Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Trạng thái “tân quan, tân chính sách”, “dấu vết nhiệm kỳ” là có thật

Thứ năm, 13/09/2018 - 19:48

(Thanh tra)- Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phát biểu như vậy tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của QH ngày 13/9.

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu. Ảnh: Quang Khánh

Tại phiên họp, các ý kiến đánh giá, thời gian qua, với sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần đặt ra để có giải pháp thực hiện tốt hơn.

Có tâm lý vướng một cái là đề nghị sửa luật ngay

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, chất lượng hồ sơ một số dự án luật trình sang QH còn hạn chế, từ báo cáo đánh giá tác động sơ sài, lấy ý kiến đối tượng tác động còn hình thức, nên khi đưa ra thảo luận thì “vỡ trận”.

Bà Nga cho hay, cá biệt, có một số bộ, ngành, bộ trưởng ủy quyền cho thứ trưởng, thứ trưởng lại ủy quyền cho vụ trưởng, sau này để lại cho các Ủy ban của QH chỉ một vài chuyên viên tham gia.

“Đôi lúc, chúng tôi có cảm giác một vài chính sách chỉ là ý tưởng của một số chuyên viên chưa được thẩm định kỹ. Trong khi, quy trình xin ý kiến của Chính phủ, có những cái Chính phủ bàn kỹ, có chính sách qua phiếu xin ý kiến…, nên chất lượng một số chính sách không bảo đảm”, bà Nga nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng băn khoăn về tính ổn định của hệ thống pháp luật, khi “cầm một đạo luật mà không biết luật này đã bị sửa bởi những luật nào và sẽ bị sửa đổi bởi những luật nào khác”.

“Giờ có tâm lý là các bộ, ngành làm cái gì động vướng một cái là đề nghị sửa luật ngay. Cứ vướng một cái là sửa luật. Cần phải chú ý để giữ sự ổn định của hệ thống luật”, bà Nga nói.

Ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch QH cũng lo lắng khi một số luật có nguy cơ phá vỡ tính thống nhất của cả hệ thống pháp luật. Ông Hiển nhắc lại việc thảo luận dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) - một dự án Luật mà theo ông, tác động đến rất nhiều luật khác.

“Luật Giáo dục nói đến thuế, nói đến chính sách tiền tệ (cho vay), chính sách miễn giảm nọ, miễn giảm kia... Cơ chế có liên quan đến một ngành nhưng lại tác động đến các lĩnh vực khác, thiếu mỗi không có Luật Hình sự trong đó thôi. Tôi rất lo”, ông Hiển cho rằng, thực chất, hệ thống pháp luật hiện nay khá hoàn thiện, đầy đủ nhưng quan trọng là khâu tổ chức thực hiện chưa tốt nên cứ vướng cái là sửa.

Cũng quan tâm đến vấn đề này, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, cần xem vướng mắc nhất vấn đề gì thì sửa để bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật.

“Doanh nghiệp nói là thủ tục hành chính của Việt Nam rất lạ lùng và thái độ phục vụ của cán bộ, công quyền không giống ai thì tập trung sửa việc này. Chính phủ nhiệm kỳ này cũng rất quyết tâm làm việc này. Rồi địa phương cần cái gì, mong muốn thực thi pháp luật cho tốt thì cần phân cấp, phân quyền rõ ràng và người ta sẵn sàng chịu trách nhiệm”, ông Nguyễn Văn Giàu nêu.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại còn thẳng thắn, “tôi nghiên cứu thì thấy có vẻ rơi vào trạng thái “tân quan, tân chính sách” là có thật. Thứ hai, dấu vết của nhiệm kỳ là có thật. Thứ ba, hay vì cuộc sống phải làm luật, phải có dự án luật... thì mới có kinh phí?”.

Cán bộ không tôn trọng pháp luật thì đòi hỏi người dân làm sao?

Nhắc lại tồn tại, hạn chế về việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật ở một số nơi chưa nghiêm mà báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra, ông Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương nêu, báo cáo hàng năm thì điểm yếu này cũng còn nhắc mãi.

“TVQH có nhiều nghị quyết rất nghiêm, trong đó có yêu cầu xem xét trách nhiệm người đứng đầu, nhưng lâu nay ta làm được chưa? Nhiều dự án luật chất lượng chưa tốt, thậm chí như chị Nga (Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - PV) vừa nói là “dồn” hết cho cơ quan thẩm tra thì xem xét trách nhiệm Bộ trưởng liên quan thế nào?. Nếu chúng ta siết chặt thì tình hình sẽ tốt hơn”, ông Nguyễn Thái Học nhấn mạnh.

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương cũng đặt vấn đề, công tác triển khai, thi hành, tuyên truyền pháp luật không tốt thì luật đi vào cuộc sống thế nào? Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật từ Trung ương đến địa phương đều có cả, nhưng có làm hay không, làm thế nào?

“Điều tôi rất suy nghĩ, từ báo cáo giám sát của Uỷ ban Tư pháp vừa rồi liên quan đến thực hiện Luật Tố tụng hành chính cho thấy, cán bộ lãnh đạo chính quyền ở các địa phương không gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật”, ông Học phát biểu.

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học. Ảnh: Quang Khánh

Luật Tố tụng hành chính quy định Chủ tịch, Phó Chủ tịch phải có trách nhiệm tham gia đối thoại, đến toà tham gia tố tụng nhưng lãnh đạo nhiều địa phương không chấp hành, thậm chí bản án có hiệu lực cũng không chịu thi hành.

“Luật pháp ban hành, dù đúng hay sai, phù hợp hay không thì công dân phải thi hành, nếu không sẽ bị xử lý. Bây giờ nói Luật Tố tụng hành chính không phù hợp, cán bộ Nhà nước không thực hiện thì có đảm bảo tính công bằng hay không?. Người đứng đầu cấp chính quyền không gương mẫu, tôn trọng luật pháp thì chúng ta đòi hỏi người dân thượng tôn pháp luật ra làm sao?”, ông Nguyễn Thái Học chốt lại, Ban Nội chính Trung ương sẽ có kiến nghị và phải chấn chỉnh vấn đề này.

Cũng tại phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải bày tỏ băn khoăn về con số hơn 5.600 văn bản ban hành có dấu hiệu trái pháp luật được thể hiện trong báo cáo của Bộ Tư pháp.

“Nguyên nhân thì nhiều, văn bản sai có thể sửa. Nhưng đánh giá hậu quả do việc thi hành văn bản đó, cũng như xem xét trách nhiệm cán bộ công chức tham mưu, soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản chưa quyết liệt”, Trưởng Ban Dân nguỵện nói.

Theo bà Hải, để không tái diễn tình trạng này trong thời gian tới thì việc xử lý trách nhiệm cần nghiêm minh hơn. “Cần phải nêu địa chỉ cụ thể. Tới đây, trong báo cáo kiến nghị của cử tri, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp để nêu những cơ quan, tổ chức, địa phương nào ban hành nhiều văn bản trái pháp luật”, Trưởng Ban Dân nguyện cho biết.

Liên quan công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, trong báo cáo thẩm tra, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nhận thấy, thời gian qua, công tác này đã được quan tâm, tăng cường và đạt được kết quả tích cực.

Theo Báo cáo của Chính phủ, qua kiểm tra 6.732 văn bản (1.086 văn bản cấp Bộ; 5.646 văn bản của địa phương), Bộ Tư pháp phát hiện 3/74 thông tư là văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh có sai sót về hiệu lực và nội dung.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho hay, báo cáo chưa thể hiện đầy đủ kết quả của công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được ban hành. Do đó, Ủy ban này đề nghị bổ sung các đánh giá về công tác này như việc tuân thủ các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hình thức ban hành…; đồng thời, cần so sánh với kết quả của công tác này các năm trước để có cơ sở đánh giá cụ thể hơn.


Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm