giữa chừng. Lũ học trò sống với thầy cô nhiều hơn với gia đình. Rồi một cách tự nhiên, chính những cô cậu học trò ấy đã làm thay đổi nhận thức của cha mẹ chúng.
Để mỗi tiết học hiệu quả hơn, tất cả các thầy cô đều phải học thêm tiếng dân tộc của các em để tiện giao tiếp. Ảnh: Trần Thắng
Đến với những ngôi trường nơi đây, không khó để gặp gỡ các thầy cô giáo, những người đã và đang gắn bó cả tuổi thanh xuân, thậm chí là gắn bó gần cả cuộc đời với những mái trường quanh năm mây phủ, bên những cô cậu học trò còn chưa sõi tiếng Việt tại huyện vùng cao Trạm Tấu.
Những người thầy, người cô ấy đã đem theo niềm tin yêu, ý chí và nghị lực kiên cường để gieo tri thức, gieo mầm cho những ước mơ của trẻ em vùng cao.
Cô giáo Phạm Thị Ánh Hồng - giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS xã Pá Lau của huyện Trạm Tấu cho biết, đã gắn bó với ngôi trường này được 25 năm. Cô Hồng không thể nhớ hết bao nhiêu lần phải đi bộ hàng chục cây số để đến điểm trường, để đi vận động học sinh ra lớp, cùng học trò chia hơi ấm bên chậu than hồng vào những ngày Đông rét buốt.
Là người đã chứng kiến những khó khăn, vất vả của người dân địa phương, thấu cảm với những khó khăn của những cô cậu học trò của mình, cô Phạm Thị Ánh Hồng luôn thầm động viên bản thân phải quyết tâm trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, dạy thật tốt, để những cô cậu học trò của mình có thêm tri thức, có thêm những kỹ năng cơ bản làm hành trang giúp các em có thể thay đổi tương lai của bản thân, góp phần xây dựng quê hương ngày một phát triển hơn.
Không chỉ cô Hồng mà rất nhiều thầy, cô giáo ở Trạm Tấu cũng đã và đang tiếp tục gắn bó, cùng nhau gieo chữ, thầm lặng đưa từng chuyến đò tri thức sang sông, nâng bước cho bao thế hệ học trò nên người.
Chia sẻ với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Thu Thảo, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Khấu Ly, huyện Trạm Tấu cho biết: Theo sự phân công của tỉnh, khi đến với ngôi trường này, điều kiện cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn, các phòng học chỉ là những phòng học tạm bợ, được kết bằng tranh tre hay những mảnh gỗ ghép vội, học sinh còn vô cùng thiếu thốn, các em hầu như đến trường chỉ với một vài củ khoai, nắm cơm nắm, manh áo mỏng manh. Với tình yêu thương của một người mẹ, cô dần quen với nhịp điệu sống ở nơi đây, cùng chia sẻ, cùng hỗ trợ các em trong quá trình học tập.
"Những đêm mưa rét, nhìn đàn con rét run trong những chiếc chăn mỏng, lòng tôi quặn thắt, mỗi lần tôi cùng đồng nghiệp về thăm nhà lại là một chuyến xe đầy ắp những chiếc áo ấm, chăn đông xin được của cô bác gần nhà. Đến nay, sau hơn 20 năm công tác tại ngôi trường này, khi được Đảng và Nhà nước quan tâm, điều kiện dạy và học nơi đây được cải thiện đáng kể, song những kỷ niệm đó là một phần ký ức tươi đẹp, ý nghĩa của những người cõng cái chữ lên non như chúng tôi" - cô giáo Nguyễn Thị Thu Thảo nói.
Ở những ngôi trường của huyện vùng cao Trạm Tấu này, hầu hết học sinh đều chưa sõi tiếng Việt bởi gần 80% người dân nơi đây là đồng bào dân tộc Mông. Vì thế, việc dạy tiếng Việt là một trong những ưu tiên hàng đầu mà các nhà trường đề ra trong kế hoạch giáo dục nhà trường. Để mỗi tiết học hiệu quả hơn, tất cả các thầy cô đều phải học thêm tiếng dân tộc của các em để tiện giao tiếp, gần gũi hơn với mỗi cô cậu học trò của mình và thuận lợi trong việc truyền đạt những kiến thức trong mỗi bài giảng.
Trong những năm học gần đây, đặc biệt là năm học 2023 - 2024 này, quy mô, mạng lưới trường, lớp ở Trạm Tấu phát triển ổn định; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học đang tiếp tục được chính quyền quan tâm đầu tư theo hướng kiên cố và hoàn thiện; cảnh quan, môi trường sư phạm đảm bảo xanh, sạch, đẹp; công tác quản lý giáo dục và đổi mới phương pháp dạy và học có nhiều chuyển biến tích cực; công tác bồi dưỡng đội ngũ được chú trọng cả về chiều rộng và chiều sâu; công tác xã hội hóa giáo dục cũng đang được quan tâm.
Tuy nhiên, các nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ giáo dục như: Đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, một bộ phận phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến công tác giáo dục; các em học sinh dân tộc thiểu số còn hạn chế về tiếng Việt; cơ sở vật chất đã được đầu tư, song chưa đáp ứng với sự phát triển quy mô trường lớp; thiếu các phương tiện dạy học hiện đại phục vụ cho đổi mới phương pháp dạy học….
Hơn ai hết, các nhà giáo nơi đây đều thấu hiểu những khó khăn trong hành trình gieo chữ ở vùng cao. Song với những trái tim tràn đầy nhiệt huyết, trách nhiệm và nhất là tình yêu nghề đã giúp các thầy, cô giáo đã nỗ lực, từng ngày cần mẫn gieo mầm cho những ước mơ của học sinh nơi vùng cao còn nhiều gian khó.
Em Thào Thị Hà - học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Pá Lau, huyện Trạm Tấu chia sẻ: "Con rất thích đến trường, ở trường con được học cùng với các bạn, con thích học môn tiếng Anh, sau này con sẽ cố gắng để trở thành cô giáo dạy tiếng Anh".
Gặp gỡ Mè Anh Chuyên - học sinh lớp 1A Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Túc Đán, huyện Trạm Tấu, cậu bé cho biết: "Nhà con cách trường rất xa, cuối tuần con đi bộ về nhà, chủ nhật con lại đến trường để học, con rất thích được đi học".
Với nỗ lực và quyết tâm bám lớp, bám trường, các thầy cô giáo nơi đây đã không ngừng sáng tạo, đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục và dạy học, thu hút học sinh đến trường. Nhờ đó, trong những năm gần đây, tỷ lệ chuyên cần được nâng cao và ổn định, chất lượng giáo dục ở Trạm Tấu đã được nâng lên đáng kể. Năm học 2022 - 2023, tỷ lệ chuyên cần đạt 96% trở lên. Chất lượng giáo dục chuyển biến rõ nét, 100% học sinh hoàn thành và hoàn thành tốt môn Toán và tiếng Việt.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Các thầy, cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu, thầm lặng tỏa hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời”. Những con người vĩ đại ấy, những trái tim ấm áp, giàu nhiệt huyết ấy, dù phải thức khuya dậy sớm miệt mài bên trang giáo án, dù nắng hay mưa vẫn băng rừng vượt núi đem con chữ đến với học sinh vùng dân tộc thiểu số.
Trước yêu cầu mới của quê hương, đất nước, mỗi thầy, cô giáo nơi đây cũng nhận thấy trách nhiệm của mình ngày càng lớn hơn để xứng đáng với niềm tin yêu của các em học sinh và nhân dân. Chúng ta tin tưởng rằng hôm nay, ngày mai, trái tim những người lái đò thầm lặng sẽ vẫn mãi tự hào, phấn đấu hết mình trong sự nghiệp trồng người cao quý của mình.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 21/11, ông Đặng Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Nông Cống 2, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết, nhà trường đã tiến hành họp Hội đồng Kỷ luật, đưa ra hình thức kỷ luật đình chỉ học đối với 3 học sinh trực tiếp tham gia đánh bạn. Thời gian đình chỉ học trong 2 tuần, từ 19/11 đến 2/12.
Hương Trà
19:24 21/11/2024(Thanh tra) - Liên Chiểu được xem là địa phương đầu tiên trên địa bàn TP Đà Nẵng triển khai thí điểm 3 phòng học số và thư viện số trong trường học, giúp học sinh tiếp cận công nghệ thông tin trong học tập.
Ngọc Phó
16:21 21/11/2024Vũ Linh
19:00 20/11/2024Vũ Linh
16:22 20/11/2024Trà Vân
16:21 20/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương