Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng cao, quy mô nền kinh tế 430 tỷ USD

Hương Giang

Thứ sáu, 05/01/2024 - 12:34

(Thanh tra) - Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên 430 tỷ USD.

Toàn cảnh Hội nghị Trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương. Ảnh: N.Bắc

Ngày 5/1, Chính phủ tổ chức Hội nghị Trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Cùng dự có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai và nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi lời chúc mừng đến hội nghị và kết quả của năm 2023 có thể nói cao hơn năm 2022.

Tổng Bí thư giao nhiệm vụ cho Chính phủ không được chủ quan, thỏa mãn mà phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa để năm 2024 lại có kết quả cao hơn năm 2023, theo lời Thủ tướng.

Bài học gì trong điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa?

Một số vấn đề trọng tâm và mang tính gợi mở đã được người đứng đầu Chính phủ định hướng để các đại biểu đóng góp ý kiến.

Theo Thủ tướng, trong bối thế giới, khu vực diễn biến khó lường, trong đó có “những cơn gió ngược” như lạm phát, lãi suất neo ở mức cao; suy giảm tăng trưởng… kinh tế - xã hội năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Với kết quả đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần phân tích, đánh giá vì sao?

“Điều hành tỉ giá, lãi suất, tín dụng có gì nổi bật? Bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát tốt, nợ công, nợ nước ngoài quốc gia dưới ngưỡng cảnh báo, nhưng để tận dụng được dư địa chính sách tài khoá này cho phát triển kinh tế - xã hội thì cần phải làm gì? Bài học kinh nghiệm gì trong thực tiễn chỉ đạo điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá? Còn những lĩnh vực nào, chỉ tiêu gì có thể làm tốt hơn, cải thiện hơn?”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: N.Bắc

Thủ tướng đề nghị phân tích rõ các kết quả đạt được trong đầu tư công, thu hút và giải ngân vốn FDI, thu ngân sách, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, thực hiện các chỉ tiêu xã hội, công tác đối ngoại…

“Kết quả đạt được là cơ bản, nhưng vẫn còn những hạn chế, bất cập, khó khăn, thách thức”, Thủ tướng nói.

Ông yêu cầu phân tích, làm rõ thêm nguyên nhân chủ quan và nêu giải pháp cụ thể với các vấn đề: 5 chỉ tiêu không đạt kế hoạch; sức ép lạm phát và nợ xấu có xu hướng tăng; những điểm nghẽn trong sản xuất kinh doanh, nhất là về xuất khẩu, thị trường, tiếp cận vốn, vướng mắc trên các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; cơ cấu lại nền kinh tế…

Về năm 2024, theo Thủ tướng, cần tập trung phân tích, đánh giá, dự báo tình hình có vấn đề gì mới, khác biệt, khó khăn hơn năm 2023; những trọng tâm chỉ đạo điều hành để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế…

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài cao nhất từ trước đến nay

Nhìn lại kinh tế năm 2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, cả năm tăng 5,05%.

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên 430 tỷ USD.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 3,25% (thấp hơn mục tiêu 4,5%). Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2022.

Khu vực nông nghiệp là điểm sáng, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế, năm 2023 tăng 3,83%, cao nhất trong 10 năm qua.

Thu ngân sách vượt khoảng 8,12% dự toán, đạt trên 1,75 triệu tỷ, trong khi đã miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất 194.000 tỷ. Đặc biệt, ngân sách tăng thu, tiết kiệm chi được 560.000 tỷ đồng, đảm bảo nguồn để cải cách tiền lương 3 năm (2024-2026).

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Ảnh: N.Bắc

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 683 tỷ USD, xuất siêu 28 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, góp phần tăng dự trữ quốc gia. Bội chi ngân sách đạt 3,7-3,8% GDP, nợ công 37% GDP, nợ Chính phủ 34% GDP… đều thấp hơn nhiều giới hạn và ngưỡng cảnh báo.

Giải ngân vốn đầu tư công dự kiến đạt 95% kế hoạch (năm 2022 là 91,42%), số tuyệt đối đạt gần 676.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Mức này cao hơn khoảng 146.000 tỷ đồng so với 2022.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1%, cao nhất từ trước đến nay, cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài và là hiệu ứng của chính sách ngoại giao “cây tre”.

Có 217.700 doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại thị trường, tăng 4,5% so với năm 2022.

Phát triển hạ tầng giao thông cũng là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội 2023, khi đưa vào sử dụng 475 km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường cao tốc đưa vào khai thác đến nay khoảng 1.900 km.

Năm 2024: Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, nền kinh tế vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần tiếp tục tập trung khắc phục. Theo Phó Thủ tướng, tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao trong khu vực, thế giới song chưa đạt mục tiêu đề ra.

Tiếp cận tín dụng còn khó khăn tính, khi đến ngày 31/12/2023, số dư tín dụng trên 13,5 triệu tỷ (tăng 13,71% so với cuối năm 2022); số dư huy động vốn trên 14,5 triệu tỷ (tăng 13,16%).

Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, dự án tồn đọng còn lại gặp nhiều khó khăn do phải thực hiện nhiều quy trình, thủ tục, trong đó có việc đánh giá, thẩm định chính xác giá trị tài sản đã qua nhiều năm.

Thị trường bất động sản dù được cải thiện nhưng còn trầm lắng chủ yếu do bất cập về phân khúc và vướng mắc về pháp lý. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang được tháo gỡ và tăng cường công tác thanh tra, giám sát nhưng còn tiềm ẩn rủi ro.

Toàn cảnh Hội nghị Trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương

Năm 2024, dự báo tình hình có thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Xác định chủ đề điều hành năm 2024 là “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, Chính phủ nhấn mạnh ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (6-6,5%), giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát (4-4,5%), bảo đảm các cân đối lớn; giữ ổn định giá trị đồng Việt Nam; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch; kiểm soát chặt bội chi ngân sách, các chỉ tiêu an toàn nợ công trong giới hạn cho phép, cắt giảm chi thường xuyên 5%.

Chính phủ sẽ tập trung vào 3 động lực tăng trưởng; làm mới các động lực tăng trưởng cũ và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới.

Trong năm 2024, hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; khởi công một số dự án đường bộ cao tốc.

Cùng đó, nghiên cứu, đề xuất ban hành một số chủ trương, cơ chế đặc thù cho ngành điện, năng lượng tái tạo. “Kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu”, Phó Thủ tướng nói.

Chính phủ cũng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế mới, thương mại điện tử, thương mại biên giới…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm