Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 15/05/2018 - 16:08
(Thanh tra) - Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, từ kỳ trước, dù nêu rất cụ thể, có địa chỉ rõ ràng những bộ, ngành, tỉnh, thành không công bố lịch tiếp dân, nhưng đến nay việc quan tâm giải quyết dứt điểm vẫn còn chưa thỏa đáng…
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải
Sáng 15/5, tiếp tục chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội.
Trình bày báo cáo Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho hay, trong tổng số 1.993 kiến nghị cử tri gửi tới Chính phủ, các bộ, ngành đến nay có 1.474 kiến nghị (chiếm 73,96%) được trả lời bằng việc cung cấp thông tin; 162 kiến nghị (chiếm 8,13%) đã được tiếp thu, giải quyết xong. Còn 357 kiến nghị (chiếm 17,91%) đang được nghiên cứu để giải quyết.
“Tham nhũng vặt” giảm, né tránh xử cán bộ sai phạm từng bước khắc phục
Đáng chú ý, nhiều tồn tại hạn chế nêu tại báo cáo kỳ trước đã được quan tâm giải quyết. Đơn cử, để khắc phục việc lạm quyền, vòi vĩnh, nhũng nhiễu, có thái độ quan liêu, vô cảm hay hiện tượng người dân phải chi phí “lót tay”… khi thực hiện thủ tục hành chính nhiều tỉnh, TP đã tăng cường công tác thanh tra công vụ.
“Thời gian qua, hiện tượng “tham nhũng vặt” có xu hướng giảm, chẳng hạn như theo đánh giá của Papi, năm 2017 hiện tượng người dân phải chi phí “lót tay” để xin việc trong cơ quan Nhà nước giảm từ 54 - 48%, chi thêm tiền để được quan tâm khám chữa bệnh giảm từ 39 - 36%”, bà Hải cho hay.
Trưởng Ban Dân nguyện cũng cho hay, hiện tượng nể nang, né tránh trong việc xử lý cán bộ sai phạm được phát hiện sau thanh tra, kiểm tra đã từng bước được khắc phục. Đặc biệt, việc xử lý sau thanh tra trong thời gian qua được Thanh tra Chính phủ rất chú trọng tăng cường, đẩy mạnh thực hiện.
Cụ thể, đã đôn đốc, kiểm tra thực hiện gần 1,2 nghìn kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, đã thu hồi 67 tỷ đồng; đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính 82 tổ chức, 391 cá nhân, khởi tố 53 vụ.
Quý I/2018, toàn ngành Thanh tra đã tiến hành trên 1,8 nghìn cuộc thanh tra hành chính và trên 36,7 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế trên 4,5 nghìn tỷ đồng và trên 14,5 nghìn ha đất; trong đó đã kiến nghị thu hồi trên 3,3 nghìn tỷ đồng; 162 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 360 tập thể; chuyển cơ quan điều tra xử lý 14 vụ việc, 14 đối tượng.
Riêng công tác phòng, chống tham nhũng, các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử đã chủ động phối hợp trao đổi thông tin; rà soát, đẩy nhanh tiến độ xác minh các vụ việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng.
Cũng theo Ban Dân nguyện, tiếp thu kiến nghị của cử tri nhiều tỉnh, TP và để có điều kiện lắng nghe thêm tâm tư, nguyện vọng đồng thời giúp người nông dân tháo gỡ khó khăn trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm cũng như việc vay vốn của các doanh nghiệp trong đầu tư cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao...
Còn nhiều trả lời cử tri lòng vòng, chung chung, khó hiểu
Mặc dù 59/59 Đoàn Đại biểu (ĐB) QH các tỉnh, TP đều đánh giá việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn 43/59 Đoàn ĐBQH có nhận xét vẫn còn có hiện tượng một số bộ, ngành chưa thực sự nỗ lực, quyết tâm trong giải quyết một số vấn đề, cụ thể mà cử tri nêu.
Một số kiến nghị rất cần các bộ, ngành nghiên cứu tìm các biện pháp tháo gỡ để giải quyết ngay các vướng mắc, hoặc xây dựng lộ trình để giải quyết dứt điểm chỉ được các bộ, ngành trả lời bằng việc cung cấp thông tin, chỉ dẫn một số văn bản hiện hành có liên quan hoặc trả lời “đang nghiên cứu,...”, “sẽ giải quyết,...” nên chưa đáp ứng đúng mong muốn của cử tri.
Nhiều văn bản trả lời cho cử tri còn rất chung chung, diễn giải nhiều, lòng vòng, khó hiểu, nhưng lại không đủ thông tin để giải đáp cho cử tri.
Bà Hải đưa ra dẫn chứng, cử tri Lạng Sơn phản ánh, những vướng mắc khi áp dụng chính sách ưu đãi tại Nghị định 116/2010/NĐ-CP và Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng. Cử tri kiến nghị cần sớm có hướng giải quyết vấn đề này đảm bảo công bằng, đúng quy định.
Bộ Nội vụ lại trả lời, cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang công tác tại các thôn đặc biệt khó khăn quy định tại Quyết định số 582/QĐ-TTg được áp dụng chính sách quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP.
“Có thể nhận thấy trả lời của Bộ Nội vụ là lạc đề, không đúng với nội dung mà cử tri hỏi; không đưa ra thông tin hay giải pháp gì để tháo gỡ một khó khăn rất cụ thể đó là do có sự bất cập của 02 văn bản pháp luật dẫn đến khó khăn trong mà việc xác định các đối tượng được hưởng phụ cấp ưu đãi và trợ cấp, nhưng trả lời của Bộ lại viện dẫn chính các văn bản này để thông tin cho cử tri. Theo phản ánh của Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng sơn, ngay sau khi nhận được văn bản trả lời, cử tri bày tỏ chưa đồng tình với trả lời của Bộ Nội vụ, kiến nghị Bộ cần có xem xét, giải quyết, trả lời thấu đáo để cử tri yên tâm”, bà Hải nói.
33 tỉnh, 14 bộ vẫn không công bố lịch tiếp dân
Một vấn đề nữa, trong kỳ báo cáo trước đã chỉ rõ, các tỉnh, thành, bộ, ngành chưa công bố lịch tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp dân.
Sau 7 tháng, đến ngày 25/4, kết quả truy cập vào cổng thông tin điện tử của các bộ, ngành và 63 tỉnh, TP thấy, có 27/63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có công bố lịch tiếp công dân (giảm 1 tỉnh); 33/63 tỉnh không công bố (giảm 1 tỉnh); 3 tỉnh không truy cập được (tăng 2 tỉnh); 9/22 bộ, cơ quan ngang bộ có công bố lịch tiếp công dân (tăng được 7 bộ so với kỳ trước); 14/22 bộ, cơ quan ngang bộ không công bố lịch tiếp công dân.
“Mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành đã rất cố gắng, nỗ lực tích cực trong giải quyết nhiều vấn đề mà cử tri nêu cũng như kiến nghị của UBTVQH, tuy nhiên, vẫn có những tồn tại hạn chế mặc dù đã được nêu rất cụ thể, có địa chỉ rõ ràng nhưng việc quan tâm giải quyết dứt điểm vẫn còn chưa thỏa đáng”, Ban Dân nguyên nhận định.
Theo Ban Dân nguyện, việc thực hiện các quy định về công khai minh bạch là một trong các biện pháp để người dân thực hiện quyền và trách nhiệm giám sát của mình đối với các hoạt động của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương qua đó cũng góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lãng phí.
Ngoài ra, công tác tiếp công dân luôn được xem là đặc biệt quan trọng, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này đã được Thủ tướng Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh tại nhiều cuộc họp.
“Chưa nói đến chất lượng và hiệu quả của việc tiếp công dân là như thế nào? Có giải quyết, tháo gỡ hay vướng mắc gì khó khăn của người dân hay không? Mà việc công bố công khai lịch tiếp công dân theo quy định của pháp luật là đơn giản nhất mà còn chưa thực hiện đầy đủ thì các vấn đề khác như chất lượng tiếp, hiệu quả tiếp sẽ như thế nào?”, bà Nguyễn Thanh Hải đặt một loạt câu hỏi.
Ban Dân nguyện kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá các bộ, ngành trong việc thực hiện trách nhiệm giải quyết các kiến nghị của cử tri; lấy kết quả giải quyết các kiến nghị mà cử tri nêu làm một trong các căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với các Bộ trưởng, Trưởng ngành; có hình thức đánh giá, xử lý khi cá nhân, đơn vị thiếu trách nhiệm trong giải quyết trả lời kiến nghị cử tri.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, qua công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cơ quan thanh tra các cấp đã phát hiện 87 vụ việc với 123 cá nhân có hành vi liên quan đến tham nhũng (tăng 70% số vụ việc, 45% số người vi phạm so với năm 2016)...
Cơ quan điều tra đã thụ lý điều tra 354 vụ án, 785 bị can phạm tội về tham nhũng; đã kết luận điều tra 197 vụ, 467 bị can (tăng 77% số vụ).
Viện Kiểm sát các cấp thụ lý giải quyết 255 vụ, 571 bị can, đã giải quyết 222 vụ, 488 bị can, đạt tỷ lệ 86,6 %, giảm 0,88% so với cùng kỳ năm trước.
TAND các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 345 vụ với 799 bị cáo (giảm 4,4% số vụ); đã xét xử sơ thẩm 205 vụ, 433 bị cáo về các tội danh tham nhũng (tăng 5,7% số vụ), trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 49,7% (tăng 2% so với cùng kỳ); có 08 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân (tăng 60% so với cùng kỳ năm 2016).
Hương Giang
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ để tối ưu hóa nguồn lực, tránh chồng chéo, trùng lắp nhiệm vụ… theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc.
Hương Giang
23:28 11/12/2024(Thanh tra) - Sau khi hợp nhất Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành Bộ Kinh tế, Tài chính dự kiến sẽ giảm được 22 đầu mối, không còn tổng cục.
Hương Giang
23:23 11/12/2024Trung Hà
21:14 11/12/2024Bùi Bình
21:07 11/12/2024Bùi Bình
20:49 11/12/2024Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trung Hà