Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Việt Nam có dấu hiệu đáng mừng của nền kinh tế tự cường

Thứ năm, 01/08/2019 - 20:10

(Thanh tra)- “Vừa rồi, dự hội nghị xúc tiến đầu tư ở tỉnh miền núi Lào Cai và Kiên Giang, tôi thấy không khí đầu tư làm ăn của các nhà đầu tư trong nước rất tốt. Lần này, đặc biệt là nhiều nhà đầu tư trong nước đầu tư quy mô lớn. Đây là dấu hiệu đáng mừng của nền kinh tế tự cường”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quang Hiếu

Ngày 1/8, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7 với sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2019.

Bức tranh kinh tế tiếp tục có chiều hướng tốt

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư, bức tranh kinh tế vĩ mô tiếp tục có chiều hướng tốt. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,18% so với tháng trước, bình quân 7 tháng năm 2019 tăng 2,61% so với cùng kỳ, đây là mức tăng bình quân 7 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây. 

Tổng thu ngân sách Nhà nước tăng khá. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 145 tỷ USD, tăng 7,5%; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực trong nước 12,2%, cao hơn tốc độ tăng của khu vực FDI là 5,6%. Xuất siêu 1,8 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện đạt 10,6 tỷ USD, tăng 7,1%. 

Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng khá (9,4%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao 10,7%. Ngành nông nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tốt về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Hơn 79.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Có 24,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng gần 30%. Trên thị trường, hàng hoá dồi dào, sức mua tiêu dùng tăng cao. 

Khách quốc tế tháng 7/2019 đã tăng trở lại, đạt hơn 1,3 triệu lượt, tính chung 7 tháng đạt 9,8 triệu lượt, tăng 7,9%. Các công tác an sinh xã hội, việc làm, giảm nghèo, y tế, giáo dục được chú trọng. Đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. Số hộ phát sinh thiếu đói giáp hạt giảm gần 32% so với cùng kỳ, hỗ trợ thiếu đói gần 3.900 tấn gạo…

Tại phiên họp, nhắc đến hai hội nghị tiếp xúc đầu tư ở tỉnh miền núi Lào Cai và Kiên Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, ông thấy không khí đầu tư làm ăn của các nhà đầu tư trong nước rất tốt, nhất là có nhiều nhà đầu tư trong nước đầu tư quy mô lớn. 

“Đây là dấu hiệu đáng mừng của nền kinh tế tự cường”, người đứng đầu Chính phủ nói và cho biết, chỉ số PMI (nhà quản trị mua hàng) của Việt Nam tháng 7 tăng so với tháng 6 (từ 52,5 điểm lên 52,6 điểm). So sánh với các nước ASEAN, Việt Nam tiếp tục đứng thứ 2 sau Myanmar (52,9 điểm), xếp trên Philippines (52,1 điểm), Thái Lan (50,3 điểm).

Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. Ảnh: Quang Hiếu

Đã hứa với dân phải quyết tâm dồn sức làm 

Ước tính dựa vào PMI cho thấy, sản lượng ngành sản xuất sẽ có thể tiếp tục đạt mức tăng trưởng hai con số theo năm vào quý III/2019. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực tình hình, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2019 và các năm tới như ADB đánh giá Việt Nam tăng trưởng 6,8%, IMF dự báo tăng 6,5%, WB là 6,6%, HSBC là 6,7%...

Tuy nhiên, tình hình thế giới và khu vực biển Đông có diễn biến khó lường. Vì vậy, Thủ tướng lưu ý, không được chủ quan, mà cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm, quyết liệt hơn, chung sức đồng lòng vượt qua thử thách.

Báo cáo cho thấy, nền kinh tế vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, thách thức như nắng nóng kéo dài gây hạn hán ở một số địa phương; dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế, lây lan trên diện rộng. Sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Công tác cổ phấn hoá và thoái vốn chậm. Lĩnh vực văn hóa, xã hội còn một số hạn chế.

Đáng lưu ý, nhiều công trình công nghiệp, năng lượng, giao thông trọng điểm tiếp tục chậm tiến độ như dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. "Chính phủ quyết tâm dồn sức để làm xong con đường này, vì chúng ta đã hứa với đồng bào vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng nhiều năm chưa làm được, để cuối năm 2020 thông xe và năm 2021 khánh thành”, Thủ tướng nêu rõ.

Người phát ngôn của Chính phủ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tinh thần kết luận phiên họp của Thủ tướng là yêu cầu phải bảo đảm hoàn thiện các mục tiêu đã đề ra, tăng trưởng phải đạt thấp nhất 6,8%, CPI dưới 4, các chỉ số vĩ mô về nợ công, nợ nước ngoài phải hạ thấp hơn nữa; tâp trung tăng trưởng ở cả 3 lĩnh vực dù nông nghiệp hiện đang gặp khó khăn.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương phải theo dõi, bám sát, cập nhật, đánh giá đầy đủ tình hình để đưa ra giải pháp ứng phó, kịch bản kịp thời, không để bị động bất ngờ. Cùng với đó, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; triển khai chính sách tiền tệ linh hoạt; tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, chú trọng khai thác các động lực tăng trưởng những tháng còn lại.

Bên cạnh thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, Chính phủ xem xét, cho ý kiến về một số nội dung như: Vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 51/NQ-CP về cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, nợ công của các bộ, cơ quan, địa phương; thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển Đà Nẵng để bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp luật năm 2019…

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm