Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Mục tiêu đến năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp là khó khả thi

Hương Giang

Thứ ba, 12/10/2021 - 18:12

(Thanh tra) - Chính phủ đặt mục tiêu 5 năm tới có 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó khoảng 60.000 - 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ; tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%. Tuy nhiên, Uỷ ban Kinh tế cho rằng, mục tiêu này khó khả thi.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Đ.X

Chiều ngày 12/10, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Ngưỡng cảnh báo nợ công khoảng 55% GDP

Theo kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025 được Chính phủ trình, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5% một năm.

Trong đó, năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 6-7%/năm, tại các vùng kinh tế trọng điểm và 5 TP trực thuộc Trung ương phải cao hơn tốc độ tăng năng suất trung bình cả nước.

Chính phủ nhận định, điều này sẽ đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%.

Mục tiêu thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước trong nhóm ASEAN-4, đặc biệt đối với các chỉ số về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực cũng được đặt ra ở kế hoạch mới này.

Với mục tiêu giảm dần thâm hụt ngân sách Nhà nước, chỉ tiêu được xác định là cả giai đoạn 2021-2025 bình quân khoảng 3,7% GDP; đến năm 2025, tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ hằng năm trong phạm vi trần nợ công không quá 60% GDP. Ngưỡng cảnh báo nợ công khoảng 55% GDP và trần nợ Chính phủ không quá 50% GDP, ngưỡng cảnh báo nợ Chính phủ khoảng 45% GDP.

Xử lý cơ bản xong yếu kém, thất thoát của các tập đoàn

Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước vẫn là một trong các mục tiêu trọng tâm của kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm tới.

Theo đó, kế hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước; xử lý cơ bản xong những yếu kém, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước; bảo đảm tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32-34% GDP. Nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức tiệm cận quốc tế.

Nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng duy trì ở mức dưới 3%, từng bước phát triển thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp, bền vững. Đến năm 2025 tất cả các ngân hàng thương mại áp dụng theo chuẩn Basel II.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo của Chính phủ. Ảnh: Đ.X

Trong mục tiêu phát triển mạnh các loại thị trường, chỉ tiêu được xác định là đến năm 2025, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 20% GDP.

Đến năm 2025, chỉ số xhất lượng quản lý hành chính đất đai trong bộ chỉ số về năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) được công bố bởi Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tăng 10-15 bậc đến năm 2025 so với năm 2019. Kế hoạch cũng xác định hoàn thành việc xây dựng và công khai hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28%-30% vào năm 2025.

Cần nghiên cứu đề xuất chỉ tiêu, mục tiêu về chất lượng doanh nghiệp

Đáng chú ý, Chính phủ đặt mục tiêu 5 năm tới có 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó khoảng 60.000 - 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%.

Đến năm 2025, tối thiểu 5 đến 10 trong số các sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu trên thị trường quốc tế, góp phần cải thiện vị thế của ngành trên chuỗi giá trị toàn cầu. Kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10% cũng nằm trong chỉ tiêu chung của kế hoạch.

Thẩm tra kế hoạch này, Uỷ ban Kinh tế cho rằng mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp là khó khả thi.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, do tác động của dịch COVID -19 nên số lượng doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể, phá sản tăng mạnh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn, tình hình tài chính của doanh nghiệp đã bị bào mòn, suy giảm đáng kể .

Cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu, cân nhắc điều chỉnh chỉ tiêu phấn đấu tới năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp. Ngoài mục tiêu về số lượng cần nghiên cứu đề xuất chỉ tiêu, mục tiêu về chất lượng doanh nghiệp.

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung làm rõ nội hàm, các yếu tố cấu thành kinh tế số, từ đó làm cơ sở để xác định mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%.

Làm rõ nguyên nhân chủ quan 5 mục tiêu không đạt

Theo báo cáo của Chính phủ, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 có 5/22 mục tiêu không đạt.

5 mục tiêu chưa hoàn thành là: Thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc các ngành không cần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn; thoái vốn Nhà nước xuống mức sàn quy định đối với các ngành mà Nhà nước sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư; nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức chất lượng tiếp cận 4 nước ASEAN phát triển nhất; đến năm 2020, có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp (thực tế mới đạt khoảng 812 nghìn doanh nghiệp); đến năm 2020, tỷ trọng lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ đạt 25% (thực tế mới đạt 24,5%).

Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan việc không hoàn thành 5 mục tiêu này.

Trong đó, làm rõ hơn ảnh hưởng đến tiến độ, khả năng thực hiện và hoàn thành các mục tiêu đã đề ra tại các phương án, đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng được mua bắt buộc, được kiểm soát đặc biệt; việc kiểm soát, xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng của hệ thống các ngân hàng. Cùng đó là việc xử lý tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo, thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tổ chức tín dụng.

Một số vấn đề khác cũng cần được đánh giá rõ hơn là kết quả khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công; đầu tư dàn trải, tham nhũng, lãng phí, nợ đọng trong xây dựng cơ bản.

Nguyên nhân chậm tiến độ, đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch trong cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; nguyên nhân một số doanh nghiệp, dự án đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài chậm được xử lý dứt điểm.

Công tác quản lý, sử dụng vốn vay, kiểm soát khoản vay của chính quyền địa phương, doanh nghiệp Nhà nước; kiểm soát bội chi ngân sách và tính bền vững của bảo đảm an toàn nợ công; nguyên nhân thu từ 3 khối doanh nghiệp liên tiếp nhiều năm không đạt dự toán, theo cơ quan thẩm tra, cũng cần được làm rõ. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sàn thương mại điện tử, nền tảng số có thể phải nộp thuế doanh nghiệp

Sàn thương mại điện tử, nền tảng số có thể phải nộp thuế doanh nghiệp

(Thanh tra) - Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị làm rõ khả năng thu thuế doanh nghiệp trên thực tế với các doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam cung cấp hàng hoá vào Việt Nam thông qua các giao dịch trên sàn thương mại điện tử, nền tảng số.

Hương Giang

10:49 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm