Theo dõi Báo Thanh tra trên
Khoa Lê
Thứ hai, 21/11/2022 - 13:03
(Thanh tra) - Hai tuần nay, cứ vào 19 giờ các tối thứ 2, 4, 6 thì 8 lớp xóa mù chữ đặc biệt dành cho bà con đồng bào Raglai ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận lại rộn ràng tiếng đánh vần, đọc chữ, làm các bài toán cộng trừ nhân chia.
Những học viên chăm chú lắng nghe giáo viên giảng bài. Ảnh: Khoa Lê
Các lớp học xóa mù chữ đặc biệt do các thầy, cô của Trường Tiểu học Vĩnh Hy (thôn Cầu Gãy) và Trường Tiểu học - THCS Ngô Quyền (thôn Đá Hang) đứng lớp. Mỗi giáo viên đều mang trong mình sự nhiệt huyết, tình cảm chân thành để “cõng” chữ đến với bà con Raglai đang sinh sống ở vùng đệm của Vườn Quốc gia Núi Chúa. Đến học, các học viên lớn tuổi ai cũng mong muốn mình sẽ đọc thông, viết thạo và làm toán “giỏi”.
Không gian của núi rừng vốn im ắng nay trở nên rộn ràng hẳn, bởi những tiếng tập đánh vần ê, a giòn tan của những học viên lớn tuổi.
Rộn ràng lớp học ở vùng đệm của Vườn Quốc gia Núi Chúa
Khi màn đêm buông xuống, vùng đệm của Vườn Quốc gia Núi Chúa xuất hiện những ánh đèn pin le lói của bà con Raglai từ xa tiến đến với 8 lớp học chữ ở thôn Cầu Gãy và Đá Hang.
Trong lớp, những tiếng cười giòn tan xen với tiếng nói: “Thầy, cô đến lớp rồi kìa mọi người trật tự nào”.
Trên tay đang bồng đứa con trai vừa tròn một tuổi, chị Cao Thị Chín (ngụ thôn Cầu Gãy) cười nói: “Đi học đèo theo con để con mình được biết mặt chữ sớm cũng tốt. Mình đi học để biết đọc, biết viết, biết làm toán, sau này còn chỉ dẫn lại cho con”.
Tại lớp học thôn Cầu Gãy, chúng tôi được chứng kiến hoàn cảnh ngặt nghèo của anh Cao Văn Kem, dù bị khuyết tất ở chân từ nhỏ nhưng đêm nào anh cũng đến lớp học đầy đủ, chăm chú nghe giảng bài một cách nghiêm túc, quyết tâm “gặt” được con chữ.
“Từ nhà đến lớp học chắc khoảng 10 km, nếu đi như người ta thì nhanh, còn mình bị khuyết tật nên đi chậm, vừa đi vừa nghỉ. Mình phải đi sớm hơn cả tiếng để đến lớp cho kịp giờ.
Trước đó mình không biết chữ, nhưng từ ngày đi học ở lớp này mình đã biết đọc, biết viết cơ bản rồi. Đêm nào đến lớp cũng vui hết”, anh Kem hồ hởi nói.
Đến với lớp học xóa mù chữ này, chúng tôi rất cảm phục bởi tinh thần lạc quan, yêu đời và ham học của bà con dù đời sống còn gặp nhiều khó khăn, vất vả.
Ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng cụ Lâm Thị Tiềm, ở thôn Đá Hang chưa bao giờ vắng một buổi học nào. Cụ Tiềm là một trong những học viên siêng năng, chăm học. Cụ chia sẻ: “Cả đời mình chưa được đi học ngày nào nên không biết chữ, hằng ngày chỉ biết vào rừng làm rẫy. Giờ được đi học nên mình phải làm gương cho các cháu noi theo”.
Dẫu biết rằng việc cầm bút đối với bà con dường như khó khăn hơn nhiều so với cầm cuốc, vào rừng, lên rẫy hay thêu thùa, thế nhưng họ vẫn không ngừng cố gắng, vì một ước mơ chung là được biết đọc, biết viết.
Chuyện những thầy, cô giáo đêm đêm “cõng” chữ đến với bà con
Theo chân các giáo viên của Trường Tiểu học Vĩnh Hy và Trường Tiểu học - THCS Ngô Quyền, chúng tôi mới cảm nhận được hết sự vất vả của những thầy, cô giáo đêm đêm “cõng” chữ đến với bà con.
Trên đường đến với lớp học ở thôn Cầu Gãy, phải đi qua một cây cầu treo bằng gỗ rung rinh khiến những “đấng mày râu” cũng cảm thấy sợ, ấy vậy mà 4 giáo viên nữ trên 2 xe gắn máy vẫn chạy băng băng.
Cô giáo Trần Thị Kim Liên, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Hy chia sẻ: “Lúc đầu chúng tôi ai cũng sợ cả, nhưng đi 2 tuần dần cũng quen. Ở đây đường đi rất khó khăn, phải qua cây cầu treo tạm bợ, rồi leo lên những con dốc cao mà không có đèn đường, chỉ cần tay lái yếu hay thiếu quan sát là té ngay. Nhưng với quyết tâm đem chữ đến với bà con, các giáo viên ở trường luôn vượt khó để đến lớp”.
Cô giáo Phú Thị Trường Hân, giáo viên Trường Tiểu học Vĩnh Hy tâm sự: “Mặc dù ở điểm trường chính dạy cả ngày rất mệt mỏi và áp lực. Nhưng khi đến với lớp học thấy bà con đến đông đủ và tích cực học tập, tôi và các đồng nghiệp khác cũng thấy vui, những mệt mỏi cũng vơi hết”.
Còn thầy Võ Văn Quốc, giáo viên Trường Tiểu học Vĩnh Hy chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi dạy lớp xoá mù chữ này. Trước giờ chúng tôi chỉ quen với tiếng đánh vần ê, a của các em lớp 1, còn bây giờ lại nghe thêm thêm tiếng đánh vần của các anh chị, của những người bằng tuổi cha, tuổi mẹ... Đến lớp tôi thấy bà con rất chịu khó và ham học. Sự sôi nổi của bà con làm cho chúng tôi quên hết những khó khăn để đến lớp hàng ngày”.
Tuy rất mệt mỏi, vì cả ngày đứng lớp, nhưng thầy Quốc đã cố gắng và thu xếp thời gian để tham gia truyền dạy kiến thức cho bà con.
Ông Lê Đặng Huỳnh Sơn, Phó Phòng phụ trách Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ninh Hải, cho biết, 8 lớp học xóa mù chữ bắt đầu từ đầu tháng 11 đến nay, lớp học bắt đầu vào các buổi chiều tối 2, 4, 6. Đây là các lớp học theo chương trình phổ cập giáo dục tiểu học dành cho đồng bào Raglai sinh sống khu vực triền núi trong vùng đệm của Vườn Quốc gia Núi Chúa, 8 lớp học được chia đôi cho 2 điểm trường với số lượng gần 100 học viên là người đồng bào dân tộc Raglai.
Những thầy cô giáo, dù vất vả, gian nan nhưng với lòng yêu nghề, nhiệt huyết đã vượt khó, bám giúp bà con Raglai sinh sống ở vùng đệm của Vườn Quốc gia Núi Chúa được biết cái chữ, để có thể tự tin hơn trong cuộc sống.
Tạm biệt lớp học, trên đường về chúng tôi nhớ lại lời tâm sự chân tình của cô giáo Châu Thị Hoàng Dung, giáo viên Trường Tiểu học - THCS Ngô Quyền: “Mặc dù cuộc sống khó khăn, cả ngày làm việc vất vả nhưng khi đến lớp, bà con rất lạc quan, yêu đời, sẵn sàng tiếp thu cái chữ một cách trọn vẹn. Điều đó làm những giáo viên đứng lớp có thêm động lực. Tôi rất vui tham gia đứng lớp học đặc biệt này. Hy vọng khi kết thúc lớp học này, bà con sẽ biết đọc, biết viết và biết làm toán thành thạo từ đó tự tin hơn trong cuộc sống”.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 21/11, ông Đặng Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Nông Cống 2, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết, nhà trường đã tiến hành họp Hội đồng Kỷ luật, đưa ra hình thức kỷ luật đình chỉ học đối với 3 học sinh trực tiếp tham gia đánh bạn. Thời gian đình chỉ học trong 2 tuần, từ 19/11 đến 2/12.
Hương Trà
19:24 21/11/2024(Thanh tra) - Liên Chiểu được xem là địa phương đầu tiên trên địa bàn TP Đà Nẵng triển khai thí điểm 3 phòng học số và thư viện số trong trường học, giúp học sinh tiếp cận công nghệ thông tin trong học tập.
Ngọc Phó
16:21 21/11/2024Vũ Linh
19:00 20/11/2024Vũ Linh
16:22 20/11/2024Trà Vân
16:21 20/11/2024Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam
Thu Huyền
T.Thanh
Vũ Linh
Bài và ảnh: Nguyễn Nhị
PV
Chu Tuấn - Quang Dân
Nhật Minh