Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Tiền gửi vào ngân hàng còn rất lớn, Thủ tướng hỏi: Vì sao doanh nghiệp kêu thiếu vốn, nút thắt ở đâu?

Hương Giang

Thứ năm, 14/03/2024 - 09:57

(Thanh tra) - Tiền gửi vào ngân hàng tăng, dù lãi suất huy động liên tục giảm giảm, Thủ tướng đặt loạt câu hỏi: Vì sao doanh nghiệp kêu thiếu vốn, nút thắt ở đâu, nguyên nhân gì? Làm thế nào để cung ứng vốn tín dụng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho sản xuất kinh doanh?...

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: N.Bắc

Ngày 14/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì Hội nghị Triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Mở đầu phiên họp, người đứng đầu Chính phủ nói, đầu năm 2024, các tín hiệu tiếp tục cho thấy nền kinh tế đang phục hồi trên tất cả các lĩnh vực, nhưng còn nhiều khó khăn, thách thứ.

Về chính sách tiền tệ, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo điều hành quyết liệt, đồng bộ, cụ thể, sát thực tiễn.

Ngân hàng Nhà nước đã cố gắng, điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp, hiệu quả, các doanh nghiệp nỗ lực cơ cấu lại hoạt động phù hợp tình hình, các tổ chức tín dụng cũng chia sẻ để có dòng vốn lưu thông tốt hơn.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm 2024 giảm so với cuối năm 2023, trong khi lượng tiền gửi còn rất lớn (14 triệu tỷ đồng).

Cạnh đó, lãi suất cho vay vẫn còn cao; nợ xấu có xu hướng tăng; việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém còn chậm; giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội chưa hiệu quả.

Trước những vấn đề trên, Thủ tướng đặt loạt câu hỏi để tập trung thảo luận, đưa ra đáp án, giải pháp cụ thể.

Đầu tiên, điều hành chính sách tiền tệ, nhất là lãi suất, tỷ giá như thế nào để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng (khoảng 6-6,5%) và giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế?

Hai là, vì sao doanh nghiệp kêu thiếu vốn, khó tiếp cận vốn tín dụng, trong khi lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư vào hệ thống ngân hàng lại tăng, dù lãi suất huy động liên tục giảm? Nút thắt ở đâu, nguyên nhân là gì, do quy định, do điều hành, do thận trọng hay do cục bộ?

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì Hội nghị Triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024. Ảnh: N.Bắc

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến nay lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức 3,3%/năm, giảm 0,2%/năm so với cuối năm 2023; lãi suất cho vay bình quân của các khoản vay mới ở mức 6,4%/năm, giảm 0,7%/năm so với cuối năm 2023.

Vấn đề thứ ba, được người đứng đầu Chính phủ đặt ra là tình hình cung ứng tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế.

Từng ngành, lĩnh vực đã tốt chưa? Đâu là điểm nghẽn, nguyên nhân, biện pháp tháo gỡ khắc phục, đảm bảo việc cung ứng vốn không ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm? Làm thế nào để cung ứng vốn tín dụng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho sản xuất kinh doanh? Thủ tướng nêu.

Bốn là, cần có các giải pháp gì tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân? Đặc biệt là các giải pháp về lãi suất, thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, các biện pháp về bảo lãnh, các biện pháp về truyền thông, công nghệ...?

Năm là, các ngân hàng thương mại cần làm gì để bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15% như Ngân hàng Nhà nước đã giao ngay từ đầu năm? Làm thế nào để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, để hệ thống ngân hàng cùng chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp?

Vấn đề thứ sáu được Thủ tướng đặt ra là: Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương cần phải làm gì, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cần làm gì để kích cầu đầu tư, tiêu dùng, tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân và doanh nghiệp?

Cho hay, sản phẩm của hội nghị dự kiến sẽ là chỉ thị hoặc kết luận của Thủ tướng, ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, đưa đất nước phát triển.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm