Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Học sinh “căng mình” luyện thi vào lớp 10

Thứ sáu, 23/04/2021 - 06:37

(Thanh tra)- Kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội lâu nay vẫn được ví là “căng hơn thi đại học” bởi hệ thống trường lớp trên địa bàn Thủ đô chỉ đáp ứng được 62% học sinh vào trường công. So với các năm học trước, kỳ thi năm nay có phần áp lực hơn khi học sinh phải trải qua 2 năm học tập trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Chỉ còn hơn một tháng nữa, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội sẽ bắt đầu. Thời điểm này, các em học sinh lớp 9 đang “căng mình” ôn luyện... Ảnh: Thanh Tùng

Học ngày, “cày” đêm

Chỉ còn hơn một tháng nữa, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội sẽ bắt đầu. Theo kế hoạch, kỳ thi sẽ diễn ra vào ngày 10 và 11/6 với 4 môn thi, gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và Lịch sử.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội, đề thi vào lớp 10 THPT dựa theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THCS hiện hành của Bộ GD&ĐT; chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9; đảm bảo các cấp độ nhận thức, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao…

Kỳ thi năm nay có sự tham gia của gần 91.000 học sinh, trong đó trường công lập chỉ đáp ứng được khoảng 62 %, còn lại các em phải học trường ngoài công lập. Tuy nhiên, đây là những trường có học phí cao. Vì thế, để giành được “tấm vé” vào “cánh cửa” trường công là mong muốn của đa số học sinh.

Sát ngày thi, các em học sinh lớp 9 đang “căng mình” ôn luyện. Sáng học chính khóa, chiều phụ đạo ở trường, tối học thêm ở trung tâm là tình cảnh chung mà các em đang trải qua. Em Nguyễn Minh Ngọc, học sinh Trường THCS Tân Mai chia sẻ: Nguyện vọng của em là được học ở Trường THPT Kim Liên, mọi năm trường lấy điểm chuẩn cao thuộc tốp đầu của TP nên áp lực đè lên vai là không hề nhỏ.

Để đạt được mục tiêu của mình, em phải học ngày, “cày” đêm. Do thời điểm này, chưa thi học kỳ 2 nên học sinh vẫn phải học tất cả các môn. Sáng, chiều học theo thời khóa biểu chính. Từ 5 giờ chiều đến 7 giờ 30 tối là học phụ đạo ở trường. Nhiều bạn kết thúc ở trường lại chạy đến các “lò luyện” ôn thi, không có thời gian nghỉ ngơi, ăn tối…

Không chỉ Minh Ngọc, để có thể yên tâm đỗ trường công, nhất là vào trường mình mong muốn, nhiều em phải tăng cường học ba ca. Đăng ký dự tuyển vào Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông), Lê Mạnh Dũng, học sinh Trường THCS Việt Nam - Angieri cho biết, lịch học của em khá căng thẳng. Từ đầu năm lớp 9 em đã phải cố gắng nhiều. Ban ngày học ở trường, tối em đến trung tâm, có những hôm về muộn hoặc hôm sau có bài kiểm tra thì về nhà em lại “cày” đến 2-3 giờ sáng.

“Bạn nào cũng căng thẳng nhưng để đạt được nguyện vọng thì chúng em đều đặt việc học lên trên hết. Tối học đến khuya, sáng phải dậy sớm để học tiếp cũng có chút mệt mỏi, nhưng vì mục tiêu nên em cố gắng để đạt được kết quả tốt nhất” - Dũng nói.

Cần phương án… “dự phòng”

Thời điểm thi đang đến gần, không chỉ học sinh mà các nhà trường cũng đã có những kế hoạch ôn luyện tốt nhất cho các em. Để chuẩn bị cho 300 học sinh lớp 9 tham dự kỳ thi vào lớp 10 đạt kết quả cao, Trường THCS Khương Đình (quận Thanh Xuân) tổ chức ôn tập theo nhóm đối tượng và đẩy giờ vào lớp hàng ngày sớm hơn 30 phút. Buổi sáng, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử đến trường hỗ trợ học sinh học từ 7 giờ, thay vì 7 giờ 30 phút như thường ngày. Buổi chiều, học sinh được chia nhóm nhỏ để ôn tập nhằm trang bị tốt nhất về kiến thức, kỹ năng cho các em…

Nhiều nhà trường đã chuẩn bị những phương án ôn tập cho học sinh lớp 9 bởi kết quả của kỳ thi này là chỉ số quan trọng làm nên thương hiệu của từng trường. Bà Nguyễn Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên (Đống Đa) bầy tỏ: Tôi rất chia sẻ và đồng cảm với tâm lý lo lắng của phụ huynh, học sinh lớp 9 bởi các em lần đầu tiên phải đối diện với kỳ thi có tính cạnh tranh cao, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường công chỉ có khoảng 62%, trong khi nguyện vọng thực tế cao hơn nhiều. Đặc biệt, các em lớp 9 năm nay phải trải qua 2 năm học tập với điều kiện học rất khó khăn, có những thời điểm phải dừng việc học ở trường, phải học trực tuyến, ảnh hưởng lớn tới tiếp thu kiến thức...

Trước thực tế đó, phụ huynh lo lắng tìm chỗ học cho con, nhiều trung tâm “tung” ra các “chiêu” hút học sinh, các em quay cuồng với lịch học chính, học thêm… Chia sẻ với lo lắng đó, tuy nhiên người đứng đầu Trường THPT Kim Liên phân tích: Qua các năm, đề thi đảm bảo yêu cầu mức độ phân loại học sinh. Mức độ đề sẽ có nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Trong đó, những câu hỏi nhận biết, thông hiểu chiếm tỷ lệ lớn, còn 2 mức độ còn lại điểm ít hơn. Vì vậy, các em cần học chăm chỉ, ôn luyện bám sát chương trình giáo dục của bậc THCS, tập trung ôn theo kế hoạch của nhà trường. Theo tôi những lớp học cấp tốc bên ngoài là không cần thiết.

Để thực hiện được mong ước tốt nhất cho các con, bà Nguyễn Thị Hiền cho rằng, phụ huynh cùng nhà trường cần chuẩn bị kỹ kiến thức để đáp ứng kỳ thi, thứ 2 cần chuẩn bị sức khỏe tốt cho các con, nhất là trong ngày hè nắng nóng. Học sinh học vất vả, áp lực, căng thẳng, vì vậy phụ huynh cần đồng hành cùng con trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để biết con mình đang ở đâu về năng lực nhận thức, năng lực tư duy, kỹ năng mà con mình đáp ứng được. Từ đó lựa chọn mục tiêu theo nguyện vọng 1, 2, 3 và đặc biệt cần chuẩn bị sẵn những… phương án dự phòng.

“Khi có phương án dự phòng tâm lý của phụ huynh đỡ áp lực, học sinh cũng cởi bỏ được tâm lý nặng nề mà ở tuổi đó các em khó vượt qua. Tôi mong muốn phụ huynh xác định đúng mục tiêu cho con mình để các em bước vào trường THPT với tâm lý tốt nhất, chuẩn bị cho kỳ thi tiếp theo là đại học để có hành trang vào cuộc sống với 1 nghề nghiệp được lựa chọn phù hợp, điều đó quan trọng hơn là bắt buộc phải vào 1 trường công lập, trường này, trường kia...” - bà Hiền nói.

Nỗ lực tối đa để có được “tấm vé” vào cánh cổng trường mình mong ước, nhưng theo các thầy cô giáo, các em cũng nên cân đối thời gian học với thời gian nghỉ ngơi để vừa giữ sức khỏe, vừa đạt hiệu quả học tập tốt nhất cho kỳ thi tới.

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm