Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Thủ tướng: Kiểm soát lạm phát, không tăng giá sách giáo khoa lúc này

Hương Giang

Thứ hai, 05/08/2024 - 15:59

(Thanh tra) - Cùng với kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng mạnh hơn, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài; bảo đảm an sinh xã hội, không tăng giá sách giáo khoa lúc này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu không tăng giá sách giáo khoa lúc này. Ảnh: N.Bắc

Nội dung này được Thủ tướng Phạm Minh Chính quán triệt khi phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024, sáng 5/8.

Thúc đẩy tăng trưởng mạnh hơn

Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2024 tiếp tục xu hướng tích cực, nhưng Thủ tướng lưu ý, còn những khó khăn, thách thức.

Trong đó, sức ép lạm phát còn cao; sản xuất kinh doanh trong một số lĩnh vực còn khó khăn. Thị trường bất động sản bước đầu ổn định, nhưng vướng mắc còn chậm được giải quyết.

Gói tín dụng 140.000 tỷ cho nhà ở xã hội triển khai rất chậm, trong khi vẫn còn 26.500 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ…

Thủ tướng yêu cầu mục tiêu tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Song song là thúc đẩy tăng trưởng mạnh hơn, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao hơn, kiểm soát tốt nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia.

“Quan điểm chỉ đạo chung là tháng sau đạt kết quả cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, thành quả năm 2024 nhiều hơn, bao trùm hơn, toàn diện hơn năm 2023”, người đứng đầu Chính phủ quán triệt.

Về các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh 12 nội dung trọng tâm.

Trong đó, ông yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các địa phương làm việc nào dứt điểm việc đó; phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời hạn, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả”, tăng cường giám sát, kiểm tra, triển khai thi đua khen thưởng, xử lý vi phạm kịp thời.

Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024. Ảnh: N.Bắc

Chính sách tiền tệ phải được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác.

Ngân hàng Nhà nước phải tăng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung cho lĩnh vực ưu tiên, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15%; tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Bộ Tài chính phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, quyết liệt triển khai chuyển đổi số, áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí.

Khẩn trương phân bổ 26.500 tỷ đồng vốn đầu tư công

Các bộ, ngành liên quan tập trung bảo đảm ổn định thị trường, giá cả các hàng hoá thiết yếu; chuẩn bị kỹ, đánh giá tác động, có lộ trình điều chỉnh giá phù hợp các dịch vụ do Nhà nước quản lý (giáo dục, y tế).

“Kiên quyết không để thiếu, bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu, đáp ứng yêu cầu sản xuất và tiêu dùng trong mọi tình huống”, Thủ tướng nêu rõ.

Bên cạnh tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, theo yêu cầu của Thủ tướng, phải đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Khẩn trương phân bổ 26.500 tỷ đồng vốn đầu tư công còn lại. Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiên quyết điều chuyển vốn sang các nhiệm vụ, dự án giải ngân nhanh, có nhu cầu bổ sung vốn trước 15/8/2024.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: N.Bắc

Tiếp tục tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng, kéo dài; bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân, là những nhiệm vụ trọng tâm tiếp theo được Thủ tướng lưu ý.

Các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, bão lũ, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại. “Không để ai không có chỗ ở, không để ai bị đói, bị rét”, Thủ tướng lưu ý, làm tốt công tác hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế tập trung xử lý các vấn đề liên quan đến Dự án Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị tốt cho năm học mới, không tăng giá sách giáo khoa trong lúc này; bảo đảm vệ sinh, an toàn học đường; phòng chống đuối nước ở trẻ em.

Người đứng đầu Chính phủ còn yêu cầu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Chuẩn bị chu đáo phục vụ đại hội Đảng bộ các cấp, tiến đến Đại hội lần thứ XIV của Đảng; chuẩn bị tốt các đề án báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các tài liệu phục vụ Hội nghị Trung ương và Kỳ họp thứ 8 Quốc hội XV, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Nhiều kết quả nổi bật

- Kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng tích cực trong cả 3 khu vực. Trong đó, khu vực nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định; khu vực công nghiệp phục hồi tốt tăng 8,5%; khu vực dịch vụ tăng 8,7%.

Đặc biệt, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 7/2024 đạt 54,7 điểm - cao nhất kể từ tháng 11/2018 với sản lượng, đơn hàng mới tăng mạnh.

- Lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng tăng 4,12%, tăng 0,04% so với tháng 6 (lạm phát cơ bản tăng 2,73%, tăng 0,02% so với tháng 6) trong bối cảnh tăng lương cơ bản.

-  Xuất khẩu tiếp tục tăng cao khi 7 tháng tăng 15,7%; nhập khẩu tăng 18,5%; xuất siêu 14,08 tỷ USD.

-  Tổng ngân sách Nhà nước 7 tháng ước đạt 69,8% dự toán năm, tăng 14,6% so với cùng kỳ (trong khi đã thực hiện miễn, giảm 87.200 tỷ đồng thuế, phí, lệ phí). - Du lịch phục hồi mạnh, vượt cùng kỳ trước đại dịch. Khách quốc tế 7 tháng đạt gần 10 triệu lượt, tăng 51% so với cùng kỳ 2023 và tăng 1,9% so với cùng kỳ 2019 trước khi có đại dịch COVID-19.

-  Giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đạt 34,68% kế hoạch. Thu hút FDI đạt 18 tỷ USD, tăng 10,9%; vốn FDI thực hiện đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4%, cao nhất trong 5 năm qua.

- Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực. 7 tháng có 139.500 doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường, tăng 5,9% so với cùng kỳ (cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường).

-  Triển khai đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội theo tiền lương mới từ ngày 1/7/2024. Tổng số kinh phí trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng thêm hơn 5.300 tỷ đồng.

Trong tháng 7 có 95,8% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm