Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Ước gì đời sống kinh tế như hiện nay, đạo đức xã hội được như ngày xưa”

Thứ sáu, 25/05/2018 - 10:48

(Thanh tra) - Kinh tế phát triển, nhưng đời sống lại xảy ra những việc “động trời, khó tin”. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) cho hay, cử tri lo lắng và tâm tư “ước gì đời sống kinh tế vật chất được như hiện nay, đạo đức xã hội được như ngày xưa”.

ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An)

QH dành trọn ngày làm việc hôm nay (25/5) để đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2017; tình hình những tháng đầu năm 2018; kết hợp thảo luận về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.

Trong phiên họp, các thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề ĐBQH nêu.

Có những việc “động trời, khó tin”

Đánh giá cao kết quả kinh tế - xã hội năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Thanh Xuân (đoàn TP Cần Thơ), chất lượng tăng trưởng như thế nào, đóng góp của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế, cơ cấu xuất khẩu... cần được phân tích kỹ hơn.

"Tính bền vững của những yếu tố vĩ mô như thế nào?", ông đặt câu hỏi và cho rằng, cũng cần đánh giá rõ hơn vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công.

"Phải làm rõ do quản lý yếu kém hay cơ chế chính sách và từ đó đề xuất giải pháp mạnh để khắc phục thời gian tới", ĐB Xuân nói.

ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ An cũng chia sẻ ấn tượng về những thành tích về kinh tế thời gian qua, trong đó có việc GDP quý I đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua. Cùng với đó, các chỉ số về tài chính tiền tệ, du lịch, xuất nhập khẩu đều tăng vượt chỉ tiêu đề ra; xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam được cải thiện; kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng làm "nức lòng cử tri cả nước"...

Tuy nhiên, theo ĐBQH đoàn Nghệ An, cử tri đòi hỏi QH làm nhiều hơn, nhanh hơn, quyết liệt hơn những vấn đề bức xúc đang đặt ra.

“Trước hết, suy thoái đạo đức, kỷ cương phép nước chưa nghiêm. Hiện thực cuộc sống trong thời gian gần đây đang xảy ra những sự việc động trời và khó tin, những hành vi mất nhân tính như lấy than củi tre làm thuốc trị ung thư, cafe trộn pin, cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng, bảo mẫu bạo hành dã man trẻ em trong các trường, tình trạng bạo lực học đường, trong bệnh viện, các vụ thảm án giết nhiều người gây chấn động dư luận”, ông Cầu nói.

Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho hay, cử tri lo lắng và tâm tư “ước gì đời sống kinh tế vật chất được như hiện nay, đạo đức xã hội được như ngày xưa”.

Theo ĐB, nguyên nhân thực trạng đáng buồn trên có nhiều nhưng cốt yếu nhất là sự xuống cấp về đạo đức, sự buông lỏng kỷ cương phép nước.

“Cử tri kiến nghị QH, Chính phủ có đủ giải pháp cứng rắn, trừng trị, ngăn chặn, đẩy lùi những hành vi mất nhân tính như trên càng nhanh càng tốt”, ông nhấn mạnh.

Dân xây công trình hết 650 triệu, Nhà nước xây ít nhất 1 tỷ

Cũng theo ĐBQH, cử tri vẫn tâm tư, trăn trở trước sự thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, xây dựng cơ bản.

“Tình trạng giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án lớn nhưng chưa thu tiền sử dụng đất gây thất thoát cho ngân sách. Đất để nhiều năm không triển khai gây lãng phí, trong khi đó, nhân dân không có đất sản xuất. Tình trạng dự án treo còn xảy ra nhiều, xuất hiện tình trạng đầu cơ chọn đất vàng để chuyển nhượng, mua bán trục lợi cá nhân còn thất thoát lớn”.

ĐB tiếp tục nói, trong xây dựng cơ bản, cử tri so sánh, rằng nếu xây 1 ngôi nhà cùng thiết kế thì người dân chỉ xây hết 650 triệu đồng, còn Nhà nước xây ít nhất 1 tỷ đồng mà chất lượng thẩm mỹ không bằng của người dân. Cử tri kiến nghị Nhà nước nên tính toán lại định mức, tính toán lại đổi giá, trượt giá nếu không sẽ còn thất thoát hơn.

“Thực tiễn 12 đại dự án thua lỗ mà Chính phủ đang xử lý rốt ráo hiện nay là 1 ví dụ nhãn tiền. Gần đây Kiểm toán Nhà nước phát hiện những sai phạm tại các dự án BOT, BT, cổ phần hoá doanh nghiệp. Cá biệt, như dự án nạo vét kè sông Kê Sào tỉnh Ninh Bình điều chỉnh tăng đến 36 lần từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng đã chứng minh những tâm tư của cử tri là có cơ sở”, ông Nguyễn Hữu Cầu phát biểu.

Đề nghị mở rộng đầu giá biển số đẹp

ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) ấn tượng với kết quả tăng trưởng 7,38% quý I/2018. Tuy nhiên, ông góp ý trong xây dựng văn bản pháp luật còn nhiều vấn đề chưa phản ánh đúng thực tế, chưa thể hiện nguyện vọng cử tri.

Ông lấy ví dụ, kho số viễn thông, kho số khác là tài sản công, trong đó có biển số xe; nếu triển khai đấu giá biển xe thì hàng năm ngân sách thu về hơn 12.000 tỷ đồng, song khi Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn đấu giá biển số thì chỉ nêu đấu giá biển số đẹp, chiếm chưa tới 1% kho số.

Theo ông Cảnh, trong kho số có hơn 12% biển số xe có thể được xếp vào diện biển đẹp nhưng dự thảo Nghị định khống chế số lượng chưa đến 1%. Ngoài ra, quy định này cũng không cho người dân sở hữu biển số tiếp tục với xe tiếp theo, như vậy sẽ hụt thu ngân sách.

"Từ chỗ có thể thu về hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm thì khi vào chính sách chỉ thu vài chục tỷ đồng, rất lãng phí", ông nói và đề nghị cho đấu giá với kho số đẹp được mở rộng hơn.

Giơ biển tranh luận, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho hay, trên thế giới có một số nước thực hiện đấu giá biển số đẹp, nhưng nhiều nước không đấu giá. "Bản chất của biển số đẹp giống như số tài khoản ngân hàng, căn cước công dân là để thực hiện việc quản lý nhà nước, nếu đấu giá phá sẽ phá vỡ hệ thống quản lý", ông nói.

Theo ông, nhiều cử tri đặt vấn đề "nếu Nhà nước tổ chức đấu giá biển số đẹp, công dân có quyền từ chối biển số xấu hay không?". ĐB Hồng cũng cho rằng, nhận xét Nhà nước đang lãng phí hàng nghìn tỷ do không đấu giá biển số đẹp là chưa có cơ sở, do giá cả thay đổi theo từng thời kỳ, tâm lý của người dùng.

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm