Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tước danh hiệu CAND 19 cán bộ, chiến sĩ dùng nhục hình

Thứ năm, 11/09/2014 - 22:46

(Thanh tra)- Chấp hành pháp luật trong thu thập, đánh giá chứng cứ, chống bức cung, nhục hình của cơ quan điều tra chuyên trách trong hoạt động điều tra vụ án hình sự một lần nữa lại nóng lên khi hôm nay (11/9), Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang nhấn mạnh, các vụ dùng nhục hình để lại hậu quả nghiêm trọng, làm giảm niềm tin của người dân vào cơ quan tố tụng. Ảnh: Thảo Nguyên

Dùng nhục hình có xu hướng tăng
Theo báo cáo của TAND Tối cao, từ 1/1/2011 đến 31/12/2013, TAND cấp sơ thẩm đã thụ lý 602 vụ với 828 bị cáo về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, trong đó không thụ lý vụ án nào về tội bức cung và có 10 vụ với 23 bị cáo phạm tội “dùng nhục hình”.
Đáng chú ý, tội dùng nhục hình có xu hướng ngày càng gia tăng: Năm 2011 có 1 vụ/2 bị cáo; năm 2012 thụ lý 4 vụ/7 bị cáo; năm 2013 thụ lý 5 vụ/14 bị cáo. Các tòa án đã giải quyết, xét xử theo thủ tục sơ thẩm 5 vụ với 10 bị cáo về tội dùng nhục hình, phúc thẩm 3 vụ với 3 bị cáo.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cũng cho biết, trong 3 năm qua, đã có 19 cán bộ, chiến sĩ bị tước danh hiệu Công an nhân dân và bị khởi tố điều tra về hành vi dùng nhục hình, không có trường hợp nào bị khởi tố về tội bức cung.
183 trường hợp khác trong cơ quan cảnh sát điều tra các cấp do có sai phạm và vi phạm về quy trình, quy chế công tác bị xử lý kỷ luật với nhiều hình thức như: Tước danh hiệu Công an nhân dân, điều chuyển công tác, giáng cấp… Điển hình như việc xử lý kỷ luật đối với Phó trưởng Công an quận Hải Châu, TP Đà Nẵng và một số cán bộ liên quan trong vụ việc đối tượng bị truy nã Võ Văn Tâm bị chết tại trụ sở Công an quận Hải Châu vào ngày 1/2/2013.
Thực tiễn xét xử các vụ án hình sự thời gian qua cũng cho thấy, có nhiều trường hợp tại phiên tòa bị cáo khai trong quá trình điều tra bị đe dọa, đánh, ép cung, mớm cung nhưng không đưa được chứng cứ chứng minh nên thường không được Hội đồng Xét xử chấp nhận.
Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn lý giải, do việc chỉ dùng lời nói đe dọa, dụ dỗ, tác động về mặt tinh thần, hạn chế gặp người thân thăm nuôi… để ép buộc khai sai sự thật rất khó thu thập chứng cứ để chứng minh nên không thể quy tội bức cung. Việc áp dung Điều 298 Bộ luật Hình sự còn có nhiều quan điểm khác nhau về việc xác định tội danh dùng nhục hình nhưng hoạt động điều tra được xác định kể từ thời điểm nào chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Không phổ biến nhưng hậu quả nghiêm trọng
Ông Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao và Bộ trưởng Trần Đại Quang đều nhìn nhận, các vụ án nhục hình chỉ mang tính cá biệt, không phổ biến nhưng hậu quả để lại rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín các cơ quan tiến hành tố tụng.
Không những thế còn nghiêm trọng xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, công ăn việc làm của người bị oan mà còn ảnh hưởng đến gia đình, dòng tộc của họ, gây bức xúc trong dư luận như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang.
Để đảm bảo yêu cầu phòng, chống loại tội bức cung, dùng nhục hình, TAND Tối cao kiến nghị sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng đảm bảo hơn nữa quyền bào chữa của người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo.
Đồng thời tăng mức hình phạt đối với tội bức cung, dùng nhục hình, xem xét việc ghi hình, ghi tiếng khi hỏi cung bị can, lấy lời khai của người bị hại, người  làm chứng…

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm