Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Thủ tướng: TP HCM thực hiện cách ly triệt để, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc

Hương Giang

Thứ sáu, 20/08/2021 - 16:39

(Thanh tra) - Lãnh đạo Chính phủ đề nghị, người dân TP HCM tuyệt đối “ai ở đâu thì ở đó”, người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: N.Bắc

Tối qua (19/8), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với TP HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An về công tác phòng, chống dịch COVID -19.

Tuyệt đối "ai ở đâu thì ở đó"

Hiện nay dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại TP HCM và các tỉnh lân cận.

Sau nghe lãnh đạo TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An báo cáo tỉnh hình dịch bệnh; ý kiến của Ban Chỉ đạo quốc gia, các bộ trưởng và Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng đề nghị, căn cứ vào tình hình dịch tễ, TP HCM phải xác định mỗi xã, phường là 1 pháo đài, mỗi người dân là 1 chiến sỹ, thực hiện phong tỏa ổ dịch để kiểm soát dịch bệnh.

Đồng thời đề nghị người dân tuyệt đối “ai ở đâu thì ở đó”, thực hiện cách ly triệt để giữa người với người, gia đình với gia đình, xã phường với xã phường.

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, không để người dân nào bị đói, thiếu ăn, thiếu mặc; đáp ứng những nhu cầu y tế thiết yếu của mọi người ở mọi lúc, mọi nơi; bảo đảm an ninh trật tự, an sinh xã hội; chia sẻ động viên, hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm bởi đây là quyền lợi, nghĩa vụ, cũng là trách nhiệm của công dân vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.

“Phong tỏa chặt thì phải lo ăn, lo mặc, phải lo y tế cho người dân. Vì thế, phải tăng cường trạm y tế phường”, Thủ tướng nói.

“Đừng có chần chừ nữa, nói gì là phải làm ngay”

Ông cho biết đã có thư kêu gọi 63 tỉnh, thành và đề nghị tiếp tục có thư để kêu gọi bác sỹ các địa phương đăng ký nhanh để hỗ trợ TP HCM và các tỉnh phía Nam. “Đừng có chần chừ nữa, nói gì là phải làm ngay”, Thủ tướng quyết liệt chỉ đạo.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Y tế phải tổng hợp về lực lượng y tế, cần bao nhiêu bác sỹ, điều dưỡng thì phải có ngay cho TP HCM…

Ông cũng yêu cầu, xe vận tải của quân đội và công an phải tập trung để đưa hàng hóa đến các phường, xã. “Phường, xã là pháo đài kia mà. Vấn đề là tổ chức ở các phường, xã thế nào để các lực lượng này phối hợp cho thật tốt”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu khi các địa phương quyết định giãn cách để phong tỏa ổ dịch thì phải thực hiện cách ly triệt để để tìm ra được F0, nhanh chóng đưa ra khỏi cộng đồng và có hướng điều trị phù hợp. Muốn làm được điều này thì phải xét nghiệm.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: N.Bắc

“Dứt khoát phải xét nghiệm, vì có xét nghiệm thì mới biết F0 nằm ở đâu. Còn xét nghiệm như thế nào thì theo quy định của Bộ Y tế”, Thủ tướng nêu rõ và yêu cầu, Bộ Y tế chủ trì việc này.

Theo ông, trong lúc phong tỏa có thể đến tận nhà xét nghiệm, hoặc có thể báo đến xã, phường vì mỗi xã, phường là một pháo đài. “Vấn đề là tổ chức, đừng để lộn xộn”, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ.

Cạnh đó, phân loại bệnh nhân để áp dụng và phân luồng điều trị tại gia đình hoặc tập trung; tăng cường nhân lực, phương tiện cho các cơ sở y tế để cứu chữa bệnh nhân COVID-19 giảm tối đa ca tử vong.

Bảo đảm cung ứng đủ thực phẩm, nhu yếu phẩm

Thủ tướng cũng yêu cầu dựa vào hệ thống chỉ huy của TP, các bộ, ngành tăng cường lực lượng, phối hợp, hỗ trợ thật tốt. Ông cũng đề nghị TP HCM vận động người dân các tỉnh khác ở lại TP, không trở về vì việc ở lại chính là cứu mình.

Lãnh đạo Chính phủ đề nghị Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên tham gia hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ, vận động nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Các bộ: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công an, Quốc phòng phối hợp với chính quyền TP đảm bảo cung ứng đầy đủ thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho những khu vực phong tỏa.

Đồng thời, có cơ chế huy động nguồn lực tư nhân như khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, nhà thuốc tư nhân trong phòng, chống dịch.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp tục thúc đẩy ngoại giao vaccine. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phụ trách, chỉ đạo chung về công tác hậu cần, tài chính, xuất cấp dự trữ quốc gia... Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phụ trách, chỉ đạo chung về công tác phòng chống dịch và y tế. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phụ trách, chỉ đạo chung về công tác cung ứng hàng hóa. Các bộ trưởng theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phải thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tất cả vì nhân dân.

“Các bộ trưởng phải vào cuộc ngay, không chập chờn để thực hiện các nhiệm vụ nói trên", Thủ tướng yêu cầu.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine và có thể huy động thêm lực lượng công an, quân đội để hỗ trợ.

Xuất hơn 130.000 tấn gạo cho 24 tỉnh, TP hỗ trợ người dân gặp khó khăn

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký quyết định xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh, TP để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 130.175,67 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 24 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 năm 2021.

24 tỉnh, TP gồm: Tỉnh Đắk Lắk 534,39 tấn gạo; tỉnh Đắk Nông 577,11 tấn gạo; tỉnh Đồng Tháp 5.883,465 tấn gạo; tỉnh Tây Ninh 336,255 tấn gạo; tỉnh Cà Mau 2.862,33 tấn gạo; tỉnh Vĩnh Long 2.103,195 tấn gạo; tỉnh Long An 807 tấn gạo; tỉnh Kiên Giang 2.278,17 tấn gạo; tỉnh Trà Vinh 1.738,95 tấn gạo; tỉnh Khánh Hòa 2.000,01 tấn gạo; tỉnh Bình Dương 11.325 tấn gạo; tỉnh Bến Tre 2.408,265 tấn gạo; tỉnh Bình Định 1.000,5 tấn gạo; tỉnh An Giang 3.362,28 tấn gạo; tỉnh Nghệ An 341,1 tấn gạo; tỉnh Tiền Giang 3.006,225 tấn gạo; tỉnh Đồng Nai 3.128,505 tấn gạo; tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu 2.283,495 tấn gạo; tỉnh Phú Yên 1.852,665 tấn gạo; TP. Đà Nẵng 1.630,635 tấn gạo; TP. cần Thơ 5.015,49 tấn gạo; tỉnh Bình Thuận 4.018,485 tấn gạo; tỉnh Ninh Thuận 577,2 tấn gạo; TP HCM 71.104,95 tấn gạo.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, TP trên chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo và thực hiện hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, định mức theo quy định và phù hợp với công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Trường hợp sau khi thực hiện nếu vẫn còn khó khăn, UBND các tỉnh, TP nêu trên báo cáo các bộ: Lao động-Thương binh và Xã hội, Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, tiếp tục hỗ trợ. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm