Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Thủ tướng: “Thuỷ điện nhỏ, tôi đồng ý nên rất hạn chế”

Hương Giang

Thứ hai, 02/11/2020 - 12:59

(Thanh tra) - Chính phủ đang có chương trình, chính sách khắc phục lũ lụt miền Trung quyết liệt và sẽ mạnh tay hơn như hỗ trợ nhà ở, nhà sập, đặc biệt là tìm người mất tích…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: TN

Sáng 2/11, Quốc hội thảo luận tại tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021….

Bà con miền Trung khổ lắm!

“Từ cuối tháng 9, đầu tháng 10 tới giờ, miền Trung phải oằn mình trong thiên tai, bão lũ. Bà con khổ lắm, nhà không có, không có gì ăn, mì tôm không có nước nấu để nấu phải ăn sống”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại tổ.

Trước tình hình thiên tai ở miền Trung, bà Ngân đề nghị các cấp ngành trước mắt cần tiếp tục hỗ trợ lương thực, thuốc men cho nhân dân, đảm bảo sau khi nước rút, dịch bệnh không bùng phát, nhân dân sớm vượt qua những khó khăn.

Theo Chủ tịch Quốc hội phải lồng ghép nội dung khắc phục phòng ngừa thiên tai, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch và chiến lược phát triển cho cả nhiệm kỳ tới.

“Đây là trách nhiệm rất nặng nề mà Chính phủ phải chỉ đạo các cơ quan, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu xây dựng kế hoạch”, Chủ tịch Quốc nói.

Bà Ngân còn lưu ý, việc xây dựng kế hoạch để chủ động di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, vùi lấp do thiên tai.

“Chẳng nhẽ thời gian tới vẫn có những vụ vùi lấp như vậy hay sao? Tôi đề nghị Quốc hội phải bàn về việc này, thông qua Nghị quyết để Chính phủ chủ động ngay trong năm 2021 di dân ra khỏi vùng thiên tai. Ngân sách Trung ương, địa phương phải chú ý cho nhiệm vụ này”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, lũ lụt thiên tai “rất nóng bỏng”. “Chưa bao giờ thiên tai dồn dập như thế vào Việt Nam hay còn gọi là thiên tai lịch sử, gây thiệt lại rất lớn làm giảm GDP, chăn nuôi, gia súc, gia cầm… “, ông nói.

Chính phủ đang có chương trình khắc phục quyết liệt và sẽ có chính sách mạnh tay hơn như hỗ trợ nhà ở, nhà sập, đặc biệt là tìm người mất tích.

Theo người đứng đầu Chính phủ, hiện nay, 2 tàu với 26 người mới tìm được 3 người, còn 23 người ở biển khơi Bình Định đang mất tích. Bên cạnh đó, còn người mất tích ở một số xã ở huyện Trà My (Quảng Ngãi), Rào Trăng 3 (Quảng Trị)…

“Số người chưa tìm thấy là trên 50 người, rất đau xót cho thân nhân gia đình của họ”, Thủ tướng bày tỏ và khẳng định, Chính phủ sẽ có biện pháp mạnh mẽ hơn.

“Chúng tôi cũng sẽ có báo cáo Quốc hội, đại biểu Quốc hội về các biện pháp khắc phục hậu quả lũ lụt ở miền Trung và đưa ra biện pháp hiệu quả hơn để đề phòng bão số 10”.

Vì sao sạt lở đất nhiều thế?

Đề cập đến vấn đề vì sao sạt lở đất nhiều như thế, theo Thủ tướng, nguyên nhân chính là do kết cấu địa chất ở khu vực này đất sét là chính mà mưa trên 1.000mm trong nửa tháng nên nhão, không kết cấu nào chịu được.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, theo khảo sát hôm qua, thảm thực vật còn 80-90%. Cho nên, mưa lũ làm thay đổi kết cấu địa chất của khu vực này là chính.

“Khu vực sạt lở ở Trà Leng không có thuỷ điện nào cả. Hay ở huyện Hương Hoá Quảng Trị nơi 23 chiến sĩ hy sinh thì núi cách đó 1,6km chứ không phải núi tại chỗ”, Thủ tướng dẫn chứng.

Thủ tướng cũng cho biết, cách đây 7-8 năm, khi còn làm Phó Thủ tướng lên Lào Cai thấy thời điểm đó, lũ xuất hiện, mưa 2.000 mm trong mấy ngày khiến “hòn đá to bằng mái nhà cũng trôi hết”.

“Tác hại của thiên nhiên rất lớn. Ta đánh giá toàn diện hơn để có biện pháp hạn chế tối đa tác động của con người. Đó là, tăng trưởng xanh tốt hơn, hạn chế thuỷ điện tốt hơn nữa để không lấy rừng, lấy đất rừng”, Thủ tướng nhấn mạnh và nhắc lại yêu cầu rất nhiều lần là “Tây nguyên không thể thành sa mạc mà  phải là rừng xanh bạt ngàn”.

Quốc hội hiện đã ra nghị quyết nêu rõ, những công trình nào lấy đất rừng thì phải trình ra Quốc hội.

Hôm nay, Chính phủ trình ra Quốc hội đề nghị chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án hồ chứa nước Sông Than, tỉnh Ninh Thuận và dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An.

“Chính phủ trình ra Quốc hội 2 công trình và chứng minh rằng, công trình đó lấy 1 ít đất rừng nhưng có tác dụng rất lớn là để giải quyết đời sống nước uống sinh hoạt ở khu vực đó. Chứng minh được thì Quốc hội mới thông qua. Còn những công trình thuỷ điện nhỏ tôi đồng ý với các đồng chí là nên rất hạn chế”, Thủ tướng  Chính phủ nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm