Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tôi được hiểu thêm về công việc đồng nghiệp đang gánh vác

Chủ nhật, 08/01/2012 - 06:27

(Thanh tra)- Sau hơn một năm nhận nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo và theo sát công việc của ngành tại khu vực phía Nam, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Thị Thủy đã để lại nhiều ấn tượng và tình cảm tốt đẹp trong lòng các đồng nghiệp và các địa phương nơi đến công tác.

Phó Tổng Thanh tra Lê Thị Thủy. Ảnh: H.Tuấn

Nhận một công việc “quá khổ” ở phía Nam, bà có e ngại không?

Đ/c Lê Thị Thủy: Ngành mình có chỗ nào sướng đâu! Làm việc ở đâu cũng có nỗi vất vả và niềm vui riêng cả. Nhưng vào công tác tại phía Nam, một mặt tôi đứng trước thử thách, mặt khác tôi lại được thử sức và khám phá thêm những tình huống mới mà người lãnh đạo cần hiểu và xử lý. Một năm công tác đã cho tôi thêm nhiều kinh nghiệm quý báu, và tôi cũng hiểu thêm rất nhiều về công việc mà các đồng nghiệp của tôi đang gánh vác.

Bà có cảm nhận và ấn tượng như thế nào về con người ở vùng đất phương Nam?

Đ/c Lê Thị Thủy: Trong công việc, tôi nhận thấy người phương Nam rất quan tâm và có trách nhiệm, nhất là trong lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), nên đã giải quyết cơ bản các vụ việc thuộc thẩm quyền, tình hình khiếu kiện các tỉnh trong khu vực có nhiều chuyển biến tích cực.

Đối với những vụ việc phức tạp kéo dài khi Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ chủ trì tham mưu giải quyết, thì qua tiếp xúc, làm việc đã tranh luận thẳng thắn giữa lãnh đạo địa phương và Thanh tra Chính phủ, đã tạo được sự thống nhất cao nên đã giải quyết dứt điểm được nhiều vụ việc, được dân đồng tình, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội.

Đội ngũ cán bộ làm công tác Thanh tra rất có tâm huyết, năng động, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ và gắn bó với Ngành. Con người của vùng đất phương Nam chất phác, chân tình, cầu thị, có sự chia sẻ cao. Qua một năm gắn bó với con người ở vùng đất này, tôi đã hiểu biết được nhiều hơn về điều kiện kinh tế - xã hội, phong cách và lối sống của người dân nơi đây. Tôi rất trân trọng và sẽ mãi gìn giữ những tình cảm tốt đẹp của anh em trong Ngành, của lãnh đạo và bà con các địa phương trong khu vực đã dành cho tôi khi đến làm việc, công tác.

Năm 2011, các tỉnh thành phía Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc giải quyết KNTC, giải quyết các vụ việc tồn đọng, kéo dài. Bà đánh giá thế nào về kết quả, kể cả những hạn chế, tồn tại?

Đ/c Lê Thị Thủy: Khu vực 20 tỉnh, thành phố phía Nam là địa bàn trọng điểm, có nhiều vấn đề cần phải tập trung trong giải quyết KNTC. Đặc biệt là sau khi Đại hội Đảng các cấp thành công tốt đẹp thì tiếp đến là việc bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, nên cấp ủy chính quyền các cấp phải tập trung xử lý một khối lượng công việc rất lớn, trong đó có việc giải quyết đơn thư để ổn định tình hình phục vụ tốt cho công tác bầu cử, nhất là việc giải quyết đơn thư KNTC liên quan đến nhân sự bầu cử. Nhưng cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan tham mưu chuyên trách, Mặt trận Tổ quốc cùng các đoàn thể các tỉnh trong khu vực đã vào cuộc, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp giải quyết đơn thư kịp thời, khách quan, đúng quy định các vụ việc ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở. Nhiều tỉnh giải quyết KNTC đạt tỷ lệ cao như tỉnh Bình Phước đạt 94,3%, Bình Dương đạt 90,97%, Sóc Trăng đạt 90,4%, TP. Cần Thơ đạt 90,2%, TP. Hồ Chí Minh đạt 86,26%...

Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương do chưa tập trung chỉ đạo giải quyết KN ngay từ cơ sở, nên để xảy ra tình trạng KN vượt cấp, công dân kéo đoàn đông người đến Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước và các cơ quan Trung ương; còn có những vụ việc giải quyết chưa thấu tình, đạt lý; cùng 1 vụ việc phải giải quyết đi giải quyết lại nhiều lần; việc rà soát các vụ việc KN tồn đọng, kéo dài một số tỉnh làm chưa triệt để; công tác vận động, tuyên truyền, giải thích của các đoàn thể chưa thường xuyên, nhất là những đoàn thể có đoàn viên, hội viên khiếu kiện kéo dài, không chấp hành quyết định giải quyết đúng của cơ quan có thẩm quyền; việc thực hiện các quyết định giải quyết KN và xử lý tố cáo ở một số nơi chưa đầy đủ, chưa kịp thời đã giảm đi hiệu quả, hiệu lực của công tác giải quyết KNTC và cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tiếp khiếu, tiếp tố.

Để tạo sự chuyển biến tích cực trong giải quyết KNTC, nhất là KN đông người, năm 2012, theo bà đột phá cần thiết là gì?

Đ/c Lê Thị Thủy: Cần tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 09-CT/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thông báo Kết luận số 130-TB/TW của Bộ Chính trị về giải quyết KNTC trong tình hình hiện nay và huy động cả hệ thống chính trị tham gia tuyên truyền, giáo dục pháp luật và giải quyết KNTC; Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong giải quyết KNTC và gắn kết quả giải quyết KNTC với việc bình xét thi đua khen thưởng, coi đây là một trong những tiêu chí trong đánh giá xếp loại khen thưởng hàng năm của địa phương, đơn vị và người đứng đầu. Các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là Thanh tra phải phân công, bố trí cán bộ bám địa bàn, khi có vụ viêc xảy ra phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo kịp thời, khi được giao nhiệm vụ tham mưu giải quyết phải kiểm tra, xác minh khách quan, trung thực, đảm bảo đúng pháp luật, có lý có tình để kiến nghị cấp thẩm quyền giải quyết dứt điểm vụ việc. Đồng thời, phải phát huy vai trò giám sát của HĐND, của Mặt trận Tổ quốc và sự  phối hợp tham gia giải quyết KNTC của Hội Nông dân theo Chỉ thị số 26/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; coi trọng công tác hòa giải ở cơ sở, phát huy tinh thần đoàn kết, tình làng nghĩa xóm, hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp.

Là một trong những lãnh đạo Ngành rất quan tâm chia sẻ với hoạt động của Báo Thanh tra. Theo bà, Báo cần phải làm gì để phối hợp và đáp ứng ngày càng cao công tác tuyên truyền của Ngành?

Đ/c Lê Thị Thủy: Tôi ghi nhận sự nỗ lực, quyết tâm của tập thể Báo Thanh tra và tin tưởng rằng, Báo Thanh tra sẽ phát huy tốt thành tích đã đạt được của những năm qua. Báo đã tích cực, chủ động nắm bắt vụ việc; thông qua các bài viết góp phần tuyên truyền, giải thích về pháp luật, giúp độc giả cũng như các tầng lớp nhân dân, nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ công dân trong giải quyết KNTC; phóng viên sâu sát địa bàn, nhất là những địa phương có vụ việc tồn đọng và khiếu kiện đông người, dư luận quan tâm để giúp cấp ủy, chính quyền, Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ có định hướng dư luận nhận thận thức đúng về các vụ việc KNTC, kể cả nội dung KNTC của công dân lẫn kết luận, biện pháp giải quyết của các cấp chính quyền.

Bên cạnh đó, Báo cũng cần nêu những gương người tốt, việc tốt trong công tác giải quyết KNTC, động viên và chia sẻ kịp thời những vất vả, khó khăn của cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết KNTC cũng như nỗi bức xúc và oan sai của người dân mà họ phải KNTC, đồng thời kiên quyết đấu tranh phê bình những trường hợp có hành vi sai trái, kể cả cán bộ, công chức lẫn người dân khi giải quyết KNTC hay thực hiện quyền KNTC. Quá trình đưa tin, tuyên truyền, Báo cần chú ý là thông tin phải chính xác, khách quan, công tâm, bảo đảm đúng tôn chỉ mục đích.

Nhân dịp năm mới, tôi chúc Ban biên tập, cán bộ, phóng viên, viên chức của Báo Thanh tra dồi dào sức khỏe, năng động, xây dựng tờ báo ngày càng phát triển, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra.

Xin cảm ơn bà.

Minh Tâm (thực hiện)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm