Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tăng học phí: Chất lượng có tăng?

Thứ năm, 30/04/2015 - 06:32

(Thanh tra)- Đa số sinh viên đều tỏ ra lo lắng khi học phí tăng. Với tình trạng “lạm phát” trường đại học (ĐH), “lạm phát” sinh viên như hiện nay. Liệu công việc người học kiếm được sau khi ra trường có tương xứng với học phí bỏ ra?

“Điệp khúc”… tăng
 
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của một số ĐH như: Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Tài chính - Marketing, Kinh tế Quốc dân, Hà Nội...
 
Theo quyết định này, ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh có mức học phí bình quân đối với các chương trình đại trà từ năm học 2014 - 2015 là 13 triệu đồng/sinh viên/năm; 2015 - 2016 tăng lên 14,5 triệu đồng và 2016 - 2017 lên tới 16,5 triệu đồng. Sinh viên các khóa cũ chỉ đóng tăng thêm 30% so với mức học phí cũ theo Nghị định 49 (năm học 2014 - 2015 ở mức 5,5 triệu đồng/sinh viên/năm). Với sự thay đổi này, những sinh viên chuẩn bị vào học tại trường sẽ phải đóng học phí cao hơn gấp đôi so với trước đó.

ĐH Tài chính - Marketing, mức thu học phí bình quân tối đa đối với đại học chính quy (chương trình đại trà) năm 2015 ¬ 2016 là 14,5 triệu đồng/sinh viên/năm, năm 2016 ¬ 2017 là 16,5 triệu đồng.
 
ĐH Hà Nội cũng được hoạt động theo cơ chế mới. Trước mắt, trường thu học phí ổn định theo kế hoạch với mức thu học phí bình quân (của chương trình đại trà, trình độ đại học) tối đa năm học 2014 - 2015 là 7,8 triệu đồng/sinh viên/năm, năm học 2015 - 2016 tăng lên 12 triệu đồng và đến năm học 2016 - 2017 là 14 triệu đồng.
 
ĐH Kinh tế Quốc dân cũng sẽ tăng học phí lên 13,5 triệu đồng/sinh viên/năm từ năm học 2016 - 2017. Trường sẽ thu học phí ổn định với mức thu học phí bình quân tối đa năm học 2014 - 2015 là 9,5 triệu đồng/sinh viên/năm, năm học 2015 - 2016 tăng lên 11,5 triệu đồng/sinh viên/năm.
 
ĐH Ngoại thương đang “xếp hàng” chờ Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động. Nếu đề án được phê duyệt, nhà trường sẽ áp dụng thu mức học phí mới từ năm học 2015 - 2016. Theo đó, mức dự kiến sẽ 14,5 triệu đồng/sinh viên/năm; trong các năm tiếp theo sẽ tăng lên 16 triệu rồi 17,5 triệu đồng.

Chất thế nào?

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, tăng học phí là tất yếu khi các trường tự chủ. Vấn đề đặt ra là khi giá học phí tăng, người học có “mua” được chất lượng giáo dục tương xứng?

Chia sẻ về việc tăng học phí, ông Đặng Đình Cung, Phó trưởng Phòng Đào tạo, ĐH Hà Nội cho biết: Nhà trường thu tăng học phí căn cứ theo nhóm ngành chứ không tăng đồng loạt. Ví dụ năm học 2015 - 2016, các ngành “hot” là tiếng Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc học phí sẽ ở mức 12 triệu/sinh viên/năm; nhóm đại trà tiếng Nga, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… 8 triệu/sinh viên/năm; nhóm chuyên ngành (Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng, Kinh tế, Quốc tế học, Công nghệ thông tin) sinh viên vừa học chuyên ngành vừa được học ngoại ngữ với người nước ngoài nên học phí 14 triệu/sinh viên/năm.
 
Cùng với việc tăng học phí, nhà trường cam kết cung cấp dịch vụ đào tạo đa dạng, phù hợp với nhu cầu xã hội và theo chuẩn quốc tế. Tất cả các dịch vụ quản lý, thư viện điện tử, nhà ăn sinh viên… sẽ được cải tiến để phù hợp.
 
“Học phí là vấn đề cần xem xét khi chọn chỗ học, nhưng quan trọng nhất với các em vẫn là ngành học nào yêu thích và bậc học nào phù hợp với sức học. Nếu các em đủ khả năng vào ĐH thì mạnh dạn đăng ký, nếu không đủ vẫn có thể học trung cấp, cao đẳng rồi liên thông, đừng lo quá nhiều chuyện học phí. Nhà trường luôn có quỹ học bổng khuyến học, khuyến tài hỗ trợ sinh viên. Với những sinh viên có khả năng học tập nhưng nghèo, gia đình chính sách, trường đều có chế độ miễn giảm học phí” - ông Cung cho hay.
 
“Việc tăng học phí không tác động lớn tới nhà trường, bởi chất lượng đào tạo của trường đã được khẳng định qua từng năm, số lượng sinh viên mỗi 1 lớp học giờ chỉ còn 20-30 sinh viên, môi trường học tập thân thiện, nhiều hoạt động ngoại khóa.... Tăng học phí là để tăng chất lượng, vì vậy, tôi cho rằng, việc tăng này không có tác động lớn tới trường” - ông Cung nói.
 
Ông Hoàng Minh Châu, Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương cũng khẳng định, việc tăng học phí có ảnh hưởng, nhưng không lớn, vì các trường đều có chính sách hỗ trợ.
 
Với ĐH Ngoại thương, sinh viên giỏi, sẽ cấp học bổng 100% phần học phí chênh lệch giữa mức quy định của Nhà nước và quy định của trường. Như vậy, sinh viên diện này chỉ phải đóng 6 - 7 triệu đồng/ năm. Số sinh viên được hưởng chính sách này được nhà trường tính toán là 1% so với tổng chỉ tiêu tuyển mới (mỗi năm dự kiến tuyển khoảng 3.500 chỉ tiêu).
 
Để tạo điều kiện cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường cũng  tính toán hỗ trợ 100% học phí phần chênh lệch tăng lên (có nghĩa sinh viên có hoàn cảnh khó khăn học tại trường chỉ phải đóng 6 - 7 triệu đồng/ năm). Con số này dự kiến cũng chỉ khoảng 1% (35 em). Riêng chính sách học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên giỏi vẫn được thực hiện theo quy định của Nhà nước.
 
ĐH Ngoại thương cũng cam kết đảm bảo chất lượng khi thu học phí cao như tăng cường có sở vật chất, giảm sĩ số lớp học từ 140 sinh viên hiện nay xuống còn 100 hoặc 80 sinh viên/lớp…

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.

Trần Kiên

12:26 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm