Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 20/12/2018 - 09:29
Theo những số liệu nghiên cứu, học sinh THPT ở Việt Nam thiếu kiến thức về QRTD, nhận diện sai biểu hiện của hành vi QRTD, bị QRTD mà không biết.
Có một thực tế là môi trường giáo dục cũng chính là nơi xảy ra nhiều vụ học sinh bị xâm hại, quấy rối tình dục (QRTD). Đáng buồn nhất là khi đối tượng bị cáo buộc có hành vi QRTD lại chính là những người thầy.
Làm sao để giúp học sinh nhận biết, phòng tránh nguy cơ QRTD học đường... PV VOV.VN đã trao đổi với ông Trần Thành Nam (Tiến sĩ Tâm lý học trẻ em và vị thành niên - ĐHQGHN) xung quanh vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết QRTD học đường được xác định thông qua những hành vi nào?
TS.Trần Thành Nam: QRTD theo Bộ luật Lao động Việt Nam được định nghĩa “là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới, là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý làm xúc phạm đối với người nhận, và tạo ra môi trường làm việc bất ổn, đáng sợ, thù địch và khó chịu.”
Như vậy, QRTD học đường cũng sẽ được xác định thông qua 4 đặc điểm gồm: là hành động (thể hiện qua hành vi, lời nói, cử chỉ điệu bộ phi ngôn ngữ, cái nhìn…); không trông đợi (học sinh thể hiện mình không mong muốn, khó chịu hoặc né tránh người có hành vi, cử chỉ…); mang hàm ý/ gợi ý tình dục và ảnh hưởng tiêu cực (đến môi trường, kết quả học tập và sức khỏe tinh thần của học sinh) (trích từ Bộ quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc, 2015 – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội).
PV: Ở Việt Nam, đã có những nghiên cứu, khảo sát gì về QRTD học đường, thưa ông?
TS.Trần Thành Nam: Nghiên cứu về QRTD, đặc biệt là QRTD học đường cho đến nay còn đang rất mới ở Việt Nam. Chúng ta mới chỉ quan tâm đến hành vi QRTD ở môi trường làm việc. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy QRTD được thực hiện bởi bạn học và các nhóm đồng trang lứa ở trường là rất phổ biến. Nó là mầm mống cho những hành vi xâm hại tình dục nghiêm trọng như một số vụ việc được truyền thông phản ánh trong thời gian gần đây.
Theo những số liệu nghiên cứu của tôi và đồng nghiệp, chọn mẫu tại một trường THPT ở Hà Nội và một trường THPT ở Nam Định, học sinh thiếu kiến thức về QRTD, nhận diện sai biểu hiện của hành vi QRTD, tin rằng các dạng QRTD chỉ là tán tỉnh hoặc trêu đùa.
PV: Ông có thể chỉ ra cụ thể những sai lầm của học sinh trong nhận diện các tình huống QRTD?
TS.Trần Thành Nam: Những biểu hiện nghiêm trọng, thể hiện rõ ràng qua những hành vi có thể quan sát, đo đếm được (ví dụ như hành vi cố tình áp sát, động chạm cơ thể trên xe buýt, bình luận tục tĩu về một tấm ảnh khêu gợi của bạn bè, gửi ảnh khỏa thân của mình không báo trước, ép người khác gửi ảnh cho mình) có khoảng 80% học sinh được hỏi xác định là hành vi QRTD nhưng vẫn có một tỷ lệ không nhỏ (20%) cho rằng những hành vi này là chọc ghẹo hoặc tán tỉnh.
Những hành vi, lời nói gợi dục, nhìn chằm chằm với hàm ý tình dục hoặc việc để lộ những bức hình khỏa thân cũng ít được học sinh nhận diện là QRTD, có từ 32,5% đến 43% số học sinh được hỏi xác định đó chỉ là hành vi chọc ghẹo hoặc tán tỉnh.
Về mặt nhận thức, có 55% học sinh đồng tình với quan điểm cho rằng “Nếu một học sinh bị QRTD ở trường cần phải có một nhân chứng chứng minh điều đó thì người khác mới phải để ý” nhưng trên thực tế không nhất thiết phải có nhân chứng mà chỉ cần chứng tỏ đó là những hành động không trông đợi có liên quan đến tình dục và đã có ảnh hưởng tiêu cực đến cá nhân là đã phải lưu tâm.
Có 58,5% học sinh cho rằng “phải thực sự động chạm thể chất và nói tục tĩu làm người khác phải xấu hổ mới là QRTD, chỉ có những cử chỉ thô lỗ thì không phải là QRTD”. Tuy nhiên, theo định nghĩa, những cử chỉ tục tĩu, thậm chí nhìn chằm chằm, hoặc huýt sáo trong những bối cảnh nhất định cũng có thể được xem như hành vi QRTD.
Việc gửi tin nhắn SMS tán gẫu về đời sống tình dục của người khác cũng bị coi là một hành vi QRTD, những tin nhắn không phù hợp ấy sẽ xúc phạm hoặc làm nhục người khác kể cả khi họ không biết tới những tin nhắn ấy. Ngay cả khi đối tượng bị QRTD không phản đối thì hành vi đó vẫn được gọi là QRTD.
Các em cho rằng nếu cá nhân không nhìn thấy, không nghe thấy những lời bình xúc phạm thì hành vi đó không phải là QRTD. Tất cả những nhận thức như vậy là chưa đúng. QRTD không chỉ là cử chỉ, hành động, lời nói mà có thể QRTD một cách gián tiếp thông qua các trang mạng xã hội, qua Facebook, qua SMS …
PV: QRTD học đường có thể gây ra những hệ lụy gì, thưa ông?
TS.Trần Thành Nam: Theo một khảo sát, có đến 80% học sinh THPT báo cáo đã từng trải qua ít nhất một hình thức QRTD trong thời gian học ở trường. Hệ lụy của QRTD đã được chỉ ra qua nhiều nghiên cứu đi trước làm tăng tỉ lệ trầm cảm, lo âu, cảm thấy xấu hổ, tội lỗi, mất lòng tin, rối loạn chức năng tình dục, giảm lòng tự trọng, suy giảm thành tích học tập, dự báo nguy cơ tự sát.
Tình hình còn nghiêm trọng hơn khi nhiều học sinh không nhận ra đó là QRTD. Người nhận thức được thì không dám báo cáo vì cho rằng đó là việc bình thường, ai cũng bị như vậy. Có báo cáo thì cũng sẽ không được xử lý một cách nghiêm túc, không có quy định, cơ chế báo cáo và xử phạt, sợ bị trả thù…
PV: Để nâng cao nhận thức của học sinh, giảm thiểu nguy cơ QRTD học đường, theo ông cần làm những gì?
TS.Trần Thành Nam: Việt Nam chưa có văn bản pháp luật quy định về xử lý hành vi QRTD học đường.
Vì vậy, từng trường cần nghiên cứu và bổ sung một số nội dung về phòng chống QRTD học đường vào nội quy của nhà trường hoặc một bộ quy tắc ứng xử riêng trong đó bao gồm các nội dung như định nghĩa và minh họa hành vi QRTD; những hướng dẫn cho nạn nhân, thủ tục khiếu nại, các hình thức kỷ luật…
Nhà trường đa dạng hóa hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ chuyên đề, mời diễn giả để nâng cao nhận thức cho đội ngũ về tính chất nghiêm trọng của vấn đề; trao quyền cho họ tham gia vào việc giám sát, phát hiện, giáo dục bản thân, học sinh và phụ huynh về QRTD học đường.
Cần giáo dục cho học sinh sự khác biệt giữa trêu chọc thân thiện và bắt nạt, giữa tán tỉnh và quấy rối. Dạy học sinh việc bị quấy rối không phải là lỗi của họ. Và việc bỏ qua một hành vi QRTD có thể dẫn đến một chu kỳ quấy rối mới với những hành vi leo thang hơn.
Cần phát triển hệ thống dịch vụ tham vấn học đường chuyên nghiệp trong và ngoài trường học. Cần luôn cảnh giác để bảo vệ học sinh khỏi sự đau khổ của bạo lực và QRTD, để nhà trường thực sự là một môi trường an toàn và thân thiện.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Theo Hồng Minh/VOV.VN
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.
Trần Kiên
12:26 13/12/2024(Thanh tra) - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Đánh giá công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK) giai đoạn 2018 - 2024, diễn ra ngày 12/12, tại Hà Nội.
Lê Phương
21:44 12/12/2024Lê Phương
20:16 10/12/2024Nam Dũng
20:00 10/12/2024TC
19:09 10/12/2024T.Thanh
18:00 10/12/2024Ngọc Giàu
T.Lương
Đông Hà
Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân