Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kỳ thi THPT quốc gia: Còn nhiều bất cập

Thứ tư, 15/07/2015 - 06:53

(Thanh tra)- Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015 vừa kết thúc. Đây là lần đầu tiên kỳ thi “2 trong 1” được tổ chức nên thu hút sự quan tâm đặc biệt từ dư luận. Kỳ thi được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đánh giá là giảm được áp lực, đỡ tốn kém, hạn chế dạy thêm, học thêm… Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, vẫn còn nhiều bất cập.

Thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015. Ảnh: HH

Thời gian kéo dài

PGS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đánh giá: Kỳ thi THPT quốc gia 2015 đã kết thúc, tính cả ngày chuẩn bị là 5 ngày. Thí sinh vẫn phải tập trung về các cụm, nói là nhẹ nhàng nhưng cảm giác vẫn nặng, vẫn có những hội đồng tập trung chỉ có 1 thí sinh. Như vậy, mục tiêu nhẹ nhàng chưa đạt được, hơn nữa còn tăng học lệch, học sinh chỉ học 4 môn bắt buộc.

Chung quan điểm, PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trưởng THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng: Kỳ thi này không phải là căng thẳng trong mấy ngày thi như mọi năm, mà căng thẳng kéo dài trong cả năm học.

Không chỉ mục tiêu nhẹ nhàng không đạt được mà kinh phí cho thi cử cũng không hề nhẹ đi. Chị Trần Thị Thủy (Ý Yên, Nam Định) có con lên thi ở Hà Nội tâm sự: Kỳ thi kéo dài khiến phụ huynh lẫn thí sinh đều cực, vừa tốn thời gian vừa tốn kinh phí. Với bài toán 650.000 đồng/phòng/ngày tiền khách sạn; 120.000 đồng tiền taxi/ngày cho 4 lượt đi về; cộng thêm tiền ăn, mỗi ngày tôi phải tốn gần 1 triệu đồng. Năm ngoái, tôi cũng đưa con trai lên Hà Nội dự thi, nhưng chỉ mất có 3 ngày. Năm nay, tôi phải xin nghỉ phép cơ quan 6 ngày để đồng hành cùng con.

Khó xét tuyển đại học, cao đẳng

Nhiều chuyên gia giáo dục đánh giá, đề thi chính thức của kỳ thi tốt nghiệp THPT dễ hơn rất nhiều so với đề mẫu mà trước đó Bộ GD&ĐT đưa ra. Việc phân hóa cũng rất khó, sàn điểm 6 - 7 sẽ nhiều, do vậy khó xác định được việc xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Nếu lấy điểm chuẩn cao sẽ không có nhiều thí sinh đậu, còn nếu lấy mức điểm trung bình - khá lại rất đông hồ sơ đạt yêu cầu.

Nhận xét về kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, đề thi quá chú trọng cho mục tiêu xét tốt nghiệp nên tính phân loại thí sinh không cao. So với đề thi đại học các năm trước, đề THPT quốc gia dễ, chỉ 10 - 15% câu hỏi rất khó để chọn học sinh giỏi, nhưng lại không có câu để phân loại học sinh khá với trung bình. "Không phân loại được thí sinh thì rất khó cho khâu tuyển sinh đại học, cao đẳng hoặc tuyển sai người. Với đề thi THPT quốc gia năm nay, các đại học tốp đầu có thể có nguồn đầu vào đảm bảo, nhưng các trường top giữa chỉ cần học sinh học lực khá sẽ gặp khó khăn", ông Thi nói.

PGS Văn Như Cương thẳng thắn: Tôi cho rằng, đề thi vừa qua không đạt được mục tiêu phân hóa. Đề toán buổi đầu tiên, tỷ lệ để làm đỗ tốt nghiệp (60%) tôi cho là dễ quá, ngay cả bài kiểm tra 15 phút cũng không dễ như thế. Cho tốt nghiệp bằng những câu dễ như thế, chắc chắn tỷ lệ đỗ là 99%, tôi không phản đối, thậm chí là 100%. Nhưng điểm vào đại học như thế nào thì lại là vấn đề lúng túng cho các trường.

PGS. Cương nêu ví dụ cụ thể: Một bài thi chỉ ghi là 7 điểm hay 6 điểm, nếu tách ra phần cơ bản là 6, phần nâng cao là 0, bài kia phần cơ bản là 3 phần nâng cao là 4, vậy các trường đại học dựa vào đâu để chọn học sinh giỏi. Bên cạnh đó, có nhiều cụm thi chỉ để xét tốt nghiệp thông qua 4 môn thi, nhưng cũng có nhiều trường đại học xét tuyển thí sinh thông qua 4 môn thi đó cộng với điểm rèn luyện qua học bạ. Vậy sẽ giải quyết vấn đề ở đây như thế nào?

Đồng tình với ý kiến trên, PGS. Nhĩ bày tỏ: Ra đề như năm nay thì tỷ lệ phân hóa là ít, trong khi đó mục tiêu chúng ta lấy số lớn vào các trường đại học, cao đẳng. Thi là để sàng lọc và đề dễ thì không có ý nghĩa gì cả.

Có nên duy trì?

“Mô hình “2 trong 1” có nhiều điều không ổn. Tôi ủng hộ mô hình thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ GD&ĐT nên nghiên cứu mô hình đó để áp dụng”, PGS Văn Như Cương.

“Kết quả của kỳ thi THPT lần này, tôi nghĩ năm tới không nên áp dụng vì chỉ làm cho học sinh học lệch. Bộ GD&ĐT nên bỏ việc có 2 cụm thi (địa phương và đại học), giao cho địa phương tổ chức thi; quay trở lại thi 5 môn bắt buộc và 2 bài thi tự nhiên và xã hội. Như thế mới đảm bảo cho học sinh học một cách toàn diện. Kết quả thi sẽ giao cho các trường đại học tự chủ căn cứ vào kết quả đó để tuyển chọn, các trường có thể kiểm tra thêm nếu thấy cần thiết”, PGS Trần Xuân Nhĩ.

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.

Trần Kiên

12:26 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm