Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

UBTVQH xem xét Dự thảo Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo

Thứ tư, 12/10/2011 - 22:51

(Thanh tra)- Dự thảo Luật Khiếu nại (KN) và Luật Tố cáo (TC) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận tại phiên họp thứ nhất (tháng 8/2011), hôm qua (12/10) tiếp tục được bàn thảo tại phiên họp thứ 3 trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Cần bổ sung thêm quy định vào phương án 1

Báo cáo của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng theo 2 phương án. Phương án 1, đề nghị được giữ phạm vi điều chỉnh của Luật như Dự thảo Chính phủ trình là: “Quy định về KN và giải quyết KN đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính Nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước”. Phương án 2: Mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật KN. Theo đó, công dân được quyền KN quyết định hành chính, hành vi hành chính của mọi cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó. Cụ thể: Luật này quy định về KN và giải quyết KN đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó; KN và giải quyết KN đối với quyết định kỷ luật cán bộ, công chức; tổ chức tiếp công dân (TCD); trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc quản lý và giải quyết KN.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, theo phương án 2 cần cân nhắc, vì liên quan đến các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Do đó, nếu mở rộng phạm vi điều chỉnh phải phối hợp với người có thẩm quyền cũng như các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội khác. Bà Tòng Thị Phóng đề xuất theo phương án 1. Tuy nhiên, cần thêm quy định trên cơ sở căn cứ vào các điều lệ của các tổ chức chính trị - xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đồng tình với quan điểm trên, vì đó là các KN đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính Nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính; không điều chỉnh đối với lĩnh vực lập pháp, tư pháp, các quyết định liên quan đến tố tụng tư pháp thì do pháp luật tố tụng (hình sự, dân sự) điều chỉnh.

Phân tích về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật, theo Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng, có 3 mối quan hệ KN (giữa Nhà nước - hành chính Nhà nước với công dân; quan hệ giữa nội bộ các cơ quan hành chính - giữa thủ trưởng đơn vị với cán bộ, công chức của cơ quan và nội bộ giữa các tổ chức xã hội có quản lý hành chính). Vấn đề này, theo Dự thảo Luật, đã có chương 4 quy định cụ thể. Vì vậy, phương án của Chính phủ (phương án 1) trình là hợp lý.

Người có thẩm quyền phải tiếp công dân


Đa số ý kiến tán thành với Dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật KN của UBTVQH. Theo đó, Luật KN quy định người có thẩm quyền giải quyết KN phải tổ chức TCD đến KN (Chương V).

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị bỏ Chương V về TCD, vì nội dung này mang tính hình thức, thủ tục. Cũng có ý kiến đề nghị ban hành Luật TCD hoặc trước mắt giao UBTVQH ban hành Pháp lệnh về TCD, bảo đảm tính ổn định trước khi nâng lên thành luật.

Đối với Trụ sở TCD của Trung ương Đảng và Nhà nước, có ý kiến đề nghị không quy định vấn đề này trong Luật. Lý do được đưa ra là: Trụ sở TCD của Trung ương Đảng và Nhà nước chỉ là một trong những mô hình cụ thể tổ chức TCD đến KN, TC, phản ánh, kiến nghị với cơ quan Trung ương cũng như cấp ủy, chính quyền của địa phương…

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc tổ chức TCD hiện nay được thực hiện theo quy định của Luật KN, TC và Quy chế TCD được ban hành kèm theo Nghị định số 89/CP ngày 7/8/1997. Do đó, việc TCD không phân biệt là KN, TC hay kiến nghị, phản ánh. Thực tế cho thấy, chỉ phân loại được nội dung vụ việc sau khi đã tiếp nhận, nghiên cứu sơ bộ bước đầu đơn của công dân. Do đó, trong khi chờ xây dựng một văn bản pháp luật riêng thì cần phải quy định việc TCD trong Luật này.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, cần duy trì trụ sở TCD và bổ sung thêm quy định không TCD ở các cơ quan công quyền khác (tránh trường hợp công dân tùy tiện kéo đến các cơ quan Trung ương và nhà riêng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, đây là mô hình có nhiều ý kiến. Nếu đưa trụ sở TCD vào trong Luật thì phải quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan thẩm quyền, của cán bộ tiếp dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đồng tình phải đưa trụ sở TCD vào Luật. Vì đây không chỉ đơn thuần là hình thức mà còn có ý nghĩa chính trị, là “của dân, do dân, vì dân”, thể hiện tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của người dân đến với Đảng, Chính phủ, Quốc hội.

Chỉ công dân mới có quyền tố cáo

Cùng ngày, UBTVQH tiếp tục cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật TC; cho ý kiến về Dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đối với Dự thảo Luật TC, vấn đề TC bằng thư điện tử, fax, TC bằng lời qua điện thoại có 2 phương án là: Không bổ sung và bổ sung hình thức TC này (cùng với TC trực tiếp và gửi đơn TC như quy định cũ).

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đồng ý với phương án bổ sung TC qua thư điện tử, fax, bằng lời qua điện thoại và cho rằng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tình trạng lợi dụng để phát tán đơn thư trên mạng, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của người khác… Để hạn chế tình trạng này, Dự thảo Luật cần nghiêm cấm các hình thức lợi dụng quyền TC và quy định các chế tài đủ sức răn đe đối tượng có hành vi này.

Về việc xác định chủ thể TC, có 2 phương án là bổ sung cơ quan, tổ chức có quyền TC hoặc giữ nguyên như Dự thảo Luật là chỉ có công dân mới có quyền TC.

Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đồng ý theo phương án chỉ có công dân mới quyền TC vì cho rằng nếu cho phép cơ quan, tổ chức có quyền TC sẽ làm phát sinh những vấn đề phức tạp liên quan đến cơ chế, cách thức để chủ thể này thực hiện TC…

Ánh Tuyết

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm