Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 04/06/2018 - 06:04
(Thanh tra) - Sáng nay (4/6), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể sẽ là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại nghị trường Quốc hội. Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, đại biểu Quốc hội (ĐBQH đoàn Quảng Trị) Đỗ Văn Sinh trao đổi với báo chí xoay quanh câu chuyện BOT, “phí - giá”.
Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế, ĐBQH đoàn Quảng Trị Đỗ Văn Sinh
BOT: Không phải muốn làm gì thì làm
+ Thời gian qua, câu chuyện về BOT giao thông là vấn đề nóng, được người dân và dư luận quan tâm. Đây có phải là vấn đề được ĐBQH quan tâm, chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể?
- Tôi tin chắc vấn đề BOT giao thông, ĐB và xã hội rất quan tâm. Chính vì vậy, ĐBQH sẽ đặt rất nhiều câu hỏi với Bộ trưởng GTVT về vấn đề này. Có lẽ, điều ĐBQH và người dân quan tâm nhất chính là sự minh bạch, từ khâu lập dự án, đến tổ chức thực hiện, rồi vận hành dự án BOT.
Điều quan trọng là phải đảm bảo sự hài hòa, mang lại quyền lợi cho cả ba bên: Nhà nước, người dân và nhà đầu tư. Có như vậy, chúng ta mới có những con đường đẹp, công trình đẹp, phục vụ người dân tốt hơn, và cũng chính là để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
+ Để đạt được mục tiêu đó, cần phải có được sự quản lý, giám sát thật chặt chẽ từ phía Nhà nước, thưa ông?
- Suy cho cùng, các công trình kết cấu hạ tầng là tài sản của Nhà nước, tài sản công. Đã là tài sản công thì trách nhiệm của Nhà nước phải đầu tư. Thế nhưng hoàn cảnh hiện nay, do nhà nước không có vốn để đầu tư, chúng ta phải đi vay, nhưng bằng hình thức vay của nhà đầu tư.
Trên cơ sở đó, nhà đầu tư bỏ vốn ra cho Nhà nước vay, đầu tư hạ tầng đó và người ta được quyền thu lại chi phí đó. Đấy là đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao. Sau khi thu hoàn vốn xong, nhà đầu tư lại chuyển cho nhà nước, đó là BOT.
Đã là tài sản công thì chúng ta phải quản lý ở tất cả các quy trình, từ khâu lập dự án, đến tổ chức thực hiện, rồi quản lý, vận hành dự án. Đặc biệt, việc này phải được minh bạch hóa, phải được quản lý rất chặt chẽ và phải có sự giám sát của cộng đồng, của người dân, chứ không phải nhà đầu tư muốn làm gì thì làm.
+ Qua theo dõi, cá nhân ông thấy Chính phủ cũng như ngành giao thông có sự chuyển biến gì không, nhất là từ khi QH ra nghị quyết về BOT?
- Cá nhân tôi cho rằng, Chính phủ đã có sự cải thiện rất nhiều. Từ khi QH có nghị quyết, Chính phủ cũng có nghị quyết tiếp theo và đang chuẩn bị sửa lại nghị định về các công trình triển khai dạng như thế này.
Chính phủ đã thực hiện theo Nghị quyết của QH là kiểm soát ngay từ đầu, kiểm soát tất cả các dự án. Trong đó có lĩnh vực rất quan trọng là kiểm soát các dự án đường, sẽ không có chuyện cải tạo con đường cũ, mà phải làm đường BOT mới, để người dân có sự lựa chọn. Đó là một sự minh bạch.
Kiểm soát “phí - giá” thế nào?
+ Xung quanh câu chuyện BOT, những ngày gần đây, người dân đặc biệt quan tâm đến việc chuyển từ “phí” sang “giá”, rồi lại chuyển “học phí” sang “giá dịch vụ đào tạo”… Tại phiên chất vấn này, với sự tham gia của các tư lệnh ngành giao thông, giáo dục, chắc hẳn câu chuyên “phí - giá” cũng cần được làm rõ?
- Chắc chắn chúng ta cần phải làm rõ, để cách quản lý phải theo hướng rất mạch lạc. Giá là giá, phí là phí. Không thể lẫn lộn hai lĩnh vực với nhau được.
Nhưng để hiểu rõ bản chất vấn đề này, chúng ta phải quay lại câu chuyện tại sao lại gọi là phí? Trên thực tế, chúng ta quen sử dụng từ “phí” rất lâu rồi, ví dụ như “học phí”, hay “viện phí… Tất cả đều gắn với đời sống hàng ngày của chúng ta từ rất lâu và đã được thể hiện trong pháp luật.
Thời kỳ đó, tất cả được Nhà nước bao cấp, từ đầu tư cho bệnh viện cho đến giáo dục. Sau đó, thu một phần, chứ không phải thu toàn bộ. Tức là phí đó chỉ được thu một phần trong toàn bộ chi phí đã bỏ ra. Thực chất, gọi đầy đủ phải là chi phí để sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh, chi phí để sử dụng dịch vụ đường bộ.
Bây giờ chúng ta chuyển đổi sang nền kinhh tế thị trường. Đặc biệt, trong bối cảnh ngân sách nhà nước hiện nay còn đang rất khó khăn, chúng ta phải huy động các nguồn lực khác.
Rõ ràng, khi chúng ta huy động nhà đầu tư bỏ vốn ra đầu tư thì người ta phải tính đủ chi phí để thu lại, chứ họ không thể cho không được. Và cái người ta muốn thu lại chính là chi phí đầy đủ và được xác định. Đó chính là giá sử dụng dịch vụ.
Tất nhiên, tôi cũng phải nhấn mạnh rằng, đây là tài sản công thì chúng ta phải quản lý cho chặt chẽ.
+ Điều khiến nhiều người dân lo lắng là khi chuyển từ cơ chế phí sang cơ chế giá, liệu nhà đầu tư có đẩy giá tăng lên không, thưa ông?
- Tôi cho rằng, bản chất ở đây là chúng ta kiểm soát được các dự án ngay từ ban đầu. Toàn bộ tổng đầu tư dự án có đúng không, kết cấu công trình có đảm bảo hay không? Trên cơ sở tính toán lưu lượng dòng xe trên quãng đường đó bao nhiêu, từ đó tính ngược lại mức thu, thời gian. Làm sao đến một thời gian nhất định nào đó, nhà đầu tư thu lại vốn, rồi trả lại công trình đó cho nhà nước. Nếu kéo dài thời gian thu vốn thì chi phí sử dụng giảm xuống, còn nếu thu ngắn lại thì chi phí tăng lên.
Rõ ràng ở đây có vai trò của Nhà nước, khi xác định công trình kết cấu hạ tầng là tài sản công, chúng ta phải quản lý theo trình tự tài sản công. Chính phủ đang làm việc đó. Việc quản lý bắt đầu từ khâu đề ra đến khâu thực hiện, vận hành dự án, làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích của cả ba bên như tôi vừa nói.
+ Để làm được điều này, có lẽ ngay từ khâu đầu vào, tự lựa chọn nhà đầu tư đến nguồn vốn tự có của họ cũng phải được minh bạch, chặt chẽ, thưa ông?
- Rõ ràng câu chuyện này cũng phải hết sức minh bạch. Trước kia có chuyện nhà đầu tư đề xuất ra và chúng ta chỉ định thầu. Bây giờ ai đề xuất cũng được, nhưng phải được cơ quan nhà nước duyệt dự án đầu tư đó và chúng ta tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch.
Về vốn vay, Chính phủ sẽ quy định rất rõ, BOT đầu tư phải có vốn tối thiểu 20% tổng vốn dự án đó, còn trước kia chỉ dưới 15%. Nhà đầu tư phải chứng minh đủ năng lực tài chính, năng lực kỹ thuật thì mới được triển khai dự án.
+ Xin cảm ơn ông!
Bộ trưởng phải trả lời thẳng, không tranh thủ báo cáo thành tích
Tại kỳ họp này, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn được cải tiến nhằm tăng cường tính tranh luận khi mỗi ĐB có 1 phút để đặt câu hỏi và người được chất vấn sẽ trả lời sau khi 3 ĐB hỏi, thời gian trả lời không quá 3 phút.
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn TP Đà Nẵng) cho rằng, đổi mới này đòi hỏi ĐBQH phải hỏi thẳng, không giảng giải. Bộ trưởng cũng vậy!.
“Các Bộ trưởng phải trả lời thẳng vào vấn đề chứ không tranh thủ báo cáo thêm thành tích. Hơn nữa, hiện tranh luận trong chất vấn rất hay. Nếu Bộ trưởng không nắm chắc lĩnh vực của bộ mình, ngành minh, trả lời không chuẩn xác thì các ĐB sẽ tranh luận lại”, bà Thúy nhấn mạnh.
Cũng theo nữa ĐB đoàn TP Đà Nẵng, “dù rất căng”, nhưng đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội, nếu Bộ trưởng biết sẽ biến thách thức thành cơ hội để chia sẻ, giải bày những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi trước QH, cử tri cả nước.
Chung quan điểm, ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) nhấn mạnh, với cách thức đổi mới chất vấn, các tư lệnh ngành phải trả lời thẳng, chưa không thể “báo cáo tình hình, nói vấn đề khác để kéo dài thời gian”.
“Nóng” khiếu kiện đất đai, chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà |
Từ 15h10, cùng ngày 4/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà sẽ đăng đàn trả lời chất vấn
Theo ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội), trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, nhiều cử tri, ĐB quan tâm đến tình hình quản lý đất đai.
“Ở đây không phải là quản lý về mặt hành chính mà có lẽ liên quan đến những khiếu kiện đất đai kéo dài, đông người. Vấn đề đặt ra, quản lý đất đai của chúng ta đã làm tốt chưa. Rõ ràng, đây là vấn đề quan tâm của đông đảo cử tri, nhân dân”, ĐB đoàn TP Hà Nội nói.
Cũng quan tâm đến vấn đề đất đai, ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) cho biết sẽ chất vấn với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà.
“Theo tôi, đất đai là một tài sản rất vô giá của Nhà nước nhưng hiện lại đang có tình trạng thất thoát khá lớn do khâu quản lý còn tồn tại nhiều hạn chế. Tôi mong muốn Bộ trưởng Trần Hồng Hà sẽ đưa ra được các giải pháp quản lý đất đai chặt chẽ hơn”.
Theo chương trình chi tiết phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 6/6, lần đầu tiên kể từ khi làm Phó Thủ tướng, ông Vương Đình Huệ trở thành “nhân vật chính” của “ghế nóng” tại nghị trường. Phó Thủ tướng sẽ có 120 phút trả lời chất vấn của các ĐBQH.
ĐBQH Cường cho hay, trong các phiên thảo luận tại nghị trường QH, nổi lên vấn đề quản lý vốn, tài sản của Nhà nước.
“Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Vậy hoạt động của Ủy ban này thế nào, có khắc phục được tình trạng thất thoát vốn, tài sản Nhà nước không? Hay tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chậm thì nguyên nhân tại sao, làm thế nào để đẩy nhanh tiến độ? Rồi việc khắc phục, xử lý 12 đại dự án thua lỗ, mặc dù Bộ Công thương đã có giải trình, nhưng tôi nghĩ, Chính phủ cần phải có tiếng nói rõ ràng hơn trong việc này”, ĐB Cường nói.
Hương Giang
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sau 2 ngày 13-14/12, Đại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo thành phố bầu ra Ban Chấp hành gồm 9 đồng chí và bầu Nhà báo Nguyễn Anh Tú là Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2024-2029.
Kim Thành
19:37 14/12/2024(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Trần Kiên
19:34 14/12/2024Hương Giang
16:17 14/12/2024Trần Quý
14:00 14/12/2024Bùi Bình
19:37 13/12/2024Trung Hà
16:40 13/12/2024Ngọc Giàu
T.Lương
Đông Hà
Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân