Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chuyện sex ở giảng đường

Chủ nhật, 19/04/2015 - 17:00

Khi nhà soạn kịch Stephen Lowe được Trường Nghệ thuật Dartington mời tới giảng dạy, ông chỉ mong công việc này sẽ hỗ trợ sự nghiệp của ông ở nhà hát. Nhưng ông không đoán được rằng sẽ gặp người bạn đời của mình ở đó. Lowe, lúc đó 31 tuổi đã phải lòng cô sinh viên 21 tuổi Tanya Myers. Vài năm sau, họ vẫn sống và làm việc cùng nhau và hiện tại đã có 2 con.

Nghe có vẻ giống tiểu thuyết nhưng những câu chuyện như của Lowe không phải là hiếm.

Yếu tố địa lý

Alan Ryan – giám đốc New College, Oxford chia sẻ rằng ông đã chứng kiến quá nhiều giảng viên có quan hệ tình ái với sinh viên, kể cả là sinh viên của chính họ và sinh viên của đồng nghiệp. Nhớ lại thời kỳ đầu trong nghiệp giảng dạy của mình ở ĐH Keele, ông nói: “Thời trẻ, khả năng chống lại những cám dỗ không được tốt cho lắm. Vì tôi bắt đầu đi dạy từ đầu những năm 60 nên giảng viên mới vào trường gần như chỉ nhiều hơn sinh viên năm cuối vài tuổi”.

“Trong số những mối tình mà tôi nhớ, có nhiều trường hợp thu quả ngọt là những cuộc hôn nhân hạnh phúc, nhưng cũng có nhiều mối quan hệ chỉ đơn giản là qua đường. Tất nhiên, cũng có những nhân vật kỳ lạ - những người không nằm trong 2 trường hợp này. Nhà triết học Freddie (A.J.) Ayer từng lên giường với bất cứ ai sẵn lòng đồng ý, và rất nhiều phụ nữ trẻ cảm thấy vui khi được ghi tên ông vào danh sách những giáo sư nổi tiếng mà họ từng ngủ cùng”.

Tuy nhiên, vấn đề này đang ngày càng bị thắt chặt hơn. Giống như các trường của Mỹ, các trường của Anh đang bắt đầu soi xét mối quan hệ này. Họ đặt ra các quy định để hạn chế tình trạng mà người ta vẫn nói “an A for a lay” (mỗi lần lên giường là một điểm A). Và những câu hỏi về đạo đức, về trách nhiệm, về tình dục và về sư phạm lại được đặt ra.

Ông Ryan nói: “Việc cả hai bên dễ rơi vào mối quan hệ này là do yếu tố địa lý. Nếu như bạn chỉ quanh quẩn trong khuôn viên trường thì bạn dễ lên giường với ai nhất?”

Hãy công khai nó

Khi Lowe và Myers bắt đầu mối quan hệ này, họ không vấp phải bất kỳ sự phản đối nào từ phía Trường Dartington. Họ chỉ đơn giản là công khai mối quan hệ của mình và Lowe sẽ từ chối nếu phải chấm bài cho Myers. Tuy nhiên, ông Lowe cho rằng ngày nay mối quan hệ như của họ sẽ không được tán thành. Tuy vậy, những quy định hà khắc nhằm ngăn chặn tình thầy trò trong trường đại học cũng không có nhiều tác dụng.

“Nó sẽ không ngăn được chúng tôi” – ông nói. “Đó là mối quan hệ giữa 2 người trưởng thành. Tất cả sinh viên đều trên 18 tuổi. Họ là những người trưởng thành theo cách mà chúng ta công nhận. Tôi đã đi dạy rất nhiều nơi nhưng chưa từng thấy giảng viên nào không đồng tình với tôi”.

“Nếu có chuyện tình cảm giữa giảng viên và sinh viên, vấn đề chủ chốt là giảng viên đó có sử dụng mối quan hệ vì lợi ích của sinh viên hay không. Chúng ta chỉ cần công khai mối quan hệ đó” – ông Lowe khẳng định.

Lên giường không phải chỉ để nâng điểm

Đối với Jane Gallop – giáo sư môn tiếng Anh và Văn học đối chiếu tại ĐH Wisconsin-Milwaukee (Mỹ) thì các chính sách cứng rắn đối với tình thầy trò đang gây ảnh hưởng tới khả năng giảng dạy của giảng viên.

Trong cuốn sách mang tên “Những người phụ nữ bị buộc tội quấy rối tình dục”, bà viết: “Mối quan hệ giảng viên – sinh viên thực sự là mối quan hệ tình ái đồng thuận”.

Bà Gallop đã rất thẳng thắn khi nói về mối quan hệ của mình với cả các nam sinh, nữ sinh và với cả các giảng viên khi bà còn là sinh viên. Bà từng lên giường với 2 người đàn ông ngồi trong hội đồng chấm luận án.

“Tôi nghĩ là tôi muốn lên giường với họ để khiến họ ‘con người’ hơn, dễ tổn thương hơn. Cả hai người này đều có quyền lực rất lớn đối với tôi. Ý tôi không phải là vì vị trí của họ trong trường mà là sức mạnh trí tuệ của họ. Tôi bị đánh gục bởi trí tuệ của họ. Họ có vẻ rất siêu đẳng. Tôi muốn nhìn thấy họ trần trụi để thấy họ cũng giống như những người đàn ông khác. Lên giường không phải để mỗi lần nói chuyện với họ không cần phải nghiêm túc như các trí thức (tôi chưa từng làm vậy), mà để cảm thấy sức mạnh của bản thân tôi trong mối quan hệ đó” – bà nói.

Bà Gallop từng bị buộc tội quấy rối tình dục bởi một nữ sinh 30 tuổi mà bà thừa nhận là từng có ve vãn, tán tỉnh. Lúc đó bà 38 tuổi.

“Tôi không lên giường, không hẹn hò hay tìm cách để quan hệ tình dục với bất kỳ sinh viên nào. Nữ sinh đó tức giận vì tôi không chấp nhận bài vở kém chất lượng mà cô ấy đang làm. Và thay vì cố gắng cải thiện, cô ấy buộc tội tôi quấy rối tình dục. Cô ấy nói tôi đang cố ngủ với cô ấy và tôi sử dụng bài vở để gây áp lực và trả thù cô ấy” – bà Gallop nói.

“Mặc dù nhà trường không tìm thấy bằng chứng cho lời buộc tội đó nhưng tôi bị khiển trách vì đã có mối quan hệ không nghiêm túc với sinh viên. Ngoại trừ những người bạn thân thì các đồng nghiệp có vẻ rất thích thú khi tán chuyện về đồng tính nữ và sỉ nhục một giáo sư khác biệt”.

Bà Gallop tin rằng những biện pháp ngăn chặn mối quan hệ thầy trò sẽ không chỉ không thành công mà còn phá hủy sự hòa hợp về mặt sư phạm giữa 2 đối tượng này.

“Tôi lo ngại rằng những quy định này sẽ buộc giảng viên phải cảnh giác với bất kỳ mối quan hệ riêng tư hay phức tạp nào, mà những mối quan hệ như thế - theo kinh nghiệm 40 năm giảng dạy của tôi – lại là điển hình cho mối quan hệ tốt nhất và ý nghĩa nhất về mặt sư phạm. Tôi e ngại rằng các quy định sẽ biến những mối quan hệ có khả năng thay đổi cuộc sống thành mối quan hệ giữa kẻ bán người mua (kiến thức) như trong kinh doanh”.

Những con số biết nói

Ảnh minh họa

Năm 2005, khảo sát của Mạng lưới hỗ trợ giáo viên cho biết 18% người được hỏi nói rằng họ đã từng có mối quan hệ tình ái với sinh viên. Tuy vậy, chỉ có 73 trường hợp được báo cáo chính thức và chỉ có 5 trường hợp trong số đó được xác định là có yếu tố tình cảm thực sự. 62% người được hỏi nói rằng họ không biết trường mà họ đang làm việc có quy định nào về vấn đề này hay không.

Cách đây một thập kỷ, trường hợp của Paul Norris – lúc đó là giảng viên khoa học xã hội ở ĐH Southampton Solent – đã gây rất nhiều tranh cãi khi ông bỏ vợ để đến với một sinh viên. Trước đó, ông từng bị nhà trường kỷ luật vào năm 1992 vì có quan hệ với một sinh viên trong lớp học mà ông vừa dạy vừa chịu trách nhiệm đánh giá. Vợ ông – người tuyên bố sẽ thành lập một nhóm hỗ trợ những người phụ nữ khác cũng rơi vào hoàn cảnh của mình – khẳng định rằng các giảng viên “coi việc quan hệ với sinh viên là một đặc quyền của công việc này”.

Một giảng viên cấp cao khác hiện đang làm việc ở London nói rằng cô đã chứng kiến quá nhiều người trẻ suy sụp khi mối quan hệ với giảng viên tan vỡ. Nhưng khi cô thực hiện khảo sát với một nhóm sinh viên và giảng viên, chỉ có 2 người trong số đó cảm thấy mối quan hệ này là sai trái – một con số mà cô không thể hiểu nổi. Cô nói rằng mối quan hệ này hình thành vì giảng viên đã lợi dụng sự ngây thơ của sinh viên hoặc sinh viên có mục đích riêng của mình.

Giảng đường có nên là đồn cảnh sát?

Brian Martin – giảng viên khoa Khoa học và Công nghệ thuộc ĐH Wollongong, Úc nói rằng ông không tin tưởng các quy định trong trường đại học. “Nhiều quy định tồn tại nhưng tôi không thấy có bất kỳ nghiên cứu nào xem xem nó có được thực thi không”.

Một đại biểu sinh viên cho một tổ chức ở London nói: “Cá nhân tôi không nghĩ rằng đó là vấn đề. Mặc dù tôi thực sự cho rằng đó là lạm dụng quyền lực, nhưng nó là một phần của cuộc sống. Giống như việc luôn có những mối quan hệ trong công sở. Họ ngủ với ai theo cách của họ để leo lên vị trí cao hơn. Vậy tại sao trong giới học thuật vấn đề này lại phải khác đi?”

Hiệp hội các trường đại học Vương quốc Anh cho rằng việc đưa ra các quy định nên để mỗi trường tự quyết. Sẽ không có những hướng dẫn hay gợi ý có sẵn nào cho các trường, tuy nhiên trên quy mô toàn quốc, Cơ quan Đánh giá độc lập có thể can thiệp vào những trường hợp được tuyên bố là quấy rối tình dục và khi bản thân trường đại học không thể giải quyết được vụ việc đó.

Việc “giám sát” chặt chẽ các mối quan hệ sẽ khiến nhiều giảng viên trở nên lạnh lùng với sinh viên, nhưng trước nguy cơ quấy rối tình dục ngày càng phổ biến trong môi trường học thuật thì các trường cũng không thể làm khác. Tuy nhiên, cũng nên nhớ rằng hầu hết mọi người sẽ không chọn bắt đầu một mối quan hệ ở nơi làm việc hay với một người mà họ có trách nhiệm quản lý hoặc giảng dạy trực tiếp. Như Lowe từng nói về kinh nghiệm của chính mình: “Đó là một nơi khó khăn để có một mối quan hệ. Bất cứ điều gì bạn làm cũng sẽ khiến bạn phải ngại ngùng”.

Với suy nghĩ đó, các học giả cho rằng nên thực thi các quy định một cách nhẹ nhàng. Mary Beard – giáo sư ngành Cổ điển học tại ĐH Newnham, Cambridge khẳng định: “Tôi cho rằng một trường đại học mà giống như đồn cảnh sát – nơi mà ai cũng “đánh hơi” xem thầy X gần gũi với em Y đến mức nào - là không nên”.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm