Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần chấm xác suất lại ít nhất 25 - 30% số tỉnh, thành

Thứ năm, 19/07/2018 - 19:43

(Thanh tra)- Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) khẳng định, hình thức thi THPT Quốc gia vẫn được duy trì ít nhất trong 2 năm tới. Tuy nhiên, vụ "phù phép" điểm thi THPT Quốc gia ở Hà Giang đã cho thấy "lỗ hổng" quá lớn của kỳ thi này.

Điểm thi ở Hà Giang có sự chênh lệch lớn khi được chấm lại. Ảnh: Zing.vn

Câu hỏi đặt ra: Liệu chỉ riêng Hà Giang hay còn địa phương nào khác? Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, để lấy lại niềm tin của xã hội, cần thanh tra và công bố công khai điểm thi ở các tỉnh, thành có phổ điểm bất thường.

Yêu cầu kiểm điểm 2 cán bộ thanh tra

Thanh tra Bộ GD&ĐT vừa có văn bản yêu cầu xử lý 2 cán bộ của Trường Đại học (ĐH) Tân Trào làm nhiệm vụ tại Hà Giang trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018.

Kỳ thi THPT Quốc gia 2018, bên cạnh lực lượng thanh tra cơ động theo khu vực, Bộ GD&ĐT yêu cầu tại mỗi điểm thi có 2 thanh tra cắm chốt. Bộ cũng cử cán bộ thanh tra các trường ĐH giám sát công tác chấm thi tại địa phương. 

Hội đồng thi THPT Quốc gia 2018 tại Hà Giang, Bộ GD&ĐT phân công 2 cán bộ Trường ĐH Tần Trào lên làm nhiệm vụ thanh tra công tác chấm thi.

Theo nguồn tin của Báo Thanh tra, trong buổi chấm thi sáng 2/7 (từ 7 giờ 30 đến 14 giờ 30), 2 cán bộ thanh tra chấm thi này đều xin phép nghỉ không có mặt để về Trường ĐH Tân Trào họp theo yêu cầu của Hiệu trưởng. Dù vắng mặt thanh tra bộ cắm chốt, nhưng Hà Giang vẫn tiến hành xử lý chấm bài thi trắc nghiệm.

Được biết, đây là buổi họp lấy phiếu tín nhiệm, 2 cán bộ này là lãnh đạo cấp phòng nên thuộc diện bỏ phiếu.

Điều đáng nói là, 2 cán bộ bỏ vị trí nhưng không báo cáo về bộ để tăng cường người khác giám sát.

Việc làm này vi phạm quy chế thi. Vì vậy, Bộ GD&ĐT yêu cầu Trường ĐH Tân Trào phải kiểm điểm 2 cán bộ trên. 

Ngoài ra, Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu tất cả nhóm thanh tra phải báo cáo tình hình và kết quả nhiệm vụ để tổng hợp kịp thời xử lý nếu có vi phạm xảy ra.

Theo quy chế thi, bộ cũng cử 2 cán bộ thanh tra cắm chốt tại mỗi hội đồng; 2 cán bộ này được trưng tập từ các trường đại học và đã được tập huấn cụ thể. Nhiệm vụ của cán bộ thanh tra là kiểm tra, giám sát toàn bộ quá trình chấm thi, khác với nhiệm vụ của thanh tra Sở GD-ĐT là phải giám sát trực tiếp cùng cán bộ công an. Theo quy định, các cán bộ thanh tra này phải làm việc liên tục trong quá trình chấm thi.

Năm nay, Thanh tra bộ triệu tập 126 cán bộ từ các trường ĐH làm nhiệm vụ thanh tra chấm thi tại 63 Hội đồng thi trong cả nước.

Thanh tra địa phương có phổ điểm bất thường

Không chỉ phụ huynh mà nguyên lãnh đạo ngành Giáo dục cũng cho rằng, phải thanh tra ít nhất điểm thi của 25 - 30% các tỉnh, thành và công bố công khai cho xã hội biết. Có như vậy mới lấy lại được niềm tin của xã hội với kỳ thi sẽ còn được tổ chức trong 2 năm tới.

Công tác lâu năm trong ngành Giáo dục, ông Trần Văn Độ - nguyên Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT TP Hải Phòng khẳng định: Việc hô biến điểm thi của 1 bài thi trong vòng 6 giây là hoàn toàn có thể xảy ra, nên tôi không hề bất ngờ, nếu cố tình làm có thể làm được ngay. “Việc quay cóp lẻ tẻ là lỗi mà trong đời học sinh nhiều người mắc phải. Nhưng đối với kỳ thi lớn, những người lãnh đạo hội đồng thi hoặc người làm trực tiếp mà tiêu cực thì rất nguy hiểm, vì tiêu cực đó xảy ra hàng loạt chứ không dừng lại ở 1 vài trường hợp đơn lẻ”, ông Độ bày tỏ.

Từng tham gia làm thi ở kỳ thi THPT Quốc gia, ông Độ cho rằng: Quy trình chấm thi trắc nghiệm của Bộ GD&ĐT vẫn còn những “lỗ hổng”. Ví dụ số lượng người vào làm thi khi chấm trắc nghiệm quá ít nên rất dễ dàng thông đồng với nhau để gian lận.

“Tôi khẳng định, 1 cá nhân thì không dám làm hết, mà cũng không thể nào làm được khi không có sự chỉ đạo của cấp trên. Vì vậy, cần phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu, Chủ tịch Hội đồng thi, lãnh đạo Ban Chấm thi. Đặc biệt là Trưởng ban Chấm thi (thường là 1 Phó Giám đốc Sở) có trách nhiệm rất nặng”, ông Độ nhấn mạnh.

Trước câu hỏi dư luận hoài nghi về tính chính xác trong điểm thi của kỳ thi này, liệu có 1 Hà Giang khác hay không? Ông Độ cho biết: Để kỳ thi năm sau diễn ra nghiêm túc, lấy lại niềm tin của xã hội, Bộ GD&ĐT cần căn cứ vào phổ điểm, chấm lại những tỉnh, thành có phổ điểm bất thường. Nên chấm xác suất lại ít nhất 25 - 30% số tỉnh, thành. Sau đó, công bố công khai cho dư luận biết.

“Việc chấm lại không tốn quá nhiều thời gian, công sức. Chỉ cần có file quét là CD gốc, thì việc chấm lại sẽ rất nhanh chỉ mất khoảng 1 tiếng là xong”, ông Độ chia sẻ.

Một phụ huynh ở Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ: Con trai chị thi khối A1 được 24,7 điểm. Điểm thi sát với lực học của cháu ở trường. Tuy nhiên, nghe tin ở Hà Giang chị thấy thực sự không tin trong môi trường giáo dục lại có gian lận trắng trợn như vậy. Thiết nghĩ, Bộ GD&ĐT cần thanh tra lại toàn điện điểm thi của các tỉnh, để bảo đảm công bằng cho thí sinh, đồng thời lấy lại niềm tin cho xã hội.

Đó cũng là mong muốn của ông Trần Văn Nhân (Yên Phong, Bắc Ninh) có con gái dự thi vào Khoa tiếng Nhật, ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội). Cháu thi được 23,01 điểm, nhân đôi môn ngoại ngữ là được 31 điểm. Nhưng năm ngoái điểm chuẩn vào khoa này là 32 điểm. Với mức điểm "chới với" này ông Nhân lo lắng cho "cánh cửa" vào ĐH Ngoại ngữ của con gái mình.

“Thi cử quan trọng nhất là tính công bằng. Vì vậy, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra không chỉ công tác coi thi mà cả chấm thi”, ông Nhân nêu quan điểm.

Chấm lại các bài thi THPT tại Sơn La ngay trong đêm 19/7

Chiều 19/7, Tổ công tác của Bộ GD&ĐT do ông Mai Văn Trinh, Cục Trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, làm Trưởng đoàn đã làm việc với Sở GD&ĐT Sơn La về xác minh những bất thường liên quan đến vấn đề điểm thi THPT Quốc gia 2018. 

Theo kế hoạch, Tổ công tác của Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành chấm lại các bài thi ngay trong đêm 19/7, nhằm xác minh những nghi vấn liên quan đến kết quả thi THPT Quốc gia tại tỉnh Sơn La.

Tại Sở GD&ĐT Sơn La, trong chiều 19/7, các giáo viên chấm thi đã được triệu tập đến để phục vụ công tác kiểm tra, xác minh. Dự kiến, kết quả kiểm tra, xác minh sẽ được tổ công tác công bố trong thời gian sớm nhất. 

Hiện nay, dư luận tại tỉnh Sơn La đang hết sức quan tâm đến vấn đề kiểm tra, xác minh kết quả thi THPT Quốc gia tại tỉnh Sơn La.

Theo phổ điểm của Bộ GD&ĐT, tỉnh miền núi Sơn La có điểm trung bình tất cả môn thi THPT Quốc gia là 4,21, thấp nhất cả nước. Điểm trung bình môn Toán, Địa lý, Giáo dục Công dân xếp cuối cùng trong 63 tỉnh, thành; Ngoại ngữ, Vật lý đứng thứ 62; Ngữ văn, Hóa học, Lịch sử thứ 61 và Sinh học thứ 51. Tuy nhiên, tỷ lệ thí sinh Sơn La đạt điểm từ 9 trở lên với môn Toán và Vật lý vượt xa một số địa phương có truyền thống học tốt. Riêng môn Toán, Sơn La có 30 em đạt điểm từ 9 trở lên, chiếm gần 0,3%.

Sẽ không có vùng cấm trong xử lý vi phạm

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ - Trưởng Ban chỉ đạo THPT Quốc gia năm 2018 đối với trường hợp giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vi phạm nghiêm trọng quy chế thi tại cuộc họp với lãnh đạo Ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia năm 2018 và các đơn vị liên quan, diễn ra chiều 19/7.

Sự việc xảy ra tại Hà Giang vừa qua là cảnh tỉnh đối với những người làm công tác tổ chức thi. Nhằm đảm bảo sự khách quan, trung thực, công bằng của Kỳ thi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chấm thẩm định bài thi Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 theo đúng Quy chế thi THPT Quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT hiện hành.

“Trong quá trình chấm thẩm định nếu phát hiện sai phạm sẽ kiên quyết xử lý, đồng thời phối hợp với cơ quan công an khẩn trương làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Cương quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vi phạm nghiêm trọng quy chế thi. Đối với thí sinh, khi có kết quả chấm thẩm định phát hiện sai phạm, cho dù đã nhập học sau đợt xét tuyển đại học, cao đẳng tới đây thì vẫn phải xử lý nghiêm theo đúng quy chế thi”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tại cuộc họp này, Bộ trưởng cũng yêu cầu Thanh tra bộ kiểm tra, đề nghị xử lý nghiêm những trường hợp được giao nhiệm vụ thanh tra, giám sát trong quá trình chấm thi bỏ vị trí, không hoàn thành nhiệm vụ.

“Chúng ta quyết tâm làm nghiêm túc để trả lại công bằng cho học sinh, niềm tin cho nhân dân đối với một kỳ thi mà chính học sinh, phụ huynh, giáo viên và nhân dân đã ủng hộ và đồng hành. Sẽ không có vùng cấm trong xử lý vi phạm”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.

Sau vụ "phù phép" điểm thi tại Hà Giang, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã ký quyết định thành lập 2 Tổ công tác xác minh kết quả bất thường kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Sơn La và Lạng Sơn. Như vậy, chỉ trong 1 tuần đã có 3 Tổ công tác được thành lập để xác minh những dấu hiệu bất thường kết quả thi.


Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm