Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Tranh luận chống COVID -19: Chủng Delta có thể khiến "buổi sáng thức dậy đã bùng dịch mất rồi"

Hương Giang

Chủ nhật, 25/07/2021 - 17:21

(Thanh tra) - "Không thể lấy ca nhiễm 1 tỉnh làm thành công vì với chủng Delta như hiện nay không thể biết được, có khi buổi sáng thức dậy tỉnh mình đã bùng phát mất rồi”, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu (đại biểu Quốc hội đoàn Bình Định) nói và cho rằng, cần có kịch bản đầy đủ.

Đại biểu Quốc hội giơ biển tranh luận. Ảnh: Đ.X

Quốc hội dành 1 ngày (25/7) để thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp 6 tháng cuối năm 2021 (trong đó có nội dung về công tác phòng, chống dịch COVID -19); kế hoạch phát triển 5 năm 2021-2025.

Có thể triển khai cách ly F0 tại nhà

Từ nghị trường, đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) đánh giá Chính phủ đã chỉ đạo dập dịch, hạn chế số ca nhiễm, đáp ứng điều kiện để đảm bảo sức khỏe và tính mạng cho nhân dân.

Trước tình trạng số ca nhiễm tăng nhanh ở một số tỉnh, bà Lan nhất trí việc đưa vào nội dung nghị quyết kỳ họp về tăng cường phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Nữ đại biểu cũng đề nghị, tăng cường nguồn cung ứng vaccine, đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng cho người dân, giảm thiểu số ca nhiễm và tử vong.

Đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh)

“Thực tế tại Quảng Ninh, xây dựng kịch bản chi tiết, tốt các khâu như kiểm soát, truy vết, khoanh vùng, cách ly từ các cấp chính quyền đoàn thể, tổ dân phố, người dân nên không có ca lây nhiễm trong cộng đồng”, bà Lan thông tin.

Giơ biển tranh luận, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu (đại biểu Quốc hội đoàn Bình Định) nói: “Không thể lấy ca nhiễm 1 tỉnh làm thành công vì với chủng Delta như hiện nay không thể biết được, có khi buổi sáng thức dậy tỉnh mình đã bùng phát mất rồi”.

Để chống dịch, theo đại biểu cần có kịch bản đầy đủ và ông nêu ra 3 nguyên tắc: Chống lây lan tối đa; giảm tỉ lệ tử vong tối đa; đảm bảo phát triển kinh tế.

Về nguyên tắc giảm tỷ lệ tử vong, ông Hiếu cho rằng, cần chia hệ thống chống dịch thành 3 tầng.

Tầng 1 là bệnh viện dã chiến, chăm sóc người nhiễm F0 (không có triệu chứng) với nhiệm vụ không bỏ sót khiến đối tượng này trở thành bệnh nhân thực sự. Tại khu cách ly tập trung bệnh viện dã chiến cần thực hiện nghiêm túc quy trình theo dõi chặt chẽ, điều kiện sinh hoạt bảo đảm.

“Có thể triển khai cách ly F0 tại nhà”, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dẫn chứng biện pháp này được thực hiện tại Ấn Độ, Myanmar.

“Người nhiễm không triệu chứng có nhà riêng đủ điều kiện cách ly cần có các gói chăm sóc: Nhân viên y tế điện thoại 2 ngày/lần, sử dụng app chuyên dụng để nhận biết nguy hiểm, video call từ xa, tủ thuốc điều trị COVID -19 tại nhà...”, đại biểu đoàn Bình Định lưu ý.

Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu (đại biểu đoàn Bình Định)

Ở tầng 2 đã triển khai rộng rãi nhiều năm nay đó là các bệnh viện, trung tâm y tế điều trị các bệnh nhân mức độ vừa chưa cần thở máy, lọc máu.

Đại biểu cho rằng, tuyến này cần nhất đào tạo nhân viên y tế, nắm chắc các khuyến cáo hướng dẫn của Bộ Y tế, cần đánh giá mức độ bệnh chính xác để không chuyển tuyến quá sớm, quá muộn, bổ sung máy oxy dòng cao.

Tầng 3, đại biểu nhấn mạnh là “quan trọng nhất nhưng cũng yếu nhất đó là trung tâm điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch, chỉ nhận các bệnh nhân cần thở máy, thở máy”.

Vì vậy, ông đề nghị, nguồn lực của Trung ương cần tập trung vào đây sao cho số giường không thấp hơn 5% tổng số ca nhiễm. Ví dụ ước tính có 100.000 bệnh nhân thì có 5.000 giường.

Việt Nam đã có 130 triệu liều vaccine, đang đẩy nhanh tiêm chủng 

Dưới góc nhìn là một người trong ngành Y tế, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương Nguyễn Anh Trí (đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội) cho rằng, trong chống dịch sự linh hoạt rất quan trọng.

Ví dụ việc cách ly F1, F0 tại nhà hay khu cách ly tập trung thực cũng cần linh hoạt, theo ông Trí, nếu cách ly tại nhà thì phải thực hiện cho thật đúng, thật tốt, như các quy định về tiếp xúc, khám, xét nghiệm phải có y tế, dân phòng, công an phối hợp với gia đình để tổ chức triển khai nghiêm túc việc cách ly tại nhà.

Ông Nguyễn Anh Trí (đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội)

“Cần áp dụng mạnh mẽ việc khám, chữa bệnh từ xa vào hoạt động y tế trong mùa dịch”, ông Trí nói.

Ông Trí nhận định, kiên định “5K + vaccine” là 1 sáng tạo rất Việt Nam, nhưng ông lưu ý, “đừng tưởng đeo khẩu trang rồi thì không cần phải ở khoảng cách trên 2m, không cần phải khử khuẩn”; đồng thời khẳng định, chương trình vaccine là hết sức cần thiết để miễn dịch cộng đồng.

Tham gia giải trình, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, “làn sóng dịch hiện nay với biến chủng Delta đã làm đảo lộn kết quả phòng chống dịch bệnh của các nước trên thế giới”.

Ở Việt Nam, đợt dịch lần thứ tư bắt đầu từ cuối tháng 4 đang biễn biến phức tạp, có thể kéo dài, tác động sâu sắc tới kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.

Bộ Y tế đã huy động gần 7.000 nhân lực của Trung ương và địa phương để chi viện cho TP HCM và các tỉnh miền Nam, thiết lập kho dã chiến để hỗ trợ các địa phương khi vượt quá khả năng. “Về tổng thể các địa phương đang nỗ lực cố gắng kiểm soát sớm tình hình và có những tín hiệu tích cực, khả quan”, Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Đ.X

Về chiến lược vaccine, theo ông Long, đến nay, Việt Nam đã có các cam kết, thỏa thuận, hợp đồng và nhận được nhiều nguồn viện trợ của Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Úc, Anh… với số lượng trên 130 triệu liều, đang nỗ lực đàm phán ký kết trên 40 triệu liều để nâng tổng số lên 170 triệu liều vào năm 2021.

Riêng trong tháng 7 sẽ có khoảng hơn 12 triệu sẽ được chuyển cho các địa phương đang có dịch; các tỉnh, TP là đầu tàu kinh tế; các tỉnh khác để tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ.

Ông Long cũng cho biết, Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên trên thế giới phân lập, nuôi cấy vi rút mở đường cho nghiên cứu vaccine; là quốc gia đầu tiên trong Đông Nam Á tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3. Đến tháng 8/2021, mũi tiêm thứ 2 sẽ hoàn thành cho các đối tượng nghiên cứu và sẽ thực hiện việc đăng ký theo quy định…

Cũng theo Bộ trưởng, hiện nay có 3 hợp đồng chuyển giao công nghệ với Nga, Mỹ, Nhật đã được ký kết… “Chiến dịch tiêm chủng đã được khởi động và hiện đang đẩy nhanh tiến độ từ giờ đến cuối năm”, ông Long nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm