Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thủ tướng ra thông điệp: “5 tăng”, “5 giảm”, “5 tăng tốc, bứt phá” với ngành ngân hàng

Hương Giang

Thứ năm, 14/03/2024 - 16:37

(Thanh tra) - Chỉ rõ thông điệp “5 tăng”, “5 giảm”, “5 tăng tốc, bứt phá” với ngành ngân hàng, Thủ tướng giao hàng loạt nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể.

Thủ tướng ra thông điệp: “5 tăng”, “5 giảm”, “5 tăng tốc, bứt phá” với ngành Ngân hàng. Ảnh: N.Bắc

Ngày 14/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì Hội nghị Triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhanh chóng “xoay chuyển tình thế”

Kết luận hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, 2024 là năm “tăng tốc, bứt phá”, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với việc thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

Quốc hội, Chính phủ đề ra mục tiêu năm nay, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6 - 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ở mức 4,0 - 4,5%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém) dưới 3%; tăng trưởng tín dụng đạt 15%.

Để đạt được mục tiêu đề ra, theo Thủ tướng, đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực rất lớn, trong bối cảnh tình hình tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Với ngành ngân hàng, Thủ tướng khái quát bằng ba cụm từ: “5 tăng”, “5 giảm”, “5 tăng tốc, bứt phá”.

Theo đó, “5 tăng” gồm: Tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng; tăng tháo gỡ vướng mắc pháp lý và chất lượng tín dụng; tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp và năng lực quản trị điều hành của ngân hàng, của thị trường tài chính; tăng công khai, minh bạch về lãi suất huy động, cho vay và chống tín dụng đen; tăng cường giám sát kiểm tra và phòng ngừa rủi ro, chống tham nhũng, tiêu cực.

“5 giảm" gồm: Giảm lãi suất cho vay; giảm chi phí giao dịch, hoạt động; giảm thủ tục hành chính; giảm phiền hà, sách nhiễu; giảm tiêu cực, lợi ích nhóm, “sân sau”…

“5 tăng tốc, bứt phá” gồm: tăng tốc, bứt phá về số hóa; tăng tốc, bứt phá về chất lượng dịch vụ; tăng tốc, bứt phá về chất lượng nguồn nhân lực; tăng tốc, bứt phá về hạ tầng ngân hàng; tăng tốc, bứt phá về phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, góp phần tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: N.Bắc

Người đứng đầu Chính phủ quán triệt, trong chỉ đạo điều hành phải bám sát tình hình và yêu cầu thực tiễn, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả.

Trong đó, ông đặc biệt lưu ý, không điều hành “giật cục”; không ngừng đổi mới, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, nhanh chóng “xoay chuyển tình thế”, “chuyển đổi trạng thái”.

Nghiêm cấm cấp tín dụng không đúng đối tượng

Thủ tướng cũng giao hàng loạt nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể với Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức tín dụng và các tổ chức kinh tế, người dân.

Trong đó, theo Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước phải theo dõi sát tình hình thế giới, trong nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, nhất là điều hành hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá.

Cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng. “Nghiêm cấm việc cấp tín dụng không đúng quy định pháp luật, không đúng đối tượng”, theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Với các tổ chức tín dụng, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, tăng cường trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh trong việc chia sẻ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp theo quan điểm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” và “cùng thắng”.

Các ngân hàng phải kiểm soát chặt chẽ tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; rà soát, phân loại các dự án bất động sản để kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp đối với từng doanh nghiệp, từng dự án đủ điều kiện; có tín dụng phù hợp với lĩnh vực BOT, BT giao thông, các dự án trọng điểm, lĩnh vực xăng dầu…

Tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; nghiêm túc việc công bố lãi suất cho vay bình quân, cũng là vấn đề Thủ tướng lưu ý.

Ông cũng đề nghị các tổ chức kinh tế, người dân thực hiện sản xuất kinh doanh đúng pháp luật, linh hoạt, thích ứng trong mọi hoàn cảnh; tiếp tục đổi mới công tác quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh…

Bộ Công an được giao khẩn trương có các giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng tại các tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và an ninh tài chính, tiền tệ.

Tín dụng 2 tháng đầu năm tăng trưởng âm

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, vốn rót vào bất động sản và chứng khoán trong hai tháng đầu năm tăng hơn so với cùng kỳ, trong khi các ngành khác đều giảm.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

Tính chung, tăng trưởng tín dụng đến ngày 29/2 giảm 0,72% so với cuối năm ngoái. Tốc độ giảm tín dụng tháng 2 đã chậm lại (-0,05%) so với tháng 1 (-0,6%).

Tín dụng cải thiện, nhưng vẫn âm, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú do yếu tố mùa vụ dịp Tết Nguyên đán, cùng khả năng hấp thụ vốn thấp.

Ông Tú cho hay, giai đoạn đầu năm doanh nghiệp thường hạn chế vay mới. Cạnh đó, nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động do sức ép lạm phát, giá vật liệu tăng, thiếu đơn hàng. Người dân tăng dự phòng và giảm vay để chi tiêu.

Một số nhóm khách hàng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, do quy mô vốn nhỏ, năng lực hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi…

Tăng trưởng tín dụng hai tháng đầu năm giảm, nhưng lượng tiền gửi còn rất lớn, khoảng 14 triệu tỷ đồng, tức tiền nhiều nhưng vốn không thể ra nền kinh tế.

Về phía ngân hàng, ông Tú thừa nhận một số ngân hàng thận trọng cho vay do nợ xấu tăng. Thủ tục cho vay, thời gian xét duyệt vay quá thận trọng tại một số ngân hàng, khiến giải ngân thấp.

Để tăng khả năng tiếp cận vốn Phó Thống đốc cho biết, cơ quan này sẽ nghiên cứ, sửa đổi các quy định; điều hành theo hướng từng bước giảm mặt bằng lãi suất.

Ngân hàng Nhà nước cũng kiến nghị các bộ ngành, địa phương triển khai các giải pháp cần thiết để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp trong thời gian tới.

Với doanh nghiệp, ông Tú đề xuất, thực hiện các biện pháp tái cấu trúc hoạt động; xây dựng các phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, minh bạch tài chính…

Doanh nghiệp bất động sản mong tiếp cận vốn tín dụng có chi phí thấp hơn Tại hội nghị, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sungroup cho hay, mong muốn doanh nghiệp bất động sản là khả năng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng có chi phí thấp hơn.  Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sungroup. Ảnh: N.Bắc Hiện nay, chênh lệch các khoản vay giữa ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại Nhà nước chênh khá lớn (từ 4-5%). “Doanh nghiệp mong muốn có sự thu hẹp khoảng cách này và nếu được thì các chi phí vay vốn giảm hơn nữa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sungroup nói. Sungroup cũng đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có những chính sách giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; đẩy mạnh đầu tư công.  Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) thì cho biết, ngành Dệt may không khó tiếp cận tín dụng khi có đơn hàng, vì có đơn hàng thì có lời, nhưng ngành sản xuất nguyên liệu, đặc biệt là ngành sợi, lại khác. Theo ông Trường, đầu năm nay, hạn mức tín dụng với các doanh nghiệp ngành sợi rất khó khăn. “Hiện nay tất cả các ngân hàng đều cắt giảm hạn mức cho vay với công ty sợi, hoặc yêu cầu có tài sản đảm bảo 100% với khoản vay ngắn hạn năm 2024”, Chủ tịch Vinatex chia sẻ. Ngoài lãi suất, các chính sách khác hỗ trợ ngành sợi của Việt Nam cũng thấp hơn các nước khác trong khu vực. “Nếu không có sự hỗ trợ của ngân hàng, chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành thì chúng ta có thể mất đi ngành sợi”, ông Trường nhận định.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Trung ương Đảng thống nhất cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

Trung ương Đảng thống nhất cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy

(Thanh tra) - Việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18, Trung ương Đảng khoá XIII xác định đây là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và toàn hệ thống chính trị.

Hương Giang

16:06 25/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm