Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển

Hương Giang

Thứ tư, 02/06/2021 - 18:30

(Thanh tra) - Làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, đổi mới tư duy mạnh mẽ, coi truyền thống văn hóa - lịch sử là một nguồn lực, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển.

“Phải dựa trên nền tảng văn hóa, truyền thống của chính chúng ta thì mới có thể phát triển bền vững, lâu dài”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói

Ngày 2/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới và giải quyết các kiến nghị, đề xuất của ngành.

Phải xử lý dứt điểm vụ một số vấn đề nổi cộm

Báo cáo Thủ tướng, lãnh đạo Bộ VHTT&DL cho biết, thời gian qua, một số lĩnh vực VHTT&DL  có những tiến bộ toàn diện, vững chắc. Ngành Du lịch có bước tiến ngoạn mục.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng, tư duy quản lý VHTT&DL chưa theo kịp sự phát triển của xã hội. Các cơ quan quản lý vẫn còn ôm đồm, bị sa đà vào các hoạt động cụ thể, các công việc sự vụ, phong trào mà chưa thực sự phát huy được đầy đủ trách nhiệm quản lý Nhà nước để phát huy vai trò của xã hội, của cộng đồng, doanh nghiệp và các hiệp hội nghề nghiệp.

“Chất lượng hiệu quả của hoạt động văn hóa, văn nghệ chưa cao. Dù lượng tác giả nhiều, tác phẩm được xuất bản cao hơn nhưng lại luôn thiếu những tác phẩm lớn xứng tầm, còn thiếu vắng các tác phẩm nghệ thuật mang cảm xúc thời đại”, Bộ trưởng phát biểu.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng báo cáo tại buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Bộ VHTT&DL phải mạnh dạn thay đổi tư duy trong quản lý mới có thể tạo đột phá, đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng của nhân dân, trước hết trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá, lịch sử, nhất là những di tích, di sản cấp đặc biệt, cấp quốc gia.

Bộ cũng cần khẩn trương xử lý dứt điểm một số vấn đề nổi cộm, được dư luận xã hội quan tâm như cổ phần hoá Hãng Phim truyện Việt Nam; xây dựng bộ tiêu chí quy định rõ những hành vi, thái độ ứng xử bị coi là phản cảm, phản văn hoá trong cuộc sống hằng ngày cũng như lễ hội.

Cùng với đó, rà soát tính hiệu quả, thực chất hệ thống thiết chế văn hoá cả ở Trung ương và địa phương; đẩy nhanh tốc độ số hoá về du lịch, di sản văn hoá, tư liệu…

“Duy trì cơ chế cũ thì bao nhiêu tiền ngân sách cũng thấy thiếu

Kết luận cuộc họp, người đứng đầu Chính phủ biểu dương những nỗ lực, cố gắng của ngành; đồng thời lưu ý, thực trạng văn hóa, đạo đức xã hội có mặt đã xuống cấp. Vì thế phải phân tích kỹ lưỡng, đánh giá chính xác vấn đề này để có giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Theo Thủ tướng, nguyên nhân của những vướng mắc, hạn chế là tư duy, nhận thức vẫn chưa đúng tầm với vai trò, vị trí và tầm quan trọng của ngành.

Ngành cũng chưa thực sự chủ động tích cực vươn lên từ nội lực, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại; chưa coi trọng công tác kiểm tra, giám sát; chưa coi trọng việc động và khai thác nguồn lực xã hội…

Đề cập đến quan điểm, tư tưởng chỉ đạo trong phát triển ngành, Thủ tướng cho rằng, phải tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, biến khó khăn, thách thức thành động lực để phấn đấu, khẳng định và trưởng thành, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể...

Ông nhấn mạnh yêu cầu đổi mới tư duy mạnh mẽ, coi truyền thống văn hóa - lịch sử là một nguồn lực, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển. Trong bối cảnh nguồn lực, thời gian đều có hạn, nhiệm vụ, công việc nhiều, yêu cầu, đòi hỏi cao, cần lựa chọn, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm có tính chất “đòn bẩy, điểm tựa”, có tác động lan tỏa.

Đồng thời, yêu cầu tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, tăng cường giám sát, kiểm tra.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Bộ VHTT&DL. Ảnh: Nhật Bắc

“Việc gì cũng lên Bộ thì nhân sự gấp 10 lần cũng không làm nổi”, Thủ tướng nói và lấy ví dụ, các trung tâm văn hóa - thể thao, công viên, nhà hát, sân vận động, làng văn hóa… đều có thể huy động nguồn lực từ xã hội.

Theo lãnh đạo Chính phủ, các đơn vị này phải phát triển theo hướng tự chủ, đẩy mạnh hợp tác công tư, xóa bao cấp. Còn “nếu duy trì cơ chế cũ thì bao nhiêu tiền ngân sách Nhà nước cũng thấy thiếu”.

Càng khó khăn càng đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ của người lãnh đạo

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu ngành tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm cụ thể thời gian tới.

Trong đó, phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ; phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí trên nền tảng văn hóa, truyền thống lịch sử của dân tộc.

“Phải dựa trên nền tảng văn hóa, truyền thống của chính chúng ta thì mới có thể phát triển bền vững, lâu dài”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Chia sẻ với ngành Du lịch về những ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, Thủ tướng đề nghị phát huy tinh thần “trong cái khó, ló cái khôn”, cùng Chính phủ triển khai cách thức phù hợp nhất để chung sống với đại dịch, duy trì sản xuất kinh doanh trên cơ sở chiến lược “5K + vaccine”, tạo điều kiện để các doanh nghiệp cùng tham gia phòng chống COVID-19, tìm kiếm vaccine.

“Đóng cửa ngay thì dễ quá, vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh mới cần chúng ta suy nghĩ, bàn bạc. Tình hình càng khó khăn càng đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ của người lãnh đạo, nếu vượt qua được sẽ càng củng cố được niềm tin của các đối tác”, Thủ tướng chia sẻ và nhắc tới việc Bắc Giang đã triển khai mô hình vừa sản xuất, vừa bố trí cho người lao động ăn, ở ngay tại nhà máy. Vì vậy, ngành cũng cần coi trọng công tác xây dựng thương hiệu du lịch.

Ngoài ra, cần phải coi trọng công tác thông tin-truyền thông, vận động người dân thực hiện nếp sống văn hóa mới, chống các biểu hiện xuống cấp về đạo đức, văn hóa…

Cơ bản đồng tình với các kiến nghị của Bộ, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp xử lý cụ thể.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Hoàng Nam

22:10 22/11/2024
Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Minh Tân

17:29 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm