Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bảo hiểm y tế tăng, phụ huynh “oằn lưng cõng”

Thứ sáu, 11/09/2015 - 11:20

(Thanh tra)- Đầu năm học phụ huynh đứng ngồi không yên với hàng trăm khoản phí dồn dập đổ xuống đầu, nào là đồng phục, sách vở, rồi bán trú, ngoại khóa… Đặc biệt, năm nay mức phí bảo hiểm y tế (BHYT) tăng gần gấp đôi khiến phụ huynh phải “oằn lưng cõng”.

3 tạ lúa không đủ đóng phí cho con

Từ năm học 2015 - 2016, phí BHYT đối với học sinh (HS), sinh viên (SV) sẽ tăng từ 3% mức lương cơ sở lên 4,5% (tương ứng 543.000 đồng) và thu 15 tháng thay vì 12 tháng so với trước. Điều này gây khó khăn không nhỏ cho các bậc phụ huynh, nhất là gia đình đông con, ở nông thôn không có thu nhập từ lương.

Chị Lê Thị Thuyết (Triệu Sơn, Thanh Hóa) ngậm ngùi: Nhà mình có 3 cháu đang đi học. Đứa đầu học đại học. Đứa thứ 2 đang học lớp 11. Đứa thứ 3 học lớp 9. Năm nay tiền đóng BHYT cho các con là mất đứt gần 2 triệu đồng, chưa kể học phí, các khoản thu khác. Nhà làm nông lấy đâu ra tiền. Đầu năm học nào, nhà cũng phải bán 3 tạ thóc để đóng tiền cho 3 đứa con. Nhưng năm nay, phí BHYT tăng cao như vậy 3 tạ lúa cũng chỉ được 2 triệu đồng, lấy đâu tiền cho con đi học bây giờ?

BHYT tăng không chỉ khó khăn cho các hộ gia đình làm nông, mà những người làm công ăn lương như anh Bình (công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội) cũng đau đầu: Năm trước, mức thu BHYT 289.800 đồng nhưng năm nay tăng lên 543.000 đồng, mức này quá “sốc” với gia đình công nhân nghèo như tôi. Tôi có 2 con đi học, ngay từ đầu năm chỉ riêng khoản BHYT gia đình đã phải đóng hơn 1 triệu đồng. So với mức lương của tôi hiện tại, nó đã chiếm mất 1/3.

Hiện nay, BHYT tăng cao, trong khi chất lượng dịch vụ lại chưa tương xứng, điều này khiến nhiều bậc phụ huynh không khỏi bức xúc khi bỏ tiền đóng BHYT cho con. Anh Tống Vũ Hiếu (Giáp Bát, Hà Nội) chia sẻ: Tôi nghĩ mức tăng BHYT như vậy là quá cao, các cháu ốm đau đi đến bệnh viện quá đông, thủ tục lằng nhằng, chờ đợi mệt mỏi, nhiều khi lại phải đi khám bác sĩ ngoài. Đóng bảo hiểm y tế là tốt, vì lợi ích con em mình, nhưng chất lượng dịch vụ phải cải thiện làm sao cho xứng với “đồng tiền bát gạo” bỏ ra.

Cần tính toán lại

Lý giải cho việc tăng phí BHYT, ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho biết: Trước khi quyết định tăng mức đóng tham gia BHYT của HS, SV, cơ quan soạn thảo luật đã tính toán rất kỹ các tác động của chính sách này. Từ việc nó tác động như thế nào đến quỹ BHYT, tác động thế nào đến đời sống xã hội cũng như khả năng kinh tế của các gia đình. Nghĩa là, Bộ Y tế và ban soạn thảo đã soi chiếu dưới nhiều góc cạnh khác nhau mới đưa ra quyết định mức đóng của HS, SV tăng từ 3% lên 4,5%. Thứ nhất, nó thể hiện sự thống nhất trong mức đóng BHYT là mọi người đều đóng mức đóng như nhau. Thứ hai, theo Luật BHYT sửa đổi, bổ sung thì quyền lợi của người tham gia bảo hiểm được mở rộng rất nhiều, thành ra mức đóng của người tham gia bảo hiểm cũng phải mở rộng theo.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không đồng tình với cách tăng này. Theo bà Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội), việc thu  BHYT 15 tháng thay vì 12 tháng như mọi năm là không đúng. Điều này hết sức vô lý, tại sao lại dồn cái khó cho dân. Số tiền này không hề nhỏ, đặc biệt đối với những gia đình ở nông thôn. Có những nơi thu nhập rất kém, nông sản lỗ rất nhiều, do vậy không thể có lý do gì mà lại dồn cái khó cho người dân như vậy được. Trong bối cảnh hiện nay, theo tôi ít nhất cũng chỉ nên thu BHYT 12 tháng như mọi năm, không được thu nhiều hơn. 

Đồng quan điểm, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: Phản ứng của phụ huynh HS, SV là phù hợp bởi với việc thu gom 15 tháng đưa lợi thế về phía cơ quan BHYT nhưng lại đẩy khó khăn về phía HS, SV, do nhiều gia đình đông con đi học hoặc cùng lúc đóng nhiều khoản đầu năm sẽ không đủ sức. Việc áp mua BHYT 15 tháng là không phù hợp. “BHYT phủ khắp toàn dân nên phải tính toán lại để phù hợp với túi tiền của toàn dân, thậm chí với HS, SV đối tượng không có thu nhập thì nên miễn phí chứ không nên bổ đầu từng em” - GS.TS Phạm Tất Dong thẳng thắn.

Theo ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác HS, SV (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện nay, cả nước còn khoảng 15% số HS, SV chưa tham gia BHYT (tương đương khoảng 3 triệu HS, SV). Với mức thu cũ tỷ lệ bao phủ BHYT đến HS,SV chưa đạt mục tiêu đề ra, không biết với mức thu tăng cao như vậy, tỷ lệ HS, SV tham gia BHYT sẽ như thế nào?

"Để tạo điều kiện thuận lợi và giảm bớt khó khăn cho nhóm đối tượng là HS, SV tham gia BHYT năm học 2015, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam kiến nghị Liên bộ Y tế - Tài chính cho thực hiện thu BHYT HS, SV linh hoạt. HS, SV có thể nộp BHYT theo cách chia nhỏ thời gian đóng như 3 tháng, 6 tháng hoặc 9 tháng. HS, SV cũng có thể nộp theo năm học, khóa học và thẻ BHYT có giá trị sử dụng theo năm học, khóa học” - ông Nguyễn Đình Khương, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

(Thanh tra) - Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình, bị phê bình nhiều lần và trong năm học 2024 - 2025 đã có nhiều dư luận về chuyên môn cũng như tổ chức dạy học, thu chi, nhưng không biết có được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Bình đưa vào quyết định đã ban hành để kiểm tra hay không?

Nam Dũng

20:00 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm