Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quảng Nam: Nhọc nhằn gieo chữ vùng biên

Ngọc Phó

Thứ năm, 18/11/2021 - 17:46

(Thanh tra) - Là ngôi trường nằm sát biên giới Việt - Lào với bao khó khăn, vất vả trong công tác, nhưng các thầy cô Trường Tiểu học Ch’ơm (huyện Tây Giang, Quảng Nam) luôn gắn bó, miệt mài gieo chữ cho con em đồng bào dân tộc Cà Tu nơi đây…

Giờ sinh hoạt tập thể của các em học sinh Trường Tiểu học Ch’ơm. Ảnh: N.P

Chúng tôi hành trình lên biên giới huyện Tây Giang (Quảng Nam) bằng xe máy cà rịch, cà tang. Cơn mưa chiều vẫn rích rắc cùng với những đợt gió Đông hun hút thổi qua đại ngàn làm cho cả người thấm lạnh chốn biên cương.

Nhận được tin có khách ghé thăm, thầy giáo Nguyễn Minh Châu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học bán trú Ch’ơm vội vàng ra tận đầu con dốc lên trường để đón.

“Các anh lên bất ngờ quá, hôm nay các thầy cô về trung tâm huyện để tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh Covid-19 rồi mới lên lại trường, chỉ một mình tôi ở lại trực, tiện thể tranh thủ chăm sóc mấy luống rau xanh, đàn gà, vịt… Năm nay dịch bệnh vẫn còn phức tạp, sắp đến dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), ngành Giáo dục huyện và cả tỉnh Quảng Nam chủ trương không tổ chức lễ kỷ niệm, gặp mặt gì; nhưng nhà trường sẵn có đàn gà, vịt cùng rau xanh tăng gia được, lại thêm đoá hoa rừng tuôn sắc; vậy là thầy trò chúng tôi tự tổ chức tại chỗ, thế là xôm xả, vui vẻ lắm rồi…” - thầy Châu cười vang giữa lưng chừng đồi núi chiều biên giới.

Những ngày mưa lũ, đường đến trường của các em học sinh ở Ch’ơm vô cùng vất vả. Ảnh: N.P

Ch’ơm là 1 trong 8 xã biên giới của huyện Tây Giang, đây là trường tiểu học bán trú trung tâm của xã, tập trung 158 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 đến học tập và 29 thầy cô giáo đứng lớp.

Với đặc thù là xã miền núi biên giới, giao thông cách trở, từ các thôn về  tới trung tâm xã gần nhất cũng mất cả giờ đồng hồ, có thôn vào những ngày mưa lớn gây sạt lở nhiều điểm phải đi mất nửa ngày. Để việc dạy và học liên tục, nhà trường có phương án cho 72 em học sinh ở bán trú tại trường trong điều kiện thuận lợi nhất.

Cơ sở vật chất của trường vẫn còn thiếu thốn mọi mặt, lại phải lo cho các điểm trường ở các thôn A Tu 1, A Tu 2, Cha Lăng, Hy Zú, Hju Húi, Ch’Nốc; trong đó thôn Ch’Nốc chỉ cách đường biên giới vài trăm mét; buộc các thầy cô giáo phải “cắm bản”, tức là cùng ăn, cùng ở với người dân để dạy chữ cho các em; lâu lâu mới về trường trung tâm sinh hoạt hội họp một lần.

Thầy Châu cho hay, ở đây toàn các thầy cô còn trẻ cả, ví như cô Võ Thị Thu Lai, thầy Pơ Loong Nhan, Bling Thành, thầy Phạm Công Đức… Ai cũng quê nhà ở xa, cách nơi công tác cả trăm km, vào mùa mưa đường sá sạt lở, giao thông ách tắc, nhiều khi cả mấy tháng trời cô thầy mới tranh thủ về thăm gia đình được một lần. Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 phức tạp tại nhiều địa phương, có thầy cô nghỉ hè mấy tháng cũng không thể thăm nhà được.

Ngay như thầy Châu, gia đình ở tận huyện Phú Ninh, cách Ch’ơm gần 250km, thầy có vợ cũng là giáo viên, hai đứa con còn nhỏ; nhưng là người giữ trọng trách “đầu tàu” của trường nên suốt cả năm học, số lần thầy về thăm gia đình cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Thầy Châu cho biết, đồng lương giáo viên miền núi dù đã có phụ cấp biên giới, nhưng cũng chả thấm vào đâu, khi ở vùng biên cương heo hút mọi thứ đều đắt đỏ, lại thêm những chuyến về phép với chi phí cao bằng cả khi đi từ TP Hồ Chí Minh ra tới Hà Nội; nên khoản tiền dành dụm giúp vợ con chẳng đáng được bao.

Giáo viên của trường chăm sóc gà vịt để cải thiện bữa ăn. Ảnh: N. P

Lên Ch’ơm mới thêm nhiều vất vả, khó khăn của đội ngũ làm công tác giáo dục. Dù xã đã có điện lưới quốc gia, nhưng mùa mưa bão thường mất điện, công việc như in ấn tài liệu, văn bản, báo cáo đều trông chờ vào chiếc máy nổ phát điện duy nhất của trường.

“Mà chiếc máy nổ này tốn xăng lắm, cả tuần chỉ dám phát vài tiếng, nhưng nó ngốn tới cả gần 40 lít xăng gây chi phí cao, việc vận chuyển nhiên liệu quá gian truân nên chỉ dành cho trường hợp thật cấp bách thôi…” - thầy Châu giãi bày.

Gặp những ngày mất điện, mọi phương tiện sinh hoạt, làm việc như ti vi, máy vi tính, đèn chiếu… đều xếp một góc; từ đó chất lượng dạy và học cũng ảnh hưởng đáng kể. Được cái các em học sinh của trường rất ham học, chưa bao giờ có trường hợp bỏ học nữa chừng, kết quả học tập năm sau cao hơn năm trước… chỉ thương các em nhỏ, đường đến trường những ngày mưa phải dầm trong mưa bùn trơn trượt, nhưng vẫn yêu trường, bám lớp chăm học.

Nơi biên giới cái gì cũng thiếu thốn, thương các em học sinh, các thầy cô của trường luôn nhắc nhở, động viên nhau dành hết tình cảm, chăm lo cho các em từ bữa cơm, tấm áo.

Con đường lên biên giới cứ đến mùa mưa là sạt lở nghiêm trọng, không một phương tiện nào có thể đi lại được. Thế là thầy cô thay phiên nhau cuốc bộ gùi cõng lương thực, thực  phẩm cho hơn 70 em học sinh ăn ở bán trú, nhiều tháng liền thầy cô phải vượt đường rừng mấy chục km về tận xã A Xan, Tr’Hy để gùi cõng từng bao gạo lên trường.

Có nhiều trường hợp học sinh đau sốt, mà trạm y tế xã lại không có người trực, lại đúng ngày mất điện, điện thoại “ò í e…”… Vậy là thầy cô dùng xe máy giữa đêm phải mò mẫm chở ngược học sinh mười mấy cây số lên Trạm Quân y Biên phòng cấp cứu; có trường hợp bệnh nặng, phải vượt đường rừng đèo dốc hơn 70km về trung tâm huyện để chữa trị cho các em…

Gặp nhau ở trường, thầy Cơ Lâu Hối là giáo viên cắm bản từ thôn Ch”Nốc sát biên giới mới về. Thầy cứ nắm lấy tay tôi đọc bài thơ của một giáo viên nơi đây sáng tác; đã được các thầy cô tự phổ nhạc làm người nghe bùi ngùi xúc động:

Ai đi lên miền núi/Đất Ch’ơm thân yêu/Ai đi tới Ch’ơm/Vùng biên cương tuyến đầu/Xôn xao chiều biên giới/Đầy ắp giọng cười vui/Có chúng tôi, đang chung tình xây đắp nước non này…” .

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thanh Hoá: Đình chỉ 3 học sinh đánh hội đồng bạn bị gãy đốt sống cổ

Thanh Hoá: Đình chỉ 3 học sinh đánh hội đồng bạn bị gãy đốt sống cổ

(Thanh tra) - Ngày 21/11, ông Đặng Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Nông Cống 2, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết, nhà trường đã tiến hành họp Hội đồng Kỷ luật, đưa ra hình thức kỷ luật đình chỉ học đối với 3 học sinh trực tiếp tham gia đánh bạn. Thời gian đình chỉ học trong 2 tuần, từ 19/11 đến 2/12.

Hương Trà

19:24 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm