Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tổ chức đào tạo theo tín chỉ - Nhận thức và hành động

Thứ hai, 10/06/2019 - 07:45

(Thanh tra)- Khoa Kinh tế, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vừa tổ chức Chương trình Hội thảo Khoa học tổ chức đào tạo theo tín chỉ – Nhận thức và hành động.

Chương trình Hội thảo Khoa học tổ chức đào tạo theo tín chỉ – Nhận thức và hành động.

Tín chỉ là một phương thức đào tạo tiên tiến trong nền giáo dục của nhiều quốc gia trên thế giới. Nó còn được gọi là học chế tín chỉ để phân biệt với các phương pháp đào tạo ra đời trước như học chế niên chế, học chế học phần. Trên thế giới phương pháp này được áp dụng ở cả giáo dục phổ thông và giáo dục đại học.

Phương thức đào tạo theo tín chỉ lấy người học làm trung tâm trong quá trình dạy và học, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người học. Trong phương thức đào tạo theo tín chỉ, tự học, tự nghiên cứu của sinh viên được coi trọng, được tính vào nội dung và thời lượng của chương trình.

Phương thức đào tạo theo tín chỉ có độ mềm dẻo và linh hoạt về môn học, thời gian học, sinh viên được cấp bằng khi đã tích lũy được đầy đủ số lượng tín chỉ do trường đại học quy định; do vậy họ có thể hoàn thành những điều kiện để được cấp bằng tùy theo khả năng và nguồn lực (thời lực, tài lực, sức khỏe...) của mình.

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Vũ Văn Hóa – Phó Hiệu trưởng nhà trường đã đưa ra đánh giá tổng quát về phương pháp đào tạo theo hệ thống tín chỉ: Theo tôi được biết, tín chỉ là 1 phương thức quản lý người học bằng công nghệ từ các nước Âu Mỹ cách đây 40 năm và du nhập vào Việt Nam được 20 năm trở lại đây tuy nhiên chưa được quan tâm lắm. Có thể nói đây là một hình thức học tập đạt hiệu quả cao và theo kịp các đất nước trên thế giới. Tôi rất hoan nghênh Khoa Kinh tế đã có một sáng kiến vô cùng thuyết phục này. Chúng tôi đã chuẩn bị tất cả mọi mặt để chào đón hệ thống tín chỉ đến với Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội...”.

TS Nguyễn Thị Thu Hà – nguyên chuyên viên cao cấp – Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT)cũng đưa ra tổng quan về đào tạo theo hệ thống tín chỉ: “...Ở Việt Nam Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 của Chính phủ về Đổi mới cơ bản và toàn diện GDĐH Việt Nam giai đoạn 2006-2020 đã nêu rõ: “Xây dựng và thực hiện lộ trình chuyển sang chế độ đào tạo theo hệ thống tín chỉ, tạo điều kiện thuận lợi để người học tích lũy kiến thức, chuyển đổi ngành nghề, liên thông, chuyển tiếp tới các cấp học tiếp theo ở trong nước và nước ngoài”.

Theo chủ trương của Bộ GD&ĐT, năm 2011 là hạn cuối cùng để các trường liên quan phải chuyển đổi sang đào tạo tín chỉ. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện thí điểm ở một số trường đại học trên cả nước, có không ít những vấn đề đặt ra. Vì vậy, sau khi tổng kết rút kinh nghiệm khi thực hiện Quy chế 43 thì Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế số 57/2012/TT-BGDĐT ngày 27/12/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế số 43 và có văn bản Hợp nhất số 17/VBHN-BGDĐT ngày 15/4/2014 hợp nhất 2 Quy chế 43 và 57...”.

TS Lê Tuấn Hiệp – Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Tài chính và Quản trị Kinh doanh – Bộ Tài Chính nói về kinh nghiệm đào tạo theo tín chỉ của Trường Đại học Tài chính và Quản trị Kinh doanh: “...Đào tạo theo học chế tín chỉ không phải là vấn đề mới trong giáo dục của nhiều nước trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Cùng với nhiều trường đại học, cao đẳng trong cả nước, Trường Đại học Tài chính – Quản trị kinh doanh đã chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ bắt đầu từ năm 2010 áp dụng cho khóa cao đẳng chính quy K43. Tính đến nay, nhà trường đã và đang đào tạo theo học chế tín chỉ cho 5 khóa cao đẳng và 6 khóa đại học...”.

GS.TS Tô Xuân Dân – Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế đã nêu ra vai trò của giảng viên trong phương pháp đào tạo theo hệ thống tín chỉ: “...Trong phương pháp đào tạo theo hệ thống tín chỉ, nếu như sinh viên được lấy là trung tâm của quá trình đào tạo thì giảng viên lại là lực lượng quyết định toàn bộ quá trình tổ chức và triển khai thành công phương pháp đào tạo này. Giảng viên cần thay đổi quan niệm về đào tạo, dẫn đến thay đổi về phương pháp dạy học. Ngoài ra, giảng viên cần phải được chuẩn bi đầy đủ về nghiệp vụ sư phạm phù hợp với tinh thần của nền sư phạm tích cực, phải thay đổi định kỳ giáo trình và đầu tư nhiều thời gian để việc tự nghiên cứu sinh viên...”.

TS Bùi Văn Can – Chủ nhiệm Khoa Kinh Tế phát biểu tại hội thảo. 

TS Bùi Văn Can – Chủ nhiệm Khoa Kinh Tế phát biểu tổng kết hội thảo: Trong khuôn khổ nội dung Hội thảo khoa học chúng ta đã nghe 4 báo cáo tham luận và nhiều ý kiến trao đổi thảo luận xung quanh vấn đề “Tổ chức – đào tạo theo tín chỉ”. Sau buổi hội thảo này Khoa Kinh tế xin phép BGH được xuất bản tập kỳ yếu với nội dung đào tạo theo tín chỉ. Rất mong các nhà khoa học, các thầy cô giáo tham gia viết bài để đăng tải trên kỳ yếu này...”.

GS.TS Vũ Văn Hóa – Phó Hiệu trưởng nhà trường cùng tập thể Khoa Kinh kế cùng các khách mời chụp ảnh lưu niệm

                                                                                          P.V

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm