Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Gặp thầy giáo mù trọn đời vì học sinh

Thứ tư, 19/11/2014 - 06:31

(Thanh tra) - Không gia đình riêng, thầy giáo mù coi trường học là nhà, học trò là con. 77 tuổi, thầy giáo già vẫn tình nguyện ở lại trường để chăm lo cho đàn con khiếm thị. Đó là thầy giáo mù Phạm Đình Thắng - "người cha" của hàng trăm học sinh khiếm thị Khu Nội trú Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội).

Thầy Phạm Đình Thắng (trái) bên người học trò cũ Phạm Quang Giang. Ảnh: Hải Hà

Trai Hà Thành 27 năm làm anh giáo vùng cao
 
Tiếp chúng tôi trong căn phòng nhỏ, nằm cuối khu nhà nội trú của Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, thầy Thắng kể lại câu chuyện về cuộc đời mình.
 
"Tôi là trai Hà Thành chính gốc, từ nhỏ đã ao ước được làm thầy giáo. Rời ghế trường phổ thông, tôi thi vào Trường Trung cấp Sư phạm Hà Nội - nơi bao kẻ "đang năm 3 đại học vẫn xin về học" vì ra trường, chắc suất dạy ở Thủ đô. Không thuận theo lẽ thường, năm 1960, tôi tốt nghiệp ra trường, vùng Việt Bắc lúc bấy giờ thiếu rất nhiều giáo viên. Nghe theo tiếng gọi của phong trào "ba sẵn sàng" tôi hăng hái lên đường. 10 năm làm anh giáo khắp các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn… Năm 1970, tôi được cử về nhận chức Hiệu trưởng THCS Đồng Văn (thị trấn Đồng Đăng, Lạng Sơn). Và trong suốt thời gian còn lại của 27 năm xa xứ, tôi đã gắn bó với ngôi trường này”.
 
Khi được hỏi cơ duyên nào đã đưa thầy về Hà Nội, thầy giáo già trầm ngâm: "Ngày được trở về của tôi không phải là ngày vui. 27 năm gắn bó với vùng cao, sống trong điều kiện thiếu thốn, đèn điện không có, lại ham đọc sách, đôi mắt vốn bị cận thị bẩm sinh của tôi ngày càng kém đi. Năm 1972, võng mạc mắt trái bị hỏng. Cộng thêm căn bệnh tiểu đường, khiến mắt phải của tôi bị đục thủy tinh thể”.
 
Rời mảnh đất đã gắn bó 1/3 quãng đời về Hà Nội trị bệnh, nhưng đôi mắt thầy đã hoàn toàn mất khả năng nhìn thấy ánh sáng. May mắn, thầy gặp lại người bạn học, hiện đang là Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu - ngôi trường duy nhất dạy văn hóa cho trẻ khiếm thị tại miền Bắc. Cảm mến trước đạo đức và năng lực sư phạm của thầy Thắng, người bạn cũ mời thầy về trường giảng dạy cho các em khiếm thị. Vậy là thầy Thắng có cơ hội để tiếp tục theo đuổi nghề sư phạm của mình ở một môi trường giáo dục hoàn toàn mới.
 
Trường là nhà, học trò là con
 
Những ngày đầu về trường, thầy Thắng phải dành nhiều thời gian bồi dưỡng nghiệp vụ, giảng dạy cho trẻ khiếm thị. Để tiện cho công việc, thầy chuyển vào ở hẳn căn phòng cuối dãy hành lang khu nội trú. Nơi đây trở thành ngôi nhà của thầy đến tận bây giờ
 
Sống trong khu nội trú, thầy Thắng hiểu hơn về cảnh ngộ của từng em. Thầy tâm sự: "Ông cha ta nói "giàu 2 con mắt, khó đôi bàn tay", các em khiếm thị lúc nào cũng sống trong bóng tối, thiệt thòi nhiều lắm. Nhiều em tự ti, mặc cảm "mù rồi, học thì làm gì?", "mù sao có hạnh phúc, có hôn nhân?", "làm sao để kiếm sống"... những câu hỏi ấy, làm tôi day dứt.
 
Mong muốn gúp các em vượt lên số phận, thầy đã mời những tấm gương người thật việc thật như bác Đồng - Trưởng ban Kiểm soát Hợp tác xã Hồ Gươm, dù bị mù nhưng vẫn làm việc, vẫn hạnh phúc cùng người vợ khiếm thị và những đứa con; như cô Lô - Chủ tịch Hội Người mù Ba Đình giỏi giang, lúc nào cũng cười lạc quan... đến nói chuyện để lấy lại niềm tin cho các em.
 
Không chỉ dạy văn hóa, thầy còn dạy nghề làm tăm tre, đan lát… để các em tự nuôi sống bản thân. Nhiều em có năng khiếu, được thầy mời người về dạy phụ đạo các lớp hội họa, âm nhạc. Từ những lớp học này, nhiều em đã thi được vào nhạc viện âm nhạc, ra trường sống được với nghề.
 
Năm 1994, thầy Thắng về nghỉ hưu, nhưng thầy tình nguyện ở lại để giúp đỡ học trò khiếm thị. Không có gia đình riêng, thầy coi khu nội trú là nhà, coi học sinh là những đứa con. Hiện, Khu nội trú có 104 em khiếm thị sinh sống, em nào cũng coi thầy là "pho từ điển sống", có gì không hiểu lại chạy xuống hỏi thầy.
 
Nói về học trò của mình, thầy Thắng không dấu nổi niềm vui: "Đã có nhiều học sinh khiếm thị trưởng thành từ mái trường này, như em Nguyễn Thị Mai, quê ở thị xã Sơn Tây nhận học bổng học thạc sỹ ở Mỹ, sau đó được mời ở lại làm giáo viên; hay thủ khoa khiếm thị Đại học Sư phạm Hà Nội Đào Thu Hương - 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của Thủ đô 2010... Các em là động lực để tôi bước tiếp trên con đường đầy trông gai này”.
 
Về thăm thầy giáo cũ, anh Phạm Quang Giang, công tác tại Hội Người mù Yên Khánh, Ninh Bình tâm sự: "Lúc còn học ở trường, tối nào tôi cũng xuống nghe thầy kể chuyện. Thầy chăm chút cho tôi từng bữa ăn, giấc ngủ. Tôi coi thầy như người cha. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nào, tôi cũng trở về mái trường xưa để thăm người thầy".
 
Không chỉ được học trò yêu quý, thầy Thắng còn là tấm gương mẫu mực cho thầy cô giáo noi theo. Cô Phạm Thị Kim Nga, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "5 năm về công tác tại ngôi trường này, tôi thực sự kính trọng thầy. Thầy tận tụy với công việc, luôn hết lòng vì học sinh. Mặc dù, ở cái tuổi được nghỉ ngơi, nhưng thầy không nề hà việc gì, không chỉ nhận nhiệm vụ quản lí khu nội trú, thầy còn phụ trách mảng hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh khiếm thị”.
 
Cống hiến cả đời cho sự nghiệp giáo dục, những năm cuối đời, thầy Thắng vẫn đau đáu nghĩ cho học sinh khiếm thị. Thầy nói: Điều tôi trăn trở nhất là hiện nay nước ta chưa có một hệ thống đào tạo nghề hoàn thiện cho học sinh khiếm thị. Bởi học sinh khiếm thị khi tốt nghiệp ra trường, bên cạnh việc công tác trong hội người mù và nghề xoa bóp bấm huyệt ra thì vẫn chưa có một nghề nào khác thích hợp hơn...".

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm