Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Một kỳ thi sẽ tránh rủi ro cho học trò

Thứ ba, 12/08/2014 - 12:16

(Thanh tra) - “Trong năm 2015 có tổ chức ngay một kỳ thi quốc gia thì đề thi cũng sẽ không yêu cầu học sinh và giáo viên phải thay đổi cách dạy, cách học hiện nay. Vì vậy, các trò hãy yên tâm học tập như bình thường”. Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bùi Văn Ga về 1 kỳ thi quốc gia khi năm học mới đang cận kề.

Theo phương án tổ chức 1 kỳ thi quốc gia, Bộ GD&ĐT sẽ đảo ngược quy trình tuyển sinh như hiện nay, tức thay vì thí sinh đăng ký chọn trường trước rồi mới thi, thành thi trước, biết kết quả rồi mới đăng ký. Ảnh: Hải Hà

Giảm áp lực thi cử

Bộ GD&ĐT đã công bố 3 phương án cho 1 kỳ thi quốc gia. Theo đó, phương án 1, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Hoá, Lý, Sinh, Sử, Địa. Phương án 2, thi 4 bài gồm 3 bài thi bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và thí sinh chọn 1 trong 2 bài thi Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Phương án 3, thi 4 bài thi là Toán - Tin (gồm môn Toán và Tin học); Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh và Công nghệ); Khoa học xã hội (Văn, Sử, Địa và Giáo dục công dân) và Ngoại ngữ.

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố 3 phương án trên, nhiều chuyên gia giáo dục cũng như lãnh đạo các Sở GD&ĐT cho rằng, phương án 2 và 3 rất khó có thể thực hiện ngay trong năm 2015 do chương trình, sách giáo khoa và cách dạy ở bậc THPT hiện nay khiến học sinh không thể thích ứng ngay được với với cách ra đề tích hợp mới mẻ này.

Giải thích băn khoăn trên, Thứ trưởng Ga cho biết, phương án 2 và 3 là cách ra đề bài thi tổng hợp chứ không phải bài thi tích hợp.

Thứ trưởng giải thích cụ thể, bài thi tổng hợp là ghép các môn lại trong 1 bài thi. Trước đây, 1 môn thi 1 buổi riêng thì bây giờ 3 môn cũng chỉ thi trong 1 buổi; trước thi 3 tiếng 1 môn thì giờ thi mỗi môn 1 tiếng. Mục đích là giảm bớt áp lực, căng thẳng cho học sinh. Còn bài thi tích hợp là tổng hợp kiến thức liên môn trong một đề thi. Với đề thi dạng này, chúng ta chưa áp dụng ngay mà đợi đến khi Bộ triển khai chương trình, sách giáo khoa mới dạy và học theo chương trình tích hợp mới áp dụng.

Thứ trưởng lưu ý, với bài thi tổng hợp sẽ không yêu cầu học sinh và giáo viên phải thay đổi cách dạy, cách học hiện nay. Vì vậy, các trò hãy yên tâm học tập như bình thường.

Tránh rủi ro

Theo phương án tổ chức 1 kỳ thi quốc gia, Bộ GD&ĐT sẽ đảo ngược quy trình tuyển sinh như hiện nay, tức thay vì thí sinh đăng ký chọn trường trước rồi mới thi, thành thi trước, biết kết quả rồi mới đăng ký.

Giải thích về quy định này, Thứ trưởng Ga cho hay, đây là cách làm mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Thực tế cho thấy, trước đây các em phải đăng ký trường trước khi thi có nhiều rủi ro, nhiều em điểm cao tới 27 điểm 3 môn vẫn trượt đại học.

Với 1 kỳ thi, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, các trường đại học, cao đẳng sẽ công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển để thí sinh cân nhắc, chọn trường phù hợp với năng lực, điểm thi của mình trước khi nộp hồ sơ, như vậy sẽ tránh được những trường hợp đáng tiếc nêu trên.

Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển cho các trường, Thứ trưởng Ga cho biết, vẫn phải có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Ngưỡng này phải được nêu rõ trong đề án tuyển sinh riêng của các trường, chẳng hạn như quy định 6 điểm cho bậc đại học, 5,5 điểm cho cao đẳng …

Nhằm giúp thí sinh biết các trường sẽ tuyển sinh như thế nào, Bộ cũng đã yêu cầu các trường nhanh chóng gửi đề án tuyển sinh riêng về Bộ trước ngày 30/9. Ngoài ra, Bộ cũng quy định các trường phải công bố phương án tuyển trước 6 tháng để thí sinh biết và chủ động trong việc ôn tập.

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm