Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 25/06/2018 - 20:23
(Thanh tra)- Ngày 25/6, hơn 900 nghìn sĩ tử trên cả nước bước vào kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Đây là kỳ thi "2 trong 1", kết quả thi sẽ được dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Vì vậy, nó có ý nghĩa vô cùng quan trọng với mỗi thí sinh. Kết thúc ngày thi đầu tiên, nhiều giáo viên đánh giá, khó xuất hiện “cơn mưa” điểm 10.
Thí sinh dự thi THPT Quốc gia 2018. Ảnh: Hải Hà
Đề thi phân hóa
Kết thúc ngày thi đầu tiên, thí sinh dự thi 2 môn bắt buộc là Ngữ văn và Toán đều chung nhận xét đề thi có tính phân hóa cao, khó xuất hiện "cơn mưa" điểm 10 như năm ngoái.
Cô Nguyễn Thị Huyền Phương - giáo viên Văn Trường THPT Hồng Thái (Đan Phượng, Hà Nội) đánh giá: Đề Văn năm nay có tính phân loại cao. Phần đọc hiểu vận dụng kiến thức lớp 12 và tuân thủ theo chương trình sách giáo khoa, câu 1 và 2 phù hợp với học sinh có học lực trung bình để xét công nhận tốt nghiệp. Nhưng phần nghị luận xã hội có tính phân hóa cao dành cho học sinh khá, giỏi.
Là thí sinh trực tiếp làm bài thi, sau khi kết thúc ngày thi đầu tiên, hầu hết các thí sinh đều nhận xét cả 2 đề thi Văn, Toán đều khó hơn nhiều so với năm ngoái. Đề thi có tính phân hóa cao phù hợp với 2 mục đích vừa xét tốt nghiệp THPT vừa tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Học chuyên ban D (Toán, Văn, Ngoại ngữ) Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) sẽ dùng kết quả môn thi Toán, Văn để xét tuyển đại học, nhưng Phan Linh chia sẻ: Đề thi năm nay quá khó so với năm ngoái. Môn Văn đề quá dài, câu làm văn 5 điểm là thử thách với thí sinh khi phải so sánh 2 tác phẩm với 2 hình ảnh đối nghịch nhau. Trong đó, tác phẩm “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam nằm trong chương trình lớp 11 ít ai ngờ tới.
Môn Toán buổi chiều tiếp tục gây khó cho thí sinh. Phan Linh cho biết, đề thi mã số 124 có 50 câu, trong đó 30 câu đầu rất dễ, nhưng 20 câu sau rất khó. Có tới hơn 10 câu phải “khoanh bừa”.
Đăng ký tới 10 nguyện vọng xét tuyển đại học, nhưng Linh cho biết, rất lo lắng vì ngày thi đầu tiên làm bài không tốt, chỉ trông chờ môn Ngoại ngữ sẽ cứu vớt lại.
Cho ý kiến về đề thi Toán, thầy Nguyễn Cao Cường - Giáo viên Tuyensinh247.com cho rằng: Đề đúng cấu trúc của năm trước với 50 câu hỏi được nằm chủ yếu kiến thức của lớp 12 và lớp 11. Các câu hỏi từ mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao của các mã đề có mức độ tương đương nhau, công bằng cho các thí sinh.
"Với đề này, học sinh giỏi thực sự mới có thể làm đúng và có thể đạt điểm trên 9. Năm nay, số lượng học sinh đạt điểm tuyệt đối sẽ không nhiều, bởi số lượng câu phân loại học sinh khá giỏi, khoảng 10 câu có độ khó và kỹ thuật ra đề tốt, không đơn giản với các thí sinh" - thầy Cường nhận xét.
Nhiều vật dụng, chuyến xe miễn phí phục vụ sĩ tử
Trong ngày đầu tiên diễn ra kỳ thi THPT Quốc gia 2018, nhiều hoạt động tiếp sức mùa thi đã được các tình nguyện viên áo xanh thực hiện.
Tại Hà Nội, gần 5.000 tình nguyện viên sẵn sàng hỗ trợ cho gần 80.000 thí sinh và người thân tại 123 điểm thi trên địa bàn TP.
Đại diện Thành đoàn Hà Nội cho biết: Tổng vật phẩm phục vụ tiếp sức mùa thi năm nay được xã hội hóa toàn bộ, có trị giá tương đương gần 1 tỷ đồng với các vật dụng rất thiết yếu như: Khăn ướt, quạt cầm tay, mũ lưỡi trai, ô che nắng, nước giải khát…
Bên cạnh đó, các tình nguyện viên tập trung hỗ trợ thí sinh và người nhà đi lại. Do đặc thù địa bàn rộng, có thí sinh nhà ở cách điểm thi tới 30km nên 4 điểm thi của huyện Phú Xuyên đều có đội xe ôm miễn phí phục vụ sĩ tử. Các đội xe ôm miễn phí túc trực thường xuyên suốt từ buổi làm thủ tục thi đến hết buổi thi cuối cùng.
Thanh niên tình nguyện giúp đỡ thí sinh tại điểm thi Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội). Ảnh: Phạm Hùng.
Đặc biệt, với những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn (khuyết tật, mồ côi, không có người thân đưa đón…) trong những ngày thi, các tình nguyện viên sẽ trực tiếp đưa đón các em trong suốt các ngày thi.
Các đội tình nguyện tiếp sức mùa thi tại các điểm thi thực sự đã làm ấm lòng các sĩ tử và phụ huynh.
Ông Nguyễn Văn Nam ở Phú Xuyên đưa cháu đi thi tại điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông) chia sẻ: Nhà xa nên ông đưa cháu đi thi rồi ở lại điểm thi chờ đến giờ thi chiều. Rất may thời tiết hôm nay mát mẻ, nên cũng đỡ vất vả. Ở xa đến "lạ nước lạ cái" nhưng 2 ông cháu đã được các tình nguyện viên hướng dẫn rất nhiệt tình từ chỗ ăn trưa đảm bảo vệ sinh đến phát nước miễn phí khi ngồi chờ 2 tiếng đồng hồ ngoài trường thi. Cốc nước mát miễn phí giữa trưa hè đã làm mát lòng sĩ tử và phu huynh đưa con đi thi.
Ngày mai (26/6), thí sinh tiếp tục dự thi bài thi tự chọn Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học). Chiều cùng ngày thi bắt buộc môn Ngoại Ngữ.
Sáng 27/6, dự thi bài thi cuối cùng Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
18 thí sinh không đến được điểm thi do mưa lũ Những ngày diễn ra kỳ thi THPT Quốc gia 2018, tại các tỉnh miền núi và Trung du Bắc Bộ có nơi mưa rất to. Mưa lũ, sạt lở đất đã khiến nhiều tuyến đường bị chia cắt, nhiều khu vực bị cô lập, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đi lại của thí sinh đặc biệt tại 2 tỉnh Lai Châu và Hà Giang. Tại huyện Than Uyên, Lai Châu, điểm thi tại Trường THPT Mường Than do mưa lớn bị đổ tường rào. Địa phương đã chuyển điểm thi này sang điểm thi dự phòng tại Trường THCS Phúc Than cách điểm thi cũ khoảng nửa cây số. Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia 2018, kết thúc ngày thi đầu tiên vẫn còn 18 thí sinh không đến được điểm thi để dự thi, cụ thể như sau: Đối với môn thi Ngữ văn, tỉnh Lai Châu có 9 thí sinh; tỉnh Hà Giang có 4 thí sinh. Môn thi Toán: tỉnh Lai Châu có 3 thí sinh; Hà Giang 2 thí sinh. Với các thí sinh này, Ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia đã chỉ đạo Hội đồng Thi các địa phương thống kê báo cáo cụ thể, đồng thời đề xuất phương án xử lý để Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định phương án xử lí phù hợp vừa đúng Quy chế vừa đảm quyền lợi của thí sinh. |
45 thí sinh vi phạm quy chế Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Thi THPT quốc gia 2018, ngày thi thứ nhất tổng số thí sinh đến dự thi môn Ngữ Văn đạt tỷ lệ 99,55%; môn Toán 99,52%. 45 thí sinh vi phạm quy chế (khiển trách 1, đình chỉ 44). Đánh giá chung ngày thi, Ban Chỉ đạo cho biết, các điểm thi trên cả nước tổ chức thi an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế. |
Hải Hà
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Đánh giá công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK) giai đoạn 2018 - 2024, diễn ra ngày 12/12, tại Hà Nội.
Lê Phương
21:44 12/12/2024(Thanh tra) - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị dơ kết công tác bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo diễn ra ngày 10/12.
Lê Phương
20:16 10/12/2024Nam Dũng
20:00 10/12/2024TC
19:09 10/12/2024T.Thanh
18:00 10/12/2024Nam Dũng
11:32 10/12/2024Bùi Bình
Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC
Theo EVNNPC