Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Điểm sàn 15,5: “Rộng cửa” vào đại học

Thứ sáu, 14/07/2017 - 12:31

(Thanh tra)- Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố điểm sàn xét tuyển đại học (ĐH) 2017 ở tất cả các tổ hợp là 15,5 (chưa nhân hệ số, chưa tính điểm ưu tiên). Với mức điểm này, nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, cánh cửa vào ĐH của thí sinh sẽ rất rộng mở.

Giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội tư vấn cho thí sinh tại ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH năm 2017. Ảnh: HH

Nhiều trường nhận hồ sơ bằng điểm sàn

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT chốt điểm sàn, nhiều trường ĐH đã công bố điểm nhận hồ sơ xét tuyển vào trường mình.

Một số trường ĐH top đầu như ĐH Bách khoa Hà Nội mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 21 -24 tùy từng ngành;  ĐH Ngoại thương có mức điểm từ 20,5-22,5; ĐH Kinh tế Quốc dân là 18 điểm…

Đáng lưu ý, nhiều trường ĐH thông báo nhận hồ sơ xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT như ĐH Thủy lợi, ĐH Kinh doanh và Công nghệ, Đại học Thành Tây, ĐH Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh, ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh; ĐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh…

Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải cơ sở tại Hà Nội mức điểm nhận hồ sơ dao động từ 16 - 18; hai cơ sở ở Vĩnh Phúc và Thái Nguyên có mức điểm nhận hồ sơ bằng mức điểm sàn.

ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh, điểm sàn năm nay của trường khá cao dao động từ 17 - 20 điểm.

Các chuyên gia giáo dục lưu ý, mặc dù các trường thông báo điểm nhận hồ sơ khá thấp, nhưng thí sinh cần tỉnh táo vì đây chỉ là mức điểm điều kiện tối thiểu để nộp hồ sơ vào trường. Thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn vào trường những năm gần đây để có quyết định phù hợp.

Trường top dưới không lo cạn nguồn tuyển

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, với điểm sàn là 15,5, thì cả nước có 535.798 thí sinh trên sàn, trong khi tổng chỉ tiêu vào ĐH năm nay là 332.496, như vậy hệ số dôi dư là 1,61. Điều này chứng tỏ nguồn tuyển cho các trường rất dồi dào.

Điểm sàn 15,5 nhiều trường top dưới lo ngại sẽ ảnh hưởng tới nguồn tuyển? Tuy nhiên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: Không ảnh hưởng gì. Bởi khi xác định điểm sàn như vậy đã phân tích số lượng thí sinh đạt được ngưỡng 25 điểm trở lên thì hệ số dư là 1,39, tức là dư 39%. Thực tế không có nghĩa là tất cả các thí sinh đều trúng tuyển bởi vì các cháu không đúng nguyện vọng thì không nộp hồ sơ. Năm ngoái chúng ta có hệ số dôi dư nâng lên đáng kể, trên 100.000 thí sinh trên điểm sàn, nhưng không đăng ký vào bất cứ trường nào. Vì vậy, số thí sinh dư còn rất lớn nên các trường top dưới, trường trung cấp không lo thiếu nguồn tuyển.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng cho biết: Bộ đã chạy thử phần mềm xét tuyển với mức điểm sàn 15,5 dựa trên cơ sở dữ liệu thí sinh đã đăng ký trước khi dự thi với kết quả thi thì có khoảng 90 trường đầu tiên sẽ tuyển đủ chỉ tiêu ngay từ đợt đầu tiên và có khoảng 83% thí sinh đỗ ngay đợt đầu tiên. 

Chia sẻ về nguồn tuyển của các trường top dưới, GS.TSKH Hồ Đắc Lộc - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh cho rằng: Điểm sàn 15,5 không hề ảnh hưởng tới công tác tuyển sinh của các trường top dưới vì căn cứ vào tổng chỉ tiêu với số thí sinh trên điểm sàn thấy rằng nếu tuyển hết vẫn có số dư. Qua chạy thử phần mềm của Bộ GD&ĐT cũng cho thấy, tất cả các trường trong cả nước sẽ tuyển được 83% tổng chỉ tiêu ngay đợt 1. Điều này chứng tỏ, nguồn tuyển rất dồi dào, còn tuyển được hay không lại phụ thuộc vào chất lượng của các trường và nguyện vọng của người học, như năm 2016 có tới hàng trăm ngàn thí sinh trên điểm sàn, nhưng các trường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Như vậy, có thể thấy tuyển đủ hay không nằm ở chính chất lượng của các trường, chứ không phải là điểm sàn bao nhiêu.

Cánh cửa ĐH... rộng mở

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: Năm 2017, cơ hội vào ĐH của các em rất là dồi dào. Có nhiều cơ hội trúng tuyển vào ngành, trường mình yêu thích, đặc biệt là năm nay không giới hạn nguyện vọng, cho nên các em đăng kí nhiều trường, nhiều ngành khác nhau. Ví dụ đăng ký ngành Quản trị kinh doanh thì các em có thể đăng ký ở nhiều trường khác nhau, sau đó nếu không trúng tuyển trường top trên thì có top giữa, rồi top dưới. 

Hơn nữa, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH luôn rất lớn, vấn đề là các em có nguyện vọng học hay không.

Để tăng cơ hội trúng tuyển, Thứ trưởng Ga khuyên: "Các em nên có sự dịch chuyển trong chọn trường, thường ở các thành phố lớn thì những học sinh giỏi đã đăng ký rồi, những em có điểm thấp hơn mà ở thành phố thì không có cơ hội cho nên phải tính đến việc ra các địa phương để tìm kiếm trường phù hợp hơn".

Đây là năm cuối cùng Bộ GD&ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho các trường ĐH. Từ năm 2018, các trường tự xác định điểm sàn. Theo các chuyên gia giáo dục, việc bỏ điểm sàn là việc làm tích cực để tăng quyền tự chủ cho các trường, đồng thời cơ hội cho thí sinh cũng sẽ tăng lên. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo sẽ có 1 số cơ sở sẽ tuyển những thí sinh không đạt điều kiện cần tối thiểu để lấp đầy chỉ tiêu...

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.

Trần Kiên

12:26 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm