Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Trạm BOT sai vị trí: Có phải Bộ Giao thông sợ bị kiện nên có tư duy vá “ổ gà”?

Thứ hai, 04/06/2018 - 11:20

(Thanh tra) - Đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong sáng nay 4/6, Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể nhận được hàng loạt câu hỏi “nóng” về BOT, thu phí BOT…

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể

Đã vì lợi ích của dân chưa?

Mở đầu, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị, Bộ trưởng làm rõ, việc thu phí BOT thực hiện trên các cơ sở mở rộng, nâng cấp đường Quốc lộ 1 sắp tới khắc phục như thế nào?

“Việc thu phí BOT đứng trên lợi ích của người dân”, Bộ trưởng GTVT trả lời.

Theo Bộ trưởng, thời gian vừa qua, mặt bằng giá tăng cao, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ đã phối hợp với địa phương, nhà đầu tư rà soát, giảm toàn bộ 56 dự án BOT. Có dự án giảm 2 - 3 lần, từ 35.000 đồng xuống có còn 15.000 đồng/lần.

“Chúng tôi đứng trên quan điểm của người dân, căn cứ tính phí giảm phí là căn cứ và lưu lượng xe qua và khả năng giảm vốn để điều chỉnh”, ông Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Mặc dù không chất vấn trước đó, nhưng sau khi nghe Bộ trưởng trả lời, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) giơ biển tranh luận.

Theo ĐB Hàm, bức xúc của người dân nằm ở 17 dự án, đặt trạm thu phí sai vị trí. Trong đó ,có 3 dự án dân không đi phải trả tiền, 6 dự án nằm trên đường cao tốc và đường chính thì đặt trạm ở đường chính để thu cả đường cao tốc, người dân không đi cao tốc cũng phải trả tiền; 6  dự án không đi đường tránh cũng phải trả tiền.

“Báo cáo của Bộ trưởng và giải pháp mà Bộ trưởng nêu, tôi chỉ thấy toát lên vấn đề dân chịu thì thu, dân không chịu thì dừng, giảm giá, sau đó thuyết phục, không chịu thì lại dừng, dân chịu lại thu. Tôi hỏi Bộ trưởng như vậy đã vì lợi ích của dân chưa. Tại sao dân không đi lại trả tiền”, ĐB Hàm chất vấn.

Trả lời, Bộ trưởng Thể cho biết, có 3 trạm đặt ở ngoài phạm vi dự án là do “lịch sử để lại”. Bộ đã báo cáo Chính phủ vì nếu di dời trạm thì phải có kinh phí để thực hiện hợp đồng với nhà đầu tư BOT.

Cũng theo ông Thể, việc mở tuyến tránh, thời điểm đó, nghiên cứu dự án đều thực hiện đúng trình tự thủ tục của pháp luật, có sự cộng đồng trách nhiệm, không chỉ Bộ GTVT mà các bộ, ngành, địa phương. Hiện nay, ngân sách khó khăn, khó bố trí nguồn vốn để mua lại toàn bộ dự án này.

“Để bảo đảm hài hoà, chúng tôi cố gắng giảm chi phí người dân tốt nhất, giảm toàn bộ xe của người dân sống trong khu vực trạm thu BOT. Có dự án mở rộng 10km từ trạm ra đều miễn giảm theo chính sách”, Tư lệnh ngành Giao thông nói.

Tranh luận

Phần trả lời của Bộ trưởng GTVT không làm hài lòng nhiều ĐB.

Tranh luận lần hai, ĐB Hoàng Quang Hàm nói, nghe Bộ trưởng giải thích thì tôi thấy có thêm một giải pháp, đây là các vấn đề của lịch sử.

ĐB Hoàng Quang Hàm

“Ngày xưa, khi ta làm dự án này, bộ, ngành, địa phương, nhà thầu và ngân hàng thống nhất với nhau. Người dân có biết đâu, tại sao bây giờ người dân phải chịu? Tại sao bây giờ đường chính chúng ta không chỉ thu phần chúng ta cải tạo thôi? Chúng ta đã thương thảo với các nhà đầu tư giảm lợi nhuận đúng mức chưa, đã thương thảo với ngân hàng giảm lãi suất chưa?”, ông Hàm đặt một loạt câu hỏi.

ĐB đoàn Phú Thọ nói thêm, “ngày xưa ba đối tác này thương thảo với nhau làm dự án, giờ vỡ lở ra dân phải chịu thì tôi thấy chưa thỏa đáng”.

Cũng giơ biển tranh luận, ĐB Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh “truy”, có phải do có khả năng nhà đầu tư BOT kiện lại Bộ GTVT nên Bộ mới có dư duy vá “ổ gà” để xử lý những trạm BOT đặt sai vị trí không?.

“Tôi rất đồng tính với quan điểm của ĐB Hàm. Bộ trưởng nói rằng, tiếp tục giảm giá, giảm cước và kéo dài thời gian thu phí, tôi nghĩ, đây là tư duy không thể thể chấp nhận được, đề nghị Bộ trưởng giải thích thêm”.

ĐBQH Mai Sỹ Diễn (đoàn Thanh Hóa) cũng tranh luận, nghe cách giải thích của Bộ trưởng tôi thấy giống như ban phát xin - cho. Chúng ta cần thực hiện nguyên tắc cung - cầu theo cơ chế thị trường, quyền lợi của người dân, nhà đầu tư phải bình đẳng như nhau nhau. Chứ không thể vì nhà đầu tư, áp lực của người dân thì giảm giá. Đơn giá mới đầu 10 đồng, sau giảm 8 đồng, 5 đồng, như thế thì không được.

“Khởi công năm 2014 hoàn thành năm 2015 và năm 2016 hư toàn tuyến”

ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định) chất vấn người đứng đầu ngành GTVT liên quan đoạn đường quốc lộ 1A qua Bình Định đang xuống cấp.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, sau khi hoàn thành quốc lộ 1 đoạn qua Bình Định, thời tiết khắc nghiệp, mùa hè kéo dài nắng nóng, bão lũ nhiều và lớn, lưu lượng giao thông lớn nên đoạn qua Bình Định đã hư hỏng nặng.

“Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan tập trung duy tu sửa chữa, nhưng kinh phí duy tu sửa chữa mới chỉ đáp ứng 30% trên phạm vi cả nước. Hiện nay sửa chữa gặp nhiều khó khăn nên đoạn qua đây chưa đáp ứng yêu cầu”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Theo Bộ trưởng, muốn có tiền để sửa chữa triệt để, cần phải được Quốc hội quyết định về vốn, nên “Bộ không thể trả lời đến thời gian nào”.

Tranh luận lại, theo ĐB Lý Tiết Hạnh nêu, đồng ý với Bộ trưởng đường hỏng có tác động của thời tiết và môi trường, nhưng đường quốc lộ là đường vĩnh cửu.

“Tuyến đường qua Bình Định, khởi công năm 2014, hoàn thành năm 2015 và năm 2016 hư toàn tuyến. Vậy hỏi Bộ trưởng cùng một thời điểm Quảng Ngãi và Phú Yên đầu tư đường tốt, xe tải trọng chạy suốt tuyến Bắc Nam, không riêng gì xe tải trọng nặng chạy qua Bình Định. Bộ trưởng cũng nói là chờ vốn thì người dân Bình Định phải chờ đến bao giờ nữa?”, ĐB chất vấn.

Trả lời, Bộ trưởng thừa nhận, có một số hạng mục nhà thầu triển khai còn có vấn đề. Bộ đã kiểm tra và đã có kết luận, trách nhiệm thuộc các nhà thầu và các cơ quan liên quan. Bộ đã yêu cầu khắc phục và “chúng tôi hứa sẽ cố gắng trong khả năng của mình”.

Về việc thiếu vốn để khắc phục nâng cấp đoạn đường này, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết sẽ sử dụng vốn Quỹ Bảo trì đường bộ. Còn giải pháp căn cơ thì Quốc hội phải biểu quyết thông qua.

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm