Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thủ tướng: Giảm bớt thủ tục, rút ngắn thời gian làm dự án giao thông trọng điểm

Hương Giang

Thứ năm, 13/07/2023 - 15:02

(Thanh tra) - Giảm bớt thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian triển khai, không đùn đẩy, không né tránh trách nhiệm, chống tiêu cực, lãng phí… là yêu cầu được Thủ tướng quán triệt trong quá trình triển khai các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông Vận tải (GTVT).

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: N.Bắc

Ngày 13/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT chủ trì họp phiên thứ 6 của Ban Chỉ đạo nhằm kiểm tra, đôn đốc các công việc sau phiên họp lần thứ 5 và bàn các giải pháp, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án.

Năm 2023, vốn đầu tư công bố trí cho các dự án GTVT là hơn 97.000 tỷ đồng, hiện đã giải gần gần 38.000 tỷ đồng, đạt gần 40%. Theo tính toán của Bộ GTVT, dự kiến đến cuối năm nay, cả nước sẽ có 1.852 km cao tốc.

Khởi công Nhà ga Long Thành trong tháng 8

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự chuẩn bị và vào cuộc quyết liệt của các cơ quan trong triển khai các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.

Ông yêu cầu tích cực, quyết liệt hơn nữa, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; giảm bớt các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian triển khai, không đùn đẩy, không né tránh trách nhiệm, chống tiêu cực, lãng phí.

Đặc biệt về quy trình, thủ tục, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu không trông chờ, nếu xin ý kiến quá 7 ngày mà không trả lời thì coi như đồng ý.

Nhiệm vụ cụ thể với các nhóm dự án cũng được Thủ tướng nêu rõ.

Với nhóm chưa duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, Thủ tướng giao Bộ GTVT và các địa phương (Thái Bình, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bình Phước) khẩn trương hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để hoàn thiện hồ sơ các dự án đường cao tốc theo phương thức PPP.

Với nhóm đang thi công, gồm 3 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo đầu tư theo phương thức PPP và Nghi Sơn - Diễn Châu đầu tư công) và dự án cầu Mỹ Thuận 2, Thủ tướng yêu cầu hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2023.

Về các dự án cao tốc gồm Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 như Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khanh Hòa - Buôn Ma Thuột, Vành đai 3 TP HCM, Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội…, lãnh đạo Chính phủ nhắc cần tiếp tục thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư bảo đảm tiến độ, cơ bản hoàn thành bàn giao mặt bằng trước ngày 31/12/2023.

Liên quan dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Thủ tướng yêu cầu hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu gói thầu nhà ga hành khách để khởi công trong tháng 8 tới.

Bộ GTVT được giao chỉ đạo các chủ đầu tư và các cơ quan liên quan quyết liệt, đôn đốc các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” để hoàn thành 3 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 và Mỹ Thuận - Cần Thơ trong năm 2023.

“Kiên quyết xử lý các nhà thầu yếu kém, vi phạm tiến độ hợp đồng theo đúng các quy định”, Thủ tướng nêu rõ.

Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng

Liên quan tới các mỏ nguyên vật liệu, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái được giao chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định, chỉ đạo liên quan tới các mỏ nguyên vật liệu.

Các địa phương được yêu cầu thành lập tổ công tác thỏa thuận về giá chuyển nhượng, thuê đất bảo đảm phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của Nhà nước quy định, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, nâng giá, ép giá.

Thủ tướng đề nghị có chế tài để xử lý các trường hợp cố tình nâng giá, ép giá, đầu cơ đất khu vực mỏ.

Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ quán triệt thực hiện chủ trương Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng để đốc thúc tiến độ công việc quan trọng này.

Ông cũng nhắc tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh khẩn trương lập thiết kế bản vẽ thi công, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong việc thẩm định; triển khai lựa chọn nhà thầu để khởi công các dự án thành phần thuộc Vành đai 4 Hà Nội trong tháng 9/2023, lập kế hoạch và triển khai thi công bù lại tiến độ đã bị chậm.

Hà Nội và TPHCM khẩn trương giải quyết dứt điểm các công việc liên quan tới 2 tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội và Bến Thành - Suối Tiên; đồng thời tiếp tục chuẩn bị triển khai các dự án khác với tinh thần mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa.

Các địa phương phát huy hơn nữa tinh thần chủ động, tự lực, tự cường trong bố trí vốn cho các dự án, nhất là từ nguồn tăng thu ngân sách địa phương, đồng thời với phòng chống tham nhũng, lãng phí, Thủ tướng nêu rõ.

Nhấn mạnh tinh thần công khai, minh bạch, người đứng đầu Chính phủ lưu ý cần đa dạng hóa hơn nữa các nhà tư vấn cho các dự án trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh.

Thủ tướng nhắc nhở các chủ đầu tư không chia các dự án thành các gói thầu quá nhỏ, thông thầu, bán thầu, dẫn tới manh mún, nhỏ lẻ, ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm