Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Học sử để làm người Việt Nam

Thứ sáu, 28/03/2014 - 09:58

(Thanh tra) - Mở đầu cuốn sách “Lịch sử nước ta” (năm 1941) Bác viết: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam...”.

Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam. Ảnh: Thế Lữ

Sinh thời, giáo sư Trần Quốc Vượng đã nhận xét ngắn gọn bài thơ trên của Bác là, học sử để làm người Việt Nam. Thế nhưng nhiều năm gần đây, tình trạng xem thường môn lịch sử cả trong cách dạy và học ở trường phổ thông đã được cảnh báo. Đặc biệt, tỷ lệ học sinh phổ thông chối bỏ thi môn lịch sử (môn chọn tự nguyện trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH năm 2014) đã gióng lên hồi chuông báo động đỏ.

Nguyên nhân dẫn đến học sinh lười học sử, chối bỏ môn sử thì nhiều. Các thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục, các nhà xã hội học về cơ bản đều có chung nhận xét: Sách giáo khoa đưa vào nhiều sự kiện với nhiều chi tiết dài dòng, lan man làm cho học sinh phải học nhiều nhưng lại khó nhớ; học môn lịch sử ít có sự lựa chọn về các khối khi dự thi đại học; ít có cơ hội kiếm được việc làm trong thời hiện đại, đặc biệt nếu kiếm được việc làm, thì từ việc làm đó cũng khó có được thu nhập cao... Đó là sự thật mà chúng ta phải chấp nhận.

Ngay cả việc đưa các sự kiện lịch sử diễn ra cách đây chỉ vài chục năm như sự kiện cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 cũng chưa đưa được một cách đầy đủ, xứng tầm. Điều đó cũng làm ảnh hưởng lớn đến cách nhìn nhận về lịch sử dân tộc. Đưa sự kiện vào sách giáo khoa phải được chọn lọc, nhưng phải đảm bảo tính khách quan, trung thực, tránh cắt xén, che đậy... đó mới là chính sử, bởi sự thật không thể dễ dàng khuất lấp. Không thể lấy sự kiện để minh chứng cho một chủ đề mà hãy để cho các sự kiện nói lên bản chất của vấn đề, cụ thể hơn đó là hiện thực, tư tưởng của thời đại đã diễn ra sự kiện đó. Chính vì vậy, tính chính xác trong lịch sử vô cùng quan trọng. Có một câu hỏi lớn đã và đang được đặt ra đối với các nhà nghiên cứu, giảng dạy lịch sử, đó là: Lịch sử Việt Nam có 4 nghìn năm hay chỉ hơn 2 nghìn năm? Nhiều năm nay, trong sách giáo khoa và các tài liệu khác vẫn thường viết Việt Nam có tới 4 nghìn năm lịch sử. Nhưng theo tính toán của một số nhà khoa học lịch sử, nếu tính từ thời đại Vua Hùng đến nay, Việt Nam cũng chỉ mới có 2.500 năm. Cho nên cách nói áng chừng: Lịch sử Việt Nam có bề dày hàng nghìn năm vẫn là phù hợp hơn cả. Pháo đài bay B52 bị quật ngã trên bầu trời Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Thế Lữ

Trở lại tính chính xác của sự kiện lớn khi chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc lập và trưa ngày 30/4/1975 là chiếc xe tăng có số hiệu 843 hay 390? Một thời gian dài chiếc xe tăng 843 được coi là chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc lập. Cho đến khi một phóng viên người Pháp trở lại thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đọc thấy: Chiếc xe tăng số hiệu 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30/4/1975. Trong thời khắc đặc biệt đó, phóng viên này từng có mặt tại Dinh Độc Lập và đã chụp được bức ảnh chiếc xe tăng có số hiệu 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập. Sau khi nhà báo này lên tiếng, chi tiết này đã được sửa lại cho phù hợp với thực tế. Rõ ràng nêu các sự kiện lịch sử mà thiếu tính chính xác thì giảm sút nghiêm trọng sức hấp dẫn và tính giáo dục. 

Giáo sự Phan Huy Lê (một trong tứ trụ của ngành Sử học Việt Nam) đã từng nhận xét: Môn sử đáng ra rất hấp dẫn nhưng lại trở thành môn học chán ngắt. Sách giáo khoa nặng nề, la liệt sự kiện, đưa ra khái quát chung chung trìu tượng. Nếu là học sinh tôi cũng chán!Các loại súng thần công bắn bằng đạn đá. Ảnh: Thế Lữ

Việt Nam là đất nước có bề dày lịch sử đáng trân trọng để tìm hiểu. Ngay ở Thủ đô Hà Nội có tới hàng chục bảo tàng danh tiếng như: Viện Bảo tàng lịch sử (thời Pháp thuộc gọi là Viễn Đông Bác Cổ), Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Lực lượng tăng thiết giáp, Bảo tàng Phòng không, không quân... Ngay cả như Hoàng Thành Thăng Long cũng là một khu bảo tàng vô giá.

Ấy vậy mà học sinh Hà Nội, cấp tiểu học chỉ tìm đến Rạp xiếc Trung ương để xem voi thổi kèn, khỉ đánh trống... Học sinh cấp THCS và THPT năm nào cũng tổ chức cho học sinh đi dã ngoại lên tận Ba Vì, Sơn Tây... để đi đổi gió. Phần đa học sinh Hà Nội không biết các bảo tàng nổi tiếng trên nằm ở đâu và ở trong đó có những hiện vật gì. Lực lượng bảo vệ của các bảo tàng cho biết: Khách đến chủ yếu là khách du lịch từ nước ngoài, một phần khách của các tỉnh xa đến, một phần là các cựu chiến binh của các thế hệ. Rất ít trường tổ chức cho học sinh đến tham quan học tập ở đây. Trong khi những hiện vật ở các bảo tàng này có sức thu hút kỳ lạ như: Các hiện vật từ thời nguyên thủy, thời đồ đá đến đồ đồng, các khẩu súng thần công bắn đạn bằng đá... đến máy bay B52, tên lửa SAM. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao nhiều trường không tổ chức cho học sinh đến những nơi này? Đó là một trong các lý do làm cho các giờ sử kém sinh động, làm thui chột trong các em niềm tự hào dân tộc.

Từ một học sinh, hay nói đúng hơn một người Việt Nam mà “mù” về lịch sử dân tộc, thì trong con người ấy khó trở thành một công dân có lòng tự hào dân tộc , lòng yêu nước, có thái độ chan hòa với mọi người, có trách nhiệm với bản thân và gia đình mình được.

Để học sinh yêu môn sử, trong cách dạy và học phải tiếp tục nhiều cải biên, cải tiến. Trong đó cho các em tiếp xúc với các hiện vật lịch sử, các địa danh lịch sử  là điều vô cùng quan trọng.

Thế Lữ

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.

Trần Kiên

12:26 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm