Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sẵn sàng đón năm học mới

Chủ nhật, 02/09/2018 - 06:34

(Thanh tra)- Lễ khai giảng năm học 2018-2019 được tổ chức thống nhất trên cả nước vào sáng 5/9, với chương trình ngắn gọn, hướng đến học sinh, đảm bảo trang nghiêm.

Các trường đã chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất, sẵn sàng cho lễ khai giảng, đón chào năm học mới. Ảnh: HH

Để chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới, nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là ở những nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ đang khẩn trương khắc phục khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất, sẵn sàng đón các em học sinh (HS) đến trường.

Hoàn thiện cơ sở vật chất

Trước thềm năm học mới 2018 - 2019, nhiều tỉnh, thành ở miền Bắc, đặc biệt là miền núi phía Bắc xảy ra mưa lũ, gây thiệt hại nặng nề về người và của, nhiều trường học bị lũ cuốn trôi. Ngay tại Thủ đô Hà Nội mưa lũ cũng khiến nhiều trường học bị ngập lụt, trẻ em không thể đến trường.

Huyện Chương Mỹ có 5 trường học bị ảnh hưởng nặng nề của đợt mưa lũ. Trong đó xã Nam Phương Tiến có tới 3 trường bị ngập sâu là Trường Mầm non Nam Phương Tiến, Tiểu học Nam Phương Tiến A, THCS Nam Phương Tiến A. Theo kế hoạch, ngày 1/8 là ngày tựu trường, nhưng gần 600 trẻ em, HS trên địa bàn xã Nam Phương Tiến không thể đến trường đúng hẹn vì nước ngập sâu.

Ngày khai giảng năm học mới đang đến gần, thầy và trò nơi đây đang khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Phương Tiến A Nguyễn Thị Xuân Loan thông tin, do bị ngập sâu trong nước cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học không còn nguyên vẹn, bàn ghế gỗ ép ngấm nước, nhất là các tủ hồ sơ HS di chuyển nhiều nên hư hỏng… Tuy nhiên, nhà trường đã huy động lực lượng dọn dẹp phòng ốc, bổ sung bàn ghế đảm bảo đầy đủ cho các em học tập, 100% HS có đủ vở, SGK để đến trường và sẵn sàng đón năm học mới.

Trên địa bàn huyện Chương Mỹ có 115 trường học các cấp, bà Tạ Thị Thu Hương - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện cho biết: Đến nay tất cả các trường đã sẵn sàng chào đón năm học mới. Do đã có sự chuẩn bị từ trước, nên các trường bị ngập, úng không bị ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, có một số trường sau ngập lụt cửa sổ, cửa phòng học bị ngâm nước lâu ngày nên bắt đầu mục, bàn ghế ẩm mốc; một số trường bị sụt lún như Tiểu học Nam Phương Tiến A bị đổ 70m tường bao, THCS Nam Phương Tiến bị đổ 30m tường bao… Dù gặp nhiều khó khăn, song do khẩn trương khắc phục sau khi nước rút, HS THCS đã vào học từ 15/8, HS tiểu học cũng đã tựu trường.

Lai Châu cũng là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai gây ra, nhưng nhìn chung tập thể giáo viên, HS các trường nơi đây đang nỗ lực khắc phục khó khăn, bám lớp, bám trường đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, sĩ số chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới.

Ông Đinh Trung Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu chia sẻ: Đợt mưa lũ vừa qua, trên địa bàn tỉnh, ngoài TP Lai Châu, còn lại huyện nào cũng bị ảnh hưởng, nặng nề nhất là 3 huyện, Sìn Hồ, Phong Thổ, Mường Tè. Nhiều trường bị nước lũ cuốn trôi tường rào, sập mái nhà, sạt lở nghiêm trọng...  Địa phương đang chạy đua với thời gian, huy động mọi lực lượng dọn dẹp vệ sinh môi trường, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất để HS được đến trường đúng ngày khai giảng.

Đến nay, về cơ bản những hư hỏng nhẹ đã khắc phục, nhưng hư hỏng nặng thì vẫn còn ngổn ngang. Địa phương đã tính toán đến việc đảm bảo an toàn cho HS, không để các em học ở nơi mất an toàn. Về cơ bản lễ khai giảng năm học mới vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch.

Không chỉ Lai Châu, mưa lũ cũng gây thiệt hại nặng nề cho một số huyện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Do ảnh hưởng của bão số 3 vừa qua, 1 số trường học trên địa bàn 3 huyện Tân Sơn, Tam Nông, Thanh Sơn bị ảnh hưởng khá nặng nề.Ngành Giáo dục đã tậ

p trung huy động mọi lực lượng, khắc phục hậu quả sau bão lũ, trong đó, tập trung dọn dẹp vệ sinh môi trường trường lớp học, rà soát thiết bị dạy học bị hư hỏng, trên cơ sở đó có phương án bố trí nguồn kinh phí sửa chữa, cải tạo, mua sắm mới. Cùng với đó, phát động trong toàn ngành ủng hộ kinh phí, sách vở, nhân công để khắc phục kịp thời. “Đến thời điểm này, tất cả các trường lớp trên địa bàn tỉnh đã khắc phục khó khăn, sẵn sàng cho năm học mới", bà Huyền khẳng định.

Thiếu giáo viên

Bên cạnh khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, tại nhiều địa phương vẫn xảy ra tình trạng thiếu giáo viên.

Năm học 2018 - 2019, tỉnh Quảng Ninh có 645 trường mầm non, phổ thông (4 trường mới đi vào hoạt động) với 10.845 lớp (tăng 203 lớp) và hơn 300 nghìn HS (tăng hơn 12 nghìn em); địa phương vẫn còn hơn 1.000 điểm trường lẻ mầm non, tiểu học.

Trước thềm năm học mới, bà Vũ Liên Oanh - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh cho biết: Sở GD&ĐT cùng với UBND các địa phương đã chỉ đạo, hướng dẫn các Phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục thực hiện việc rà soát, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ; tiếp tục thực hiện tinh giản đội ngũ; thực hiện công khai, minh bạch việc điều động, luân chuyển, nghỉ hưu, nghỉ theo Nghị định 108; cho thôi việc, chấm dứt hợp đồng đối với các trường hợp không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

"Trong năm học 2018 - 2019, tổng số nhu cầu cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường công lập là 21.756 người, trong đó 1.600 cán bộ quản lý (giảm 11), 16.839 giáo viên (tăng 234), 1.965 nhân viên (giảm 18 so với năm học trước). Như vậy, so với số lượng người làm việc được giao năm 2018 là 20.748 chỉ tiêu thì tỉnh vẫn còn thiếu 1.008 người so với nhu cầu sử dụng của năm học mới", bà Liên cho biết.

Tại Lai Châu, ông Đinh Trung Tuấn cho biết: Hiện tỉnh còn nhiều phòng học tạm, 1 số phòng học đi mượn. Năm học này, tổng số HS đến lớp tiếp tục tăng, nhưng số lớp học, trường học giảm. Đây là đặc trưng của tỉnh miền núi như Lai Châu. Do địa hình phân tán, trước đây điểm trường, lớp học nằm ở thôn bản, vài 3 năm gần đây thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy và đội ngũ, nên bố trí đối với bậc tiểu học đưa HS lớp 3,4,5 về trung tâm học. Cùng với đó là sáp nhập những trường có quy mô nhỏ nên số trường, lớp giảm.

Điểm đáng mừng là tỉnh không có trường hợp nào đến tuổi đi học nhưng không được đến trường, hiện vẫn có hiện tượng HS đi học không chuyên cần và số ít HS bỏ học, nhưng so với các năm trước đã giảm đi nhiều.

"Là tỉnh miền núi còn rất nhiều khó khăn, nhưng khó khăn lớn nhất mỗi dịp năm học mới đến là tình trạng thiếu SGK và thiếu giáo viên ở các cấp học, nhất là bậc mầm non", người đứng đầu ngành Giáo dục Lai Châu trăn trở.

Khai giảng ngắn gọn, vì HS

Năm học 2018 - 2019, các trường học trên cả nước sẽ tổ chức lễ khai giảng thống nhất vào buổi sáng ngày 5/9. Bộ GD&ĐT chỉ đạo, chương trình khai giảng ngắn gọn, hướng đến HS, đảm bảo trang nghiêm. Đối với cấp học mầm non, tổ chức khai giảng dưới hình thức “Ngày hội đến trường của bé” một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ.

Đến thời điểm này, các địa phương cho biết, công tác chuẩn bị cho lễ khai giảng đã sẵn sàng.

Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh cho biết: Lễ khai giảng sẽ được tổ chức thống nhất trong toàn tỉnh vào 7 giờ 30 phút ngày 5/9.

Để lễ khai giảng thực sự là ngày hội của HS, người đứng đầu ngành Giáo dục Quảng Ninh chia sẻ: Sở đã ban hành văn bản hướng dẫn các trường tổ chức khai giảng, trong đó yêu cầu, lễ khai giảng phải được tổ chức trang trọng, thiết thực, có ý nghĩa và phù hợp với từng lứa tuổi HS, từng địa bàn, cơ sở giáo dục; tạo ấn tượng để ngày khai giảng là một ngày hội thiêng liêng đối với tất cả HS, nhất là những HS lần đầu đến trường.

"Tránh việc tổ chức máy móc, hời hợt, qua loa hoặc nặng nề, hình thức, gây quá tải cho HS", bà Oanh nhấn mạnh, đồng thời, cho biết, nếu điều kiện thời tiết không thuận lợi, mưa to, dông, bão... hoặc trên địa bàn có ngập, lụt, sạt lở... không tổ chức được khai giảng hoặc không đảm bảo an toàn cho HS đến trường dự khai giảng, thì thủ trưởng cơ sở giáo dục chủ động cho HS nghỉ và báo cáo trực tiếp với thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên.

Tại tỉnh miền núi Lai Châu, ông Đinh Trung Tuấn cho biết, Sở này cũng đã quán triệt tinh thần tổ chức khai giảng tới các cơ sở giáo dục. "Địa phương sẽ tổ chức lễ khai giảng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, để ngày khai giảng thực sự là “ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường”. Ngày khai giảng được triển khai trang trọng, thiết thực, hiệu quả, có ý nghĩa. Khai giảng được tiến hành đồng loạt vào sáng ngày 5/9".

Cam kết cung cấp đủ, không "thổi" giá SGK

Trước tình trạng thiếu sách giáo khoa (SGK) ở các lớp đầu cấp, đặc biệt là lớp 1 diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước, ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập Nhà Xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam cam kết, giữ ổn định, không "thổi" giá SGK cũng như sẽ cung ứng đủ sách cho HS cả nước.

Đến nay, NXB Giáo dục Việt Nam đã phát hành được 110,9 triệu bản SGK, đạt 106,7% kế hoạch vượt 5% so với cùng kỳ của năm 2017. Đến thời điểm này, về cơ bản việc phục vụ SGK cho HS sinh cả nước đón năm học mới 2018 - 2019 đã tương đối đầy đủ, đồng bộ và kịp thời.

Theo kế hoạch, NXB Giáo Dục Việt Nam đã phát hành 40 triệu bản SGK phục vụ năm học 2018-2019 tại 17 tỉnh, thành phía Nam. Riêng tại TP HCM đến thời điểm này, đã phát hành 10 triệu bản (tăng hơn cùng kỳ năm trước 1 triệu bản). NXB đã chỉ đạo các cửa hàng sách giáo dục thuộc các đơn vị thành viên tổ chức bán lẻ đảm bảo đầy đủ về số lượng, chủng loại và các sản phẩm giáo dục đáp ứng nhu cầu khách hàng, tăng khung giờ phục vụ, tổ chức bán tất cả các ngày trong tuần kể cả thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ…


Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.

Trần Kiên

12:26 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm