Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Các trường cao đẳng khan hiếm nguồn tuyển

Thứ hai, 14/07/2014 - 15:45

(Thanh tra) - Sáng nay (14/7), thí sinh dự thi hệ cao đẳng (CĐ) đã đến trường làm thủ tục thi. Đợt này, thí sinh dự thi ở 5 khối: A, A1, B, C, D.

Thí sinh đăng ký dự thi vào các trường cao đẳng sụt giảm từ khi khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có Thông tư 55 "siết" quy chế liên thông lên đại học. Ảnh: HH

Trong sáng nay, thí sinh có mặt tại điểm thi để rà soát lại số báo danh, phòng thi, giấy báo dự thi và nghe cán bộ coi thi phổ biến quy chế thi và sửa chữa thông tin hồ sơ dự thi nếu có sai sót.

Ghi nhận tại một số trường CĐ có “thâm niên” trên địa bàn TP Hà Nội như Trường CĐ Kinh tế Công nghiệp Hà Nội, Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại, Trường CĐ Cộng Đồng cho thấy, lượng hồ sơ đăng ký vào các trường này sụt giảm trông thấy.

Hồ sơ sụt giảm

Tại Trường CĐ Kinh tế Công nghiệp Hà Nội, thầy Dương Đức Chính, Hiệu trưởng cho biết: Trường có bề dày 53 năm xây dựng và trưởng thành, hàng năm trường có lượng hồ sơ đăng ký rất đông, thuộc tốp đầu các trường CĐ.

Tuy nhiên, năm nay số hồ sơ đăng ký sụt giảm mạnh, chỉ có tổng số 1.310 hồ sơ đăng ký. Mùa tuyển sinh 2013, trường phải tổ chức tới 400 phòng thi tại 19 điểm thi thì năm nay chỉ có 37 phòng thi tại 1 điểm thi duy nhất là tại trường. Hai ngành "hot" nhất của trường vẫn là Kế toán và Tài chính - Ngân hàng.

Kết thúc buổi làm thủ tục sáng nay, trường chỉ có 412 em đến làm thủ tục, đạt tỷ lệ 31,45%. 

Sáng mai, trước buổi thi đầu tiên, trường sẽ tiếp tục làm thủ tục đăng ký dự thi cho thí sinh

Tại Trường CĐ Cộng đồng Hà Nội tình hình cũng không khả quan hơn. Thầy Nguyễn Phúc Đức, Phó Hiệu trưởng cho biết: Năm nay, tổng số hồ sơ đăng ký vào trường chỉ có 929 hồ sơ, giảm 1.324 so với năm ngoái. Trường chỉ có 29 phòng thi tại 1 điểm duy nhất. Sau khi kết thúc buổi làm thủ tục sáng nay trường tiếp nhận 489 thí sinh đến đăng ký dự thi, đạt tỷ lệ 52,64%.

Số hồ sơ đăng ký dự thi thấp, tỷ lệ thí sinh đến làm thủ tục chỉ đạt khoảng 50% là tình cảnh chung tại nhiều trường CĐ tổ chức thi năm nay. 

Tại Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại, thầy Đặng Văn Tung, Trưởng phòng Đào tạo cho biết: Năm nay, trường có tổng số 1.200 hồ sơ đăng ký (giảm 600 bộ hồ sơ so với năm 2013), trường tổ chức 30 phòng thi tại 2 điểm thi (20 phòng tại trường và 10 phòng tại Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Thương mại Hà Nội).

Ngoài tổ chức thi, trường còn tổ chức xét tuyển dựa trên ngưỡng quy định điểm chuẩn đầu vào của Bộ Giáo dục và Đào tạo (mọi năm căn cứ vào điểm sàn). Năm nay, chỉ tiêu xét tuyển đầu vào của trường vào hệ CĐ chính quy là 2.000 chỉ tiêu, trung cấp 1.000 chỉ tiêu. Tuy nhiên, thầy Tung cho biết, con số này khó thành hiện thực.

Loay hoay tìm... "đường sống"

Nguồn tuyển khan hiếm, nhiều trường CĐ rơi vào tình cảnh "sống dở chết dở". Để thoát khỏi tình trạng khó khăn này, các trường đang phải tìm mọi cách để tự cứu mình.

Tại Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại, thầy Tung chia sẻ, những năm trước, nhà trường chỉ tổ chức xét tuyển không thi, nhưng nguồn tuyển luôn dồi dào. Từ năm 2013, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có Thông tư 55 "siết" quy chế liên thông lên đại học thì lượng thí sinh đăng ký vào trường sụt giảm mạnh, thậm chí trong năm 2013 có 200 em sinh viên đang theo học tại trường còn bỏ học để ở nhà ôn thi lại đại học.

Để thoát khỏi tình cảnh trên, năm 2014, trường mở rộng diện thi và xét tuyển ở cả 2 khối là A và D1 (trước chỉ khối A).

Bên cạnh đó, nhà trường còn thay đổi cách thức "chiêu sinh", trường phối hợp với các trường THPT để đến thời gian học sinh làm hồ sơ, trường sẽ cử đội sinh viên tình nguyện xuống các trường THPT để tư vấn, hướng nghiệp cho các em học sinh.

Ngoài ra, trường cũng tăng cường tuyên truyền, quảng bá trên báo đài thông tin, hình ảnh về nhà trường để "hút" học sinh.

Thầy Tung nhấn mạnh, để “sống thọ”, “sống khỏe”, biện pháp quan trọng nhất là thay đổi hình thức đào tạo để cho ra “lò” những “sản phẩm” có chất lượng. Xác định được điều đó, trong năm học 2014, trường đã đào tạo theo hướng tăng thời gian học thực hành, giảm lý thuyết. Trước lý thuyết chiếm tới 70% thì giờ thực hành tăng lên 50 - 60%. Hình thức thi cũng thay đổi, trước đây chỉ thi viết là chủ yếu thì giờ kết hợp thi cả vấn đáp và thực hành. Trường có các phòng thực hành riêng cho từng khoa, ví dụ: Khoa Khách sạn du lịch phòng thực hành có buồng ba, bếp nấu, lễ tân để sinh viên thực hành ngay tại trường mà không cần đến khách sạn.

Còn tại Trường CĐ Kinh tế Công nghiệp Hà Nội, biện pháp để "hút" thí sinh bên cạnh thi tuyển, nhà trường còn tổ chức xét tuyển ở 3 khối A, A1, D1. Đây có thể nói là nguồn "cung" dồi dào cho nhà trường vào đầu mỗi năm học (năm 2014, trường nhận 24.000 hồ sơ xét tuyển).

Để đảm bảo chất lượng nguồn xét tuyển, thầy Chính cho biết, nhà trường đã có những quy định nghiêm ngặt: Điểm trung bình trong 5 học kỳ cấp III (không kể học kỳ II của lớp 12) phải đạt 16,5 điểm trở lên. Bên cạnh đó, tối thiểu học sinh cũng phải có hạnh kiểm Khá. Những năm tới, trường sẽ tiếp tục tổ chức theo hướng này.

Tại Trường CĐ Cộng Đồng, thầy Đức chia sẻ cách tạo “thương hiệu” tốt nhất là, thay đổi chương trình dạy học, theo hướng chú trọng tới chất lượng hơn là quy mô tuyển sinh. “Việc làm này có thể làm giảm chỉ tiêu vào trường, nhưng sẽ đào tạo ra được nguồn nhân lực có chất lượng hơn”, thầy Đức nhấn mạnh. 

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số thí sinh đăng ký dự thi vào hệ CĐ của các trường đại học và các trường CĐ năm nay là 261.000 hồ sơ, giảm đến hơn 80.000 hồ sơ đăng ký dự thi so với năm 2013. Cả nước có 144 trường tổ chức thi tuyển sinh hệ CĐ.

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm