Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đào tạo thạc sĩ: “Vào - ra”… quá “thoáng”

Thứ ba, 21/11/2017 - 06:35

(Thanh tra)- Đào tạo thạc sĩ (Ths) của Việt Nam đang tồn tại một thực tế đáng lo ngại là chương trình ôn và thi tuyển đầu vào “quá thoáng”, nhiều cơ sở đào tạo chủ động cắt xén chương trình, rồi đến cả hội đồng đánh giá luận văn cũng… “giơ cao đánh khẽ”.

Đào tạo thạc sĩ ở Việt Nam đang tồn tại một thực tế đáng lo ngại là: “Vào - ra”… quá “thoáng”. Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Cung vượt cầu

Theo các chuyên gia giáo dục, nhìn chung, chất lượng tuyển đầu vào cao học của các cơ sở công lập trước đây là khá tốt do những năm này còn ít cơ sở được cấp phép đào tạo hệ sau đại học (ĐH), chỉ tiêu đào tạo ít, trong khi nhu cầu học của xã hội lại khá cao. “Cung luôn nhỏ hơn cầu”, tính cạnh tranh đầu vào rất cao thường 3 người dự thi mà chỉ tiêu chỉ có 1.

PGS.TS Tô Đức Hạnh, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ: Năm 2011, ĐH Kinh tế quốc dân có tới 4.908 hồ sơ dự thi, thí sinh có mặt là 3.823, nhưng chỉ tiêu chỉ có 1.250. Nhưng đáng buồn là hiện tượng này đã giảm dần và từ năm 2015 đến nay, số hồ sơ xin dự thi và chỉ tiêu đã bằng nhau. Thậm chí, có cơ sở đào tạo hồ sơ còn ít hơn chỉ tiêu tuyển sinh.

Vậy số thí sinh đi đâu, trong khi nhu cầu học Ths vẫn rất lớn. Theo PGS.TS Tô Đức Hạnh: Học viên đăng ký vào các cơ sở ngoài công lập tăng lên. Một số trường ĐH ngoài công lập ở miền Trung mỗi năm tuyển 450 chỉ tiêu, nhưng số người dự thi luôn cao gấp đôi. Chỉ mới thành lập trong vòng 7 năm, một trường ĐH tư thục tại TP Hồ Chí Minh đã được cấp phép đào tạo Ths 10 chuyên ngành với chỉ tiêu tuyển mỗi năm 400 - 600 người. Trong đó, ngành Quản trị kinh doanh tỷ lệ chọi luôn ở mức cao 3 thí sinh/chỉ tiêu.

Đáng chú ý, có những trường ĐH ngoài công lập nhiều năm không tuyển sinh được sinh viên hệ ĐH, nhưng vẫn được cấp phép đào tạo Ths mà chỉ tiêu lại nhiều. Có trường kỹ thuật cũng được phép đào tạo Ths kinh tế…

“Tôi cho rằng, chính việc này đã làm “cung lớn hơn cầu” trong đào tạo Ths, góp phần làm cho các cơ sở đào tạo thực hiện cơ chế “thoáng” để thu hút người học, mà quên đi chất lượng đào tạo. Đây chính là hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh trong đào tạo Ths hiện nay. Sự cạnh tranh này dẫn tới hệ quả: Cơ sở đào tạo chất lượng thấp thì thu hút nhiều người học - đây là hiện tượng “lạ” trên thế giới”, PGS.TS Tô Đức Hạnh nhấn mạnh.

Đã “vào” là “ra”

Tại sao lại có hiện tượng “lạ đời” như vậy? Một trong những nguyên nhân quan trọng được các chuyên gia chỉ ra là do cơ chế “vào -ra”… quá “thoáng”.

PGS.TS Tô Đức Hạnh nêu thực tế: Để thu hút học viên theo học Ths, nhiều cơ sở đào tạo sau ĐH mặc dù công bố công khai chương trình ôn thi rộng, nhưng thực tế lại rút ngắn chương trình ôn thi của từng môn học. Giáo viên lại là người vừa ôn thi vừa là người ra đề thi, vừa là người chấm thi đầu vào. Hầu như chỉ ôn 1 số nội dung đủ để ra đề thi. Do đó, thi cao học rất dễ đỗ, đa số người được hỏi đều cho rằng thi cao học dễ như thi đầu vào hệ tại chức trước đây!.

Theo PGS.TS Phạm Quang Huấn: Vào cao học chỉ thi 2 môn và chỉ cần đạt tổng điểm 10 là đủ để trúng tuyển nên để đỗ được khá dễ dàng. Kỳ thi đầu vào cao học khóa 10 năm 2015 tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chuyên ngành Quản trị kinh doanh đỗ 99,6%; chuyên ngành Tài chính ngân hàng kế toán 99%, còn ngành Kỹ thuật phần mềm 97,6%. Kết quả thi tiếng Anh còn ấn tượng hơn thí sinh đã thi đều đạt từ 51-93/100 điểm.

Thi đầu vào đã dễ đến khi học có sở còn cắt xén chương trình, dạy chương trình không qua thẩm định. Đơn cử như Học viện Khoa học xã hội, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã chỉ ra chương trình đào tạo Ths của 36 chuyên ngành đã được ban hành nhưng quy trình xây dựng và thẩm định chưa được thực theo đúng quy định. Học viện cũng chưa có chuẩn đầu ra cho các chương trình đào tạo.

Không chỉ đầu vào “thoáng”, mà đầu ra Ths cũng rất “thoáng”, hội đồng chấm luận văn còn “giơ cao đánh khẽ”.

PGS.TS Phạm Quang Huấn chia sẻ: Trong 1 lần bảo vệ có 5 luận văn, Hội đồng đã quyết định không cho bảo vệ 2 luận văn, 3 luận văn còn lại cũng có chất lượng rất kém, nhưng chẳng lẽ lại không cho bảo vệ tiếp. Khi lên bảo vệ có học viên không trả lời được bất cứ câu hỏi nào liên quan đến luận văn của Hội đồng, kể cả những câu hỏi của các thầy giáo phản biện đã cho trước. Có học viên viết về “Lao động và các biện pháp nâng cao chất lượng lao động tại…” nhưng không trả lời được câu hỏi: năng suất lao động là gì và cách tính năng suất lao động như thế nào?.

Nhiều GS, PGS khác cũng chia sẻ, hiện nay rất hy hữu mới có học viên không thể ra trường vì luận văn không đạt. Thậm chí có người còn phải thốt lên “việc ngồi hội đồng chỉ là thủ tục hình thức”…!

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm