Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Giám sát tối cao: Cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia đều chậm

Hương Giang

Thứ hai, 30/10/2023 - 09:18

(Thanh tra) - Đoàn giám sát chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia đều chậm. Trong đó, có tình trạng đùn đẩy, né tránh, tâm lý sợ trách trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức; cách tiếp cận xây dựng các chương trình chưa thực sự phù hợp, thiết kế phức tạp...

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày báo cáo giám sát. Ảnh: P.Thắng

Quốc hội dành trọn 1 ngày (30/10) thực hiện giám sát tối cao chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” (gọi tắt là các chương trình mục tiêu).

Đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát giữa kỳ, đồng thời với 3 chương trình mục tiêu có phạm vi rộng, cùng với những yêu cầu đổi mới.

Có dấu hiệu chững lại trong xây dựng nông thôn mới

Trình bày báo cáo giám sát, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm, Phó Trưởng đoàn Thường trực cho hay, cả 3 chương trình mục tiêu đều giải ngân vốn chậm.

Chương trình Xây dựng nông thôn mới, có tổng kinh phí tối thiểu 196.332 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương 39.632 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 156.700 tỷ đồng).

Theo số liệu của Bộ Tài chính lũy kế đến hết tháng 6/2023, vốn đầu tư công năm 2022 chuyển sang thực hiện năm 2023 giải ngân đạt khoảng 83%; vốn thực hiện năm 2023 đạt khoảng 44,5%.

Tuy nhiên, theo ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương phân bổ chậm, tỷ lệ đối ứng còn cao gây khó khăn cho một số địa phương, nhất là các tỉnh nghèo.

Tiến độ giải ngân vốn ngân sách Trung ương năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 còn chậm so với yêu cầu, nhất là vốn sự nghiệp, đến hết tháng 6 năm nay mới giải ngân được 9,17% kế hoạch vốn của năm.

“Kết quả xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, chưa thực sự bền vững; một số địa phương thiếu quyết liệt và có dấu hiệu chững lại trong chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới”, đoàn giám sát nhận xét.

“Chạy theo thành tích” giảm nghèo đa chiều

Chương trình Giảm nghèo giải ngân cũng chậm. Theo nghị quyết của Quốc hội, chương trình này có tổng vốn tối thiểu là 75.000 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương 48.000 tỷ đồng; ngân sách địa phương 12.690 tỷ đồng, vốn huy động hợp pháp khác là 14.310 tỷ đồng).

Báo cáo đoàn giám sát cho thấy, giải ngân vốn ngân sách Trung ương năm 2022 mới đạt 35,63% kế hoạch; giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 kéo dài sang năm 2023 đạt 53% kế hoạch. Còn giải ngân kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương năm 2023 đến tháng 6/2023 đạt 6,53%; giải ngân vốn đầu tư công ước đến 31/8/2023 đạt 31,9% kế hoạch.

Việc Trung ương chưa cụ thể hóa được cơ chế đặc thù, mất nhiều thời gian để ban hành văn bản hướng dẫn đã làm chậm tiến độ thực hiện các chương trình, theo báo cáo giám sát. Ảnh: P.Thắng

Đáng lưu ý, tại các huyện nghèo mới chỉ quan tâm đánh giá việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, chưa đánh giá thực chất mức tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm.

“Trong công tác giảm nghèo nói chung, còn có tình trạng một số địa phương, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, để phấn đấu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đã “chạy theo thành tích” giảm nghèo đa chiều, nhưng trên thực tế nhiều tiêu chí quan trọng về chất lượng cuộc sống của người dân chưa được cải thiện, nâng cao một cách thực chất, bền vững sau khi đạt chuẩn nông thôn mới”, theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc.

Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số gặp rất nhiều khó khăn

Với Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tình hình giải ngân năm 2023 đã có tiến bộ, nhất là vốn đầu tư công.

Giải ngân vốn đầu tư công Trung ương đến tháng 6/2023 (bao gồm cả vốn 2022 kéo dài sang năm 2023) đạt 22%, ước đến tháng 9/2023 đạt 52%, nhiều địa phương giải ngân trên 60%.

So với yêu cầu cả Quốc hội, kết quả giải ngân vẫn đạt thấp khi từ năm 2022 đến 6/2023 giải ngân khoảng 18,9% so với kế hoạch trung hạn. Giải ngân vốn sự nghiệp là vấn đề rất đáng quan tâm, năm 2022 giải ngân đạt 5,2%, năm 2023 (đến 30/6) giải ngân được 3,9% kế hoạch năm.

“Do đó, chương trình khó có thể hoàn thành mục tiêu giải ngân đến hết năm 2025”, đoàn giám sát nhận xét.

Đoàn giám sát cũng lưu ý, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế, xã hội phát triển chậm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao; khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng.

“Khả năng đạt mức thu nhập bình quân tăng 2 lần so với 2020, giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu về thiếu đất ở, đất sản xuất, quy hoạch dân cư và nhiều chỉ tiêu khác đến năm 2025 ở vùng dân tộc thiểu số theo mục tiêu của chương trình là rất khó khăn”.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan, đoàn giám sát lưu ý nhiều nguyên nhân chủ chủ quan.

Theo đoàn giám sát, việc Trung ương chưa cụ thể hóa được cơ chế đặc thù, mất nhiều thời gian để ban hành văn bản hướng dẫn đã làm chậm tiến độ thực hiện các Chương trình.

Năng lực thực tiễn của một bộ phận cán bộ, công chức tham mưu, xây dưng văn bản, chính sách; quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình thì hạn chế về số lượng và chất lượng, nhất là cấp huyện, xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

“Có tình trạng đùn đẩy, né tránh, tâm lý sợ trách trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ, nhất là cơ sở pháp lý để thực hiện một số chính sách còn chưa rõ ràng, đồng bộ”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh.

Trong khi, cách tiếp cận xây dựng các chương trình chưa thực sự phù hợp, được thiết kế phức tạp gồm nhiều chính sách, dự án, tiểu dự án liên quan đến nhiều bộ, ngành, lĩnh vực cùng chủ trì thực hiện với khoảng gần 100 chính sách.

Nêu trách nhiệm, đoàn giám sát cho rằng, trước hết trách nhiệm thuộc về Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương, mà chủ yếu là các cơ quan chủ chương trình (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Ủy ban Dân tộc), các bộ, ngành liên quan (nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính).

Bên cạnh đó cũng có trách nhiệm thẩm tra, giám sát, đôn đốc của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ quan các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chương trình.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Trung ương Đảng thống nhất cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Trung ương Đảng thống nhất cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

(Thanh tra) - Việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18, Trung ương Đảng khoá XIII xác định đây là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và toàn hệ thống chính trị.

Hương Giang

16:06 25/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm