Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Trình Quốc hội quyết dự án đường kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng 1.930 tỷ đồng

Hương Giang

Thứ sáu, 14/04/2023 - 21:31

(Thanh tra) - Dự án đường kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707 có tổng mức đầu tư khoảng 1.930 tỷ, sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 5 tháng 5 tới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: PV

Ngày 14/4, tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 tháng 5 tới.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự án dự kiến trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư là dự án quan trọng quốc gia do chuyển đổi mục đích sử dụng 75,58 ha đất rừng, trong đó có 59,95 ha rừng đặc dụng và rừng phòng hộ cần xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng.

Với chiều dài khoảng 56,9 km đường cấp 3 miền núi, dự án được thực hiện trên địa bàn 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa.

Điểm đầu giao với QL27C tại Km16+900 thuộc địa phận xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh); điểm cuối tại ranh giới giữa tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận trên đường tỉnh ĐT.656 nối vào đường tỉnh ĐT.707, thuộc tỉnh Ninh Thuận

Tổng mức đầu tư dự án khoảng gần 1.930 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương 1.000 tỷ đồng, nguồn vốn địa phương 930 tỷ đồng (giai đoạn 2021 - 2025: 121,994 tỉ đồng; giai đoạn 2026 - 2030: 808,006 tỉ đồng). Dự án được thực hiện từ 2022 - 2027.

Ông Dũng cũng cho hay, Chính phủ đề xuất áp dụng cơ chế đặc biệt cho dự án. Cụ thể là giao UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện dự án theo trình tự, thủ tục thực hiện dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý.

“Tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án giao thông có quy mô tương tự hoặc lớn hơn”, Bộ trưởng nói.

Rõ trách nhiệm trong bố trí nguồn lực cho dự án

Thẩm tra sơ bộ, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội tán thành với sự cần thiết đầu tư dự án.

Cơ quan thẩm tra lưu ý về nguồn vốn. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, thực tế cho thấy, một số địa phương khi trình xin chủ trương dự án thì cam kết bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương, sau đó lại báo cáo khó khăn, xin vốn từ Trung ương.

“Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ xác định rõ trách nhiệm và chế tài xử lý trong việc bố trí nguồn lực cho dự án ngay trong nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương dự án”, ông Huy cho hay.

Về cơ chế đặc biệt áp dụng cho dự án mà Chính phủ đề xuất, Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường tán thành vì dù dự án có diện tích rừng cần chuyển đổi lớn hơn 50 ha nên phải được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy. Ảnh: P.Thắng

Dự án chỉ thuộc nhóm A về đầu tư công, quy mô về vốn đầu tư không lớn, thuộc loại công trình giao thông cấp 3, mức độ thi công không phức tạp. Do đó, nếu áp dụng các quy định đối với dự án có tiêu chí quan trọng quốc gia sẽ mất nhiều thời gian, lãng phí nguồn lực, theo ông Huy.

Thêm nữa, việc áp dụng cơ chế đặc biệt cũng đã được Quốc hội áp dụng với một số dự án. Tỉnh Khánh Hòa cũng có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án giao thông có quy mô, tiêu chuẩn tương tự hoặc lớn hơn.

Cơ quan thẩm tra đề nghị khi có các nội dung điều chỉnh, thay đổi so với chủ trương đã được Quốc hội thông qua sẽ phải thực hiện lại đầy đủ các quy trình, thủ tục để Quốc hội xem xét, quyết định.

Vẫn theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Thường trực Ủy ban cho rằng, thời gian thực hiện dự án đến năm 2027 là chưa phù hợp, có thể rút ngắn nếu dự án được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 5 nên đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ để rút ngắn thời gian, tránh đầu tư dàn trải, kéo dài.

Đến năm 2027 mới hoàn thành là quá lâu

Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ băn khoăn khi quy mô dự án “khiêm tốn” nhưng thời kì thực hiện đến năm 2027 mới hoàn thành là quá lâu.

Dự án chủ yếu sử dụng vốn Trung ương, nên Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn để xem xét trong đầu tư công có nội dung nào vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương không?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: P.Thắng

Tán thành tính cần thiết chủ trương đầu tư dự án này, theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, cần xem xét, rà soát, tính toán kỹ lưỡng, cụ thể hơn, để tránh lãng phí nguồn lực khi vận hành tuyến đường lâu dài.

Đặc biệt cần tính toán, làm rõ chi phí xây dựng đường hầm để đảm bảo cân đối chi phí, lợi ích hợp lý trong dài hạn, ông Cường nhấn mạnh.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói, hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh rất khó khăn, là vùng trũng và nghèo nhất của tỉnh Khánh Hoà.

Theo Bộ tưởng, nếu hoàn thành tuyến đường này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực này. Đặc biệt, tuyến đường này còn kết nối với tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng. Vì vậy, ông mong muốn Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ chủ trương.

Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707.

Ông Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến tham gia, chỉnh lý hoàn thiện hồ sơ dự án dự thảo nghị quyết về chủ trương đầu tư tuyến đường. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra chính thức, trình Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp thứ 5.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Chủ tịch nước: Ngành Ngoại giao cần làm tốt công tác tổ chức, cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 18

Chủ tịch nước: Ngành Ngoại giao cần làm tốt công tác tổ chức, cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 18

(Thanh tra) - Chiều 12/12, tại buổi làm việc với Bộ Ngoại giao, Chủ tịch nước Lương Cường đã yêu cầu ngành Ngoại giao làm tốt hơn nữa công tác tổ chức, sắp xếp bộ máy, đào tạo, đánh giá cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 18 về “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

T.T

21:06 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm