Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Xây dựng nông thôn mới còn nặng thành tích để “bằng chị, bằng em”

Hương Giang

Thứ hai, 30/10/2023 - 12:40

(Thanh tra) - Xã được công nhận nông thôn mới chưa thật sự bền vững, nặng thành tích để “bằng chị, bằng em”; trong khi, hộ nghèo “cù cưa” không muốn thoát nghèo vì thoát thì không còn được hưởng chính sách của Nhà nước... theo đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp). Ảnh: Đ.X

Quốc hội dành 1 ngày (30/10) thực hiện giám sát tối cao chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” (gọi tắt là các chương trình mục tiêu).

Được công nhận nông thôn mới dù vẫn nợ tiêu chí

Nêu ý kiến, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh chương trình mục tiêu quốc gia là chủ trương đúng đắn và quan trọng.

“Triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia bước đầu đã được những kết quả thiết thực, hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn, vùng đồng bào dân tộc, miền núi đã có nhiều khởi sắc”, ông Hòa nhận định.

Dù vậy, theo đại biểu Hòa, việc triển khai các chương trình còn nhiều bất cập.

Với Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, một số địa phương chưa ban hành tiêu chí nông thôn mới phù hợp với vùng đồng bào dân tộc, miền núi; giải ngân chậm; vốn đối ứng cao gây khó khăn cho các tỉnh thu nhập thấp.

“Xã được công nhận nông thôn mới hoặc nâng cao chưa thật sự bền vững, còn nợ tiêu chí, còn nặng thành tích để bằng chị, bằng em, dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản đến nay chưa xử lý được …”, ông Hòa nói.

Nhấn mạnh xây dựng nông thôn mới cần tránh “chạy theo thành tích”, ông Hòa góp ý, cần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị.

Cạnh đó, khuyến khích, có ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; khắc phục việc hướng dẫn phân bổ vốn Trung ương chậm, có vốn mà không tiêu được.

Đại biểu còn nêu thực tế, “với các xã khu vực II, III khi đạt chuẩn nông thôn mới không còn được hưởng các chế độ an an sinh của Nhà nước nên có biểu hiện chần chừ không muốn phấn đấu đạt chuẩn, thậm chí có xã đến ngưỡng rồi vẫn chần chừ, đó là nghịch lý của từng chính sách”.

Từ đó, ông cho rằng cần hài hoà lợi ích trước mắt và lâu dài của các xã này, để mục tiêu triển khai nông thôn mới đạt sự đồng thuận cao.

Ngoài ra, ông Hòa nhấn mạnh cần khắc phục biểu hiện tự mãn của tổ chức, cá nhân khi đã đạt chuẩn nông thôn mới, thiếu tập trung chỉ đạo, kiểm tra, giám sát duy trì nâng cao chất lượng các tiêu chí, trông chờ ỷ lại vào cấp trên về kinh phí.

Tranh luận hộ nghèo chưa muốn thoát nghèo

Với Chương trình Giảm nghèo bền vững, theo đại biểu Phạm Văn Hòa có tình trạng hộ nghèo, cận nghèo không muốn thoát nghèo, vì thoát thì không còn được hưởng chính sách của Nhà nước nên cứ “cù cưa” mãi.

Cạnh đó, có việc vay vốn để phát triển sản xuất hoặc xây dựng sửa chữa nhà, cho con em học hành... nhưng bị sử dụng sai mục đích, không có khả năng hoàn vốn khiến Nhà nước cứ phải “bơm vốn” mãi để đảm bảo an sinh xã hội

Cho nên, ông Hòa đề xuất, cần giáo dục nhận thức, tuyên truyền để mọi người có ý thức chung, cùng vươn lên thoát nghèo và không trông chờ, ỷ lại vào chính sách an sinh xã hội.

“Có như vậy, việc thoát nghèo mới bền vững, hạn chế nguy cơ tái nghèo”, ông Hòa phát biểu.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên). Ảnh: P.Thắng

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) nhận định, giảm nghèo bền vững là thách thức rất lớn. Theo ông, để thoát nghèo, điều quan trọng là ý chí vươn lên, tự lực cánh sinh. Còn sự hỗ trợ của cộng đồng, các chương trình chỉ có ý nghĩa khi các chủ thế chính có ý thức vươn lên.

“Tại sao cùng một hoàn cảnh mà có người vươn lên thoát nghèo mà có người cứ khó khăn mãi và mong được là hộ nghèo? Vì sao có người thoát nghèo thì buồn mà trở lại hộ nghèo thì vui?”, ông Nghĩa đặt vấn đề và nhấn mạnh cần có sự thay đổi cơ bản về nhận thức để có được chuyển biến thực chất trong vấn đề này.

Tranh luận, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) đồng ý có những người dân chưa muốn thoát nghèo. Nhưng ông cho rằng, nguyên nhân căn cơ người dân chưa muốn thoát nghèo là từ cách làm và chất lượng của các chương trình chưa bền vững.

Tính bền vững chưa cao ngay cả trước mắt và lâu dài, nên người dân chưa yên tâm khi thoát nghèo, hết chương trình, hết dự án thì “nghèo lại hoàn nghèo”. “Cách làm và chất lượng của chương trình bền vững thì người dân không ai muốn quay lại nghèo”, ông Hạ nói.

Đại biểu đoàn Quảng Nam đề nghị phân cấp, phân quyền rõ hơn cho địa phương, đặc biệt là cấp tỉnh, tránh điều chỉnh một chút lại phải lên Trung ương điều chỉnh, phê duyệt, mất thời gian, nhiêu khê khó khăn.

“Trung ương chỉ quản lý mục tiêu, chỉ tiêu làm sao đạt được, còn cách làm thế nào để tỉnh chủ động”, ông Hạ đề xuất.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Minh Tân

17:29 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm