Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hơn 122 nghìn giáo viên mầm non nghỉ công tác chưa được hưởng chế độ

Thứ ba, 14/08/2018 - 17:39

(Thanh tra) - Đó là con số được nêu ra tại hội thảo đề xuất chế độ, chính sách cho giáo viên mầm non (GVMN) nghỉ công tác chưa được hưởng chế độ, do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức sáng 14/8.

Hơn 122 nghìn giáo viên mầm non nghỉ công tác chưa được hưởng chế độ. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhà giáo ưu tú về hưu không lương, không trợ cấp

Bà Nguyễn Thị Nghĩa  - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cung cấp con số đáng quan tâm: Theo thống kê từ 31 tỉnh (22 tỉnh phía Bắc, 9 tỉnh phía Nam) tính đến nay có 122.440 người nghỉ công tác chưa được hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước. Trong đó, số GVMN không được hưởng chế độ do không được tuyển dạy tiểu học khoảng 47 nghìn người; còn lại là do hoàn cảnh gia đình và các hoàn cảnh khác mà nghỉ việc.

GVMN nghỉ công tác chưa được hưởng chế độ đều có quá trình công tác, làm việc tương đối lâu dài trong những năm khó khăn của đất nước. Nhiều giáo viên vào ngành từ những năm 1970, sau 20-30 năm công tác không được hưởng bất cứ chế độ, chính sách nào.

Ông Nguyễn Mậu Bành - Phó Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức Việt Nam phân tích, trong số hơn 122 nghìn người có hơn 35 nghìn người có thời gian công tác từ 5-10 năm, gần 21 nghìn công tác từ 10 đến dưới 15 năm và có tới hơn 16 nghìn người có thời gian công tác từ 15 năm trở lên.

Nói về đời sống của GVMN hiện nay, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Đời sống của GVMN đều rất khó khăn. Không có lương hưu, không có chế độ bảo hiểm xã hội, thu nhập để duy trì cuộc sống đều nhờ vào ngày công lao động phổ thông, buôn bán nhỏ lẻ, nhiều người không lập gia đình hoặc ly tán, nhiều GVMN nay đã gần trăm tuổi không có chế độ, không chỗ dựa trong cuộc sống.

Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam chia sẻ: Năm 2007, Hội đã cùng 22 tỉnh khảo sát 39.181 nhà giáo nghỉ hưu để nắm tình hình đời sống của hội viên. Kết quả, có 21,7% người có thu nhập bình quân là 200 nghìn đồng trở xuống cho 1 người lao động trong 1 tháng; 14,12% người mắc bệnh nan y; 8,3 % người bị mắc bệnh do hậu quả chiến tranh.

“Người về hưu có lương mà đời sống còn khó khăn như vậy, GVMN nghỉ công tác không có chế độ chính sách gì của Nhà nước thì càng khó khăn hơn nhiều” - ông Bành nhấn mạnh.

Trực tiếp công tác trong bậc học mầm non, bà Nguyễn Thị Toan (đến từ phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, Hải Dương) cho biết: GVMN nghỉ không lương, không trợ cấp rất khó khăn, phần lớn là làm nông nghiệp, thu nhập thấp, một số người là hộ nghèo. Thậm chí, có người được phong nhà giáo ưu tú, công tác trong ngành 20 năm, có bằng chuyên môn làm đến chức hiệu trưởng mầm non, nhưng không được hưởng lương cũng như trợ cấp, đó là trường hợp bà Nguyễn Thị Đoàn, 73 tuổi, ở xã Dân Chủ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.

Bà Nguyễn Thị Toan bùi ngùi chia sẻ, vẫn còn trường hợp được phong nhà giáo ưu tú nhưng nghỉ công tác không lương, không chế độ. Ảnh: Hải Hà

Cần trợ cấp theo năm công tác 

Tại hội nghị, Hội Cựu Giáo chức Việt Nam đề xuất, thực hiện chế độ trợ cấp 1 lần bằng tiền cho GVMN nghỉ công tác chưa được hưởng chế độ của Nhà nước.

Có thể căn cứ vào lương cơ bản do Nhà nước quy định ở thời điểm thực hiện chính sách, số năm công tác, tờ khai cá nhân của có xác nhận của UBND cấp xã và danh sách tổng hợp của Phòng GD&ĐT huyện để tính hưởng trợ cấp.

Đối với người có số năm công tác dưới 5 năm thì cấp 1 thẻ bảo hiểm y tế; với người công tác từ 5 năm trở lên thì trợ cấp mỗi năm công tác một khoản tiền mặt bằng 30% lương cơ bản.

Từ thực tế địa phương, bà Nguyễn Thị Hồng Thúy - Phó Chủ tịch UBND huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) chia sẻ: Hạ Hòa có 634 GVMN nghỉ công tác, nhưng chưa được hưởng chế độ, có người thời gian công tác tới 15 năm và trên 15 năm, phần lớn rất cao tuổi, có người tuổi gần 100, có người đã mất.

“Đời sống của GVMN hiện nay rất khó khăn. Nhiều người đã cống hiến hàng chục năm cho sự nghiệp giáo dục song vì nhiều lý do khác nhau khi nghỉ không được hưởng chế độ, phải tự tìm việc và tự kiếm sống. Nhiều người đến nay tuổi đã cao, sức đã yếu, thu nhập lại thấp nên không có điều kiện để chữa bệnh, chăm sóc bản thân” - bà Thúy chia sẻ.

Xuất phát từ thực tế trên, bà Thúy đề xuất: Chính quyền địa phương các cấp cần vào cuộc thành lập hội đồng thực hiện chính sách cho GVMN nghỉ công tác nhưng chưa được hưởng chế độ. Hội đồng này phải do lãnh đạo địa phương làm chủ tịch, thường trực là những người làm trong lĩnh vực GD&ĐT. Hội đồng giáo chức cùng các ngành khác có liên quan như lao động thương binh và xã hội, bảo hiểm xã hội... làm thành viên để cùng tham gia thẩm định. Nếu giao riêng cho ngành giáo dục, hay cựu giáo chức không thực hiện được.

Quan tâm tới đối tượng có thâm niên từ 10 năm trở lên

Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đồng tình với việc GVMN công tác lâu năm trong ngành cần phải được hưởng chế độ. Tuy nhiên, cần tính toán thời gian cho hợp lý, có thể phân tầng theo năm đóng góp 10, 15, 20 hay 30 năm thì chế độ sẽ khác nhau. Nên quan tâm tới đối tượng có thâm niên từ 10 năm trở lên có thể được hưởng trợ cấp 1 lần hoặc trợ cấp hàng tháng theo nhu cầu. Mức bao nhiêu thì cần nghiên cứu cụ thể.

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm