Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

TS Nguyễn Đình Cung: “Có Chủ tịch tỉnh nói cứ lên Bộ là rất sợ!”

Thứ tư, 21/08/2019 - 20:40

(Thanh tra) – “Có Chủ tịch tỉnh, Phó Chủ tịch tỉnh nói: Cứ lên Bộ là rất sợ vì không biết khi nào mới xong, không biết gặp ai mới đúng. Họ nói không phải trong cuộc họp nhỏ mà nói công khai trong cuộc họp rất to”, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói và cho rằng, các luật chồng chéo, mâu thuẫn, đúng ông này, sai ông kia, làm thế nào cũng sai, nên không ai dám quyết đầu tư…

TS Nguyễn Đình Cung. Ảnh: H.Giang

Ngày 21/8, Tổ Công tác của Thủ tướng chủ trì cuộc làm việc với 14 bộ, cơ quan về tình hình ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh và việc cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh với sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Các Bộ được kiểm tra gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài chính, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Lao động Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Y tế.

“Khổ nạn” cấp phép, “chào hỏi”, “xin cho còn nguyên

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, các Bộ đã rất quyết liệt, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng các phương án, ban hành các văn bản cắt giảm, đơn giản hóa 3.451/6.191 điều kiện kinh doanh, cắt giảm 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành.

“Về mặt cơ học đã cố gắng rất quyết liệt, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh”, Tổ trưởng Tổ Công tác nói.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, những cải cách trong nhiệm kỳ này đã được doanh nghiệp, xã hội đánh giá rất cao và có tác động thực sự.

Tuy nhiên, theo quan sát của ông Cung, tinh thần cải cách đỉnh điểm là năm 2018. Còn năm 2019, chúng ta kỳ vọng ở chữ “bứt phá” thì chưa thực sự bứt phá. Cho nên, cần truyền thông nhiều hơn để làm “nóng” không khí cải cách, từ đó tạo ra niềm tin.

“Cắt giảm chi phí quan trọng, nhưng tác động về mặt niềm tin thậm chí quan trọng hơn. Người ta kỳ vọng sắp tới hướng sẽ thế này thì hoạt động kinh doanh thị trường sôi nổi hơn”, ông Cung nói và cho rằng, cải cách cần phải mạnh mẽ, quyết liệt hơn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thống kê, hiện còn rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành, tới 355 văn bản, rất khó cho doanh nghiệp thực hiện tra cứu, cập nhật. Không ít trường hợp kiểm tra chồng chéo, một mặt hàng chịu nhiều hình thức quản lý của nhiều bộ, chịu sự kiểm tra của nhiều đơn vị trong cùng một bộ.

“Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng vẫn còn hiện tượng điều kiện kinh doanh hóa thân vào quy chuẩn, tiêu chuẩn, “khổ nạn” cấp phép, xin - cho còn nguyên thậm chí còn nặng nề hơn. Rồi thủ tục “chào hỏi” qua biên giới tức thủ tục xuất nhập khẩu hàng hoá…”, Tổ trưởng Tổ Công tác cho biết.

Đáng lưu ý, từ khảo sát thực tế ở địa phương, ông Cung chia sẻ, chúng ta ra nhập thị trường tương đối tốt. Nhưng, khâu đầu tư tạo tài sản, tạo năng lực sản xuất đang “tắc” vì liên quan đến các luật như đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng, quy hoạch…

Luật chồng chéo nên làm thế nào cũng sai, không ai dám quyết

“Đầu tư tạo tài sản rất quan trọng vì phát triển dài hạn, trung hạn nằm ở đây. Trên thực tế, các luật của chúng ta chồng chéo, mâu thuẫn, đúng ông này, sai ông kia, nên làm thế nào cũng sai, làm thế nào cũng có một cái gì đó sai.

Trước đây, có tập thể quyết định thì mọi việc nó chạy, nhưng bây giờ không ai quyết định. Những dự án đầu tư lớn tạo ra tài sản, tôi quan sát thấy chưa ai dám quyết định. Nên nhiệm kỳ sau tăng trưởng thế nào là vấn đề tôi rất phân vân”, Viện trưởng CIEM bày tỏ.

Toàn cảnh buổi làm việc

Theo ông Cung, vừa rồi, Thủ tướng đã có chỉ đạo là phải nhanh chóng gỡ khúc này để thực sự đầu tư tạo ra năng lực sản xuất mà chúng ta đã nhìn thấy, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân.

“Trong môi trường kinh doanh hiện nay, khoảng này đang là khoảng trống cần phải tập trung xử lý nhiều hơn. Và đây cũng là một chỗ mà lợi ích của ngành rất đậm nét”, ông Cung nêu và cho hay, về địa phương, có Chủ tịch tỉnh, Phó Chủ tịch tỉnh nói “cứ lên Bộ là rất sợ vì không biết khi nào mới xong, không biết gặp ai mới đúng”.

“Họ nói không phải trong cuộc họp nhỏ nhỏ bình thường mà nói công khai trong cuộc họp rất to. Họ nói “trên nóng, dưới nóng, nhưng giữa chưa nóng”, ông Cung nhấn mạnh.

Viện trưởng CIEm cũng cho hay, tới đây sẽ làm việc với các bộ, ngành để thống nhất về lý luận và quan niệm thực tiễn thế nào là điều kiện kinh doanh. “Có thống nhất được quan niệm thì hành động của chúng ta mới thống nhất được”, ông Cung chốt lại.

Cũng tại buổi làm việc, đại diện các bộ đã báo cáo cụ thể về số điều kiện, thủ tục được đơn giản hóa, cắt giảm, đánh giá chất lượng việc đơn giản hóa, cắt giảm qua số ngày công và số tiền tiết kiệm được cho doanh nghiệp và xã hội; phương án tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện, thủ tục trong thời gian tới...

Kết quả kiểm tra sẽ được tổng hợp, báo cáo đầy đủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sắp diễn ra.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhắc lại Nghị quyết 02 năm 2019 của Chính phủ yêu cầu cần tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh… Theo ông, “phải bảo đảm yêu cầu quản lý nhưng không vì lý do đấy mà đặt ra rào cản, kìm hãm phát triển”.

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm