Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tránh lợi dụng “kẽ hở” điều chỉnh quy hoạch tạo lợi ích nhóm

Thứ sáu, 01/06/2018 - 14:30

(Thanh tra) - Sáng 1/6, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến Luật Quy hoạch. Giải trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng “hứa”, rà soát chặt chẽ để không tùy tiện điều chỉnh quy hoạch như đại biểu (ĐB) QH cảnh báo.

ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị)

Xóa bỏ cơ chế xin - cho

Quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đặt vấn đề: Chúng ta mong muốn có một hệ thống quy hoạch đồng bộ, thống nhất để khắc phục tình trạng quy hoạch chồng lấn quy hoạch, quy hoạch “treo” gây rất nhiều hệ lụy xấu trong thời gian qua.

Theo ĐB, Luật Quy hoạch được QH thông qua đã quy định nguyên tắc quy hoạch phải đảm bảo tính thống nhất đồng bộ, sự tuân thủ và có thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia.

“Tôi đề nghị bỏ toàn bộ nội dung quy hoạch xây dựng tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện và quy hoạch chung cho từng khu chức năng trong Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng để tránh trùng lặp, quy hoạch chồng lấn quy hoạch gây lãng phí nguồn lực”, ông Đồng nói.

Cũng theo ĐB đoàn Quảng Trị, Luật Quy hoạch quy định hoạt động phải đảm bảo nguyên tắc ổn định. Nhưng, Điều 37 Luật Xây dựng và Điều 49 Luật Quy hoạch đô thị quy định 2 loại điều chỉnh quy hoạch là điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ. Phạm vi điều chỉnh, mức độ điều chỉnh để xác định là điều chỉnh tổng thể hay điều chỉnh cục bộ lại không được quy định cụ thể.

“Điều này có thể dẫn đến việc lạm dụng hình thức điều chỉnh cục bộ để điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, thiếu tính ổn định ví dụ như tăng mật độ xây dựng, biến khu sản xuất thương mại thành nhà ở cao tầng đông đúc gây quá tải đến hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội..”, ông Hà Sỹ Đồng nói.

Để tránh việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, ĐB đề nghị, quy định rõ trường hợp được áp dụng hình thức điều chỉnh tổng thể, hình thức điều chỉnh cục bộ tại Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị để bảo đảm đồng bộ với nguyên tắc chung của hoạt động quy hoạch đã được quy định tại Luật Quy hoạch tránh tình trạng lợi dụng kẽ hở chính sách tạo lợi ích nhóm.

Đồng ý, sửa đổi, bổ sung 13 luật liên đến luật quy hoạch, ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nhấn mạnh, điều này sẽ “bù đắp các khoảng trống pháp lý, đảm bảo nguồn lực cho công tác lập quy hoạch ở các thời kỳ khác nhau”.

Tuy nhiên, ĐB Tiến lưu ý, việc sửa đổi này phải bảo đảm tiến tới xóa bỏ cơ chế xin - cho, lợi ích nhóm liên quan đến quy hoạch đô thị.

Bỏ quy hoạch nghề công chứng, rà soát chặt tiêu chuẩn

Liên quan đến, sửa đổi, bổ sung của Dự thảo Luật Công chứng, Chính phủ đề nghị bỏ quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng.

Tán thành, ĐB Đặng Thế Vinh (Hậu Giang) nhận định, đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nếu cạnh tranh không lành mạnh sẽ xử lý theo Luật Cạnh tranh. Cho nên, không lo việc bỏ quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng.

Song theo ĐB, cần thành lập bỏ sung các văn phòng công chứng ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Làm rõ thêm, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long (ĐBQH đoàn Kiên Giang) cho hay, ở nhiều nước quy định rất chặt chẽ về công chứng, như kiểm soát số lượng và quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn đối với các tổ chức hành nghề công chứng.

“Với Việt Nam, thực tế việc bỏ quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng, cần đi đôi với điều kiện về tiêu chuẩn, tiêu chí để tránh rủi ro. Hiện cả nước có 970 tổ chức hành nghề dịch vụ công chứng, chủ yếu ở các địa phương, còn vùng sâu vùng xa do nhu cầu không lớn, chủ yếu công chứng ở các xã. Các tổ chức với số lượng như vậy về cơ bản đáp ứng nhu cầu về kinh tế - xã hội”, ông Long nói.

Cũng theo Bộ trưởng Tư pháp, đi cùng với bỏ quy định quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng cần phải rà soát chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn, điều kiện và tiêu chí.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) lưu ý, dự án luật phải chỉnh sửa hết sức thận trọng. Theo ĐB, việc điều chỉnh không chỉ bảo đảm đồng bộ mà lại còn gây ra những tác động mới đối với các luật hiện hành.

“Việc này không nên vội, nếu các ĐB thấy cần phải có thời gian thì đề nghị chưa nên thông qua, sau khi đánh giá đầy đủ tác động, thì mới sửa đổi, chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Giải trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, Luật Quy hoạch rất khó, qua 3 kỳ họp mới thông qua được. Để thi hành đồng bộ với Luật Quy hoạch cần sửa đổi 25 luật.

“Lần này chỉ sửa đổi, bổ sung 13 luật, còn 14 luật để lại sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội”, Bộ trưởng nói.

Trước các ý kiến của ĐB, theo Bộ trưởng, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra sẽ tiếp tục rà soát theo tinh thần những gì trùng lặp với quy hoạch tỉnh và các quy hoạch chuyên ngành khác thì loại bỏ, còn cái gì hợp lý, không trùng lặp thì giữ lại.

Theo tờ trình của Chính phủ, việc ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại 13 luật (gồm: Luật Hóa chất, Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, Luật An toàn thực phẩm; Luật Dược; Luật Công chứng; Luật Trẻ em; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Khoa học công nghệ; Luật Xây dựng; Luật Quy hoạch đô thị) để có hiệu lực đồng thời với Luật Quy hoạch từ ngày 1/1/2019 là cần thiết.

Việc sửa đổi cũng nhằm tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch ngành, góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh và đảm bảo nguồn kinh phí cho việc lập quy hoạch cho thời kỳ 2021 - 2030.

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm